Vẫn giữ ổn định phương thức tuyển sinh đại học 2021

.

Nhiều trường đại học đã công khai phương thức tuyển sinh 2021. Về cơ bản, phương thức tuyển sinh của các trường vẫn ổn định như năm trước. Cùng với đó là sự mạnh dạn của nhiều trường tư thục khi mở thêm các khối ngành mới về sức khỏe.

Vẫn chia nhiều phương thức xét tuyển     

Trường Đại học Bách khoa (ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) mới công bố đề án tuyển sinh 2021 theo đó 5 phương thức: Xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021 với khoảng 30- 60% tổng chỉ tiêu, điểm xét tuyển là tổng điểm 3 bài thi/môn thi của tổ hợp môn xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021, không nhân hệ số, cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực (nếu có); ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 15-20% tổng chỉ tiêu; xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT với 1-5% tổng chỉ tiêu; xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh với 30-70% tổng chỉ tiêu; xét thí sinh người nước ngoài hoặc tốt nghiệp THPT nước ngoài cho 1-5% tổng chỉ tiêu.

Điều kiện cần của 5 phương tức này là tốt nghiệp THPT. Chỉ tiêu tuyển sinh từng phương thức xét tuyển có thể được điều chỉnh theo tình hình thực tế.  

Giờ thực hành của sinh viên Đa khoa, trường Đại học Y Dược Cần Thơ. Ảnh: Quý Trung/TTXVN.
Giờ thực hành của sinh viên Đa khoa, trường Đại học Y Dược Cần Thơ. Ảnh: Quý Trung/TTXVN.

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội sớm công bố phương thức tuyển sinh đại học dự kiến năm 2021, gồm 3 phương thức xét tuyển: Xét tuyển tài năng; xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 và xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá tư duy (xét tuyển riêng). Đây là năm thứ 2 Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy (dự kiến 30-40% tổng chỉ tiêu) được tổ chức sau kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại 3 địa điểm của miền Bắc. Chỉ tiêu sơ tuyển dự kiến là 8.000-10.000 thí sinh.    

Ban tuyển sinh ĐH Bách khoa Hà Nội đưa ra yêu cầu với bài thi đánh giá tư duy là nằm trong chương trình phổ thông ở các mức độ kiến thức khác nhau, từ thông hiểu đến vận dụng và vận dụng sáng tạo. Phần toán sẽ bao gồm cả trắc nghiệm khách quan và tự luận. Đọc hiểu với nội dung chủ yếu liên quan tới khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ sẽ đánh giá kỹ năng đọc và năng lực phân tích, lý giải văn bản, khái quát, tổng hợp, biện luận về logic và suy luận từ văn bản.    

Các trường như ĐH Kinh tế-Tài chính TP. Hồ Chí Minh công bố 3 phương thức xét tuyển: Xét điểm tốt nghiệp THPT chiếm 65%; xét tuyển kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh chiếm 5%; xét học bạ. ĐH Công nghệ TP. Hồ Chí Minh công bố 4 phương thức xét tuyển… 

Trường tư đua nhau mở khối ngành sức khỏe    

Năm 2021, nhiều trường tư thục mở thêm khối ngành sức khỏe. Mới đây, Trường ĐH Hoa Sen công bố dự kiến mở 4 ngành khối sức khỏe trong năm 2021, gồm: Răng hàm mặt, dược, kỹ thuật y sinh và quản lý bệnh viện. Học phí dự kiến của ngành: Răng hàm mặt là 180 triệu đồng/năm; dược học là 80 triệu đồng/năm, kỹ thuật y sinh là 50-60 triệu đồng/năm.  

Trường ĐH Văn Lang cũng mới dự kiến mở các ngành mới thuộc khối sức khỏe gồm: Y đa khoa, Y học cổ truyền; Trường ĐH Công nghệ TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết sẽ mở 2 ngành mới là Kỹ thuật xét nghiệm y học và Điều dưỡng.     

Trước đó, các trường như: ĐH Đại Nam tuyển sinh khóa đầu tiên ngành Y khoa, bắt đầu từ năm học 2020-2021. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng đào tạo hàng loạt khối ngành sức khoẻ như: Y khoa, Điều dưỡng, Y học dự phòng, Dược học, Kỹ thuật Y sinh, Vật lý Y khoa, Kỹ thuật Xét nghiệm y học. Trường ĐH Phan Châu Trinh cũng mở ngành Y đa khoa..   

Từ năm 2019, Bộ GD&ĐT quy định điểm sàn cho 12 ngành thuộc khối ngành sức khỏe. Việc đưa ra ngưỡng điểm bước đầu nhận được sự đồng thuận của xã hội, bởi thực tế những năm trước đây, không ít trường mở khối ngành sức khỏe có điểm đầu vào quá thấp, gây nên những bất ổn trong đào tạo khối ngành này.                

Theo Báo Tin tức

;
;
.
.
.
.
.