Mùa hè năm nay, do Covid-19 nên các hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ đến thời điểm này phải tạm ngừng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến những kế hoạch của cả phụ huynh, học sinh. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các bậc cha mẹ dành thời gian gần gũi, tạo sợi dây kết nối với con thông qua nhiều hoạt động bổ ích, ý nghĩa.
Hiện nay, không ít phụ huynh sử dụng các thiết bị công nghệ (điện thoại, máy tính, ti-vi) làm đồ chơi thay thế, giúp con ở nhà và ít ra đường để phòng, chống dịch bệnh. Đây được xem là “người giữ trẻ”, giúp các bậc cha mẹ không phải mất quá nhiều thời gian, công sức trông coi, chơi với con.
Chị Huỳnh Thị Hạnh (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) cho hay, vào kỳ nghỉ hè, gia đình chị thường cho con tham gia các lớp năng khiếu hoặc gửi về quê chơi với ông bà nội, ngoại. Tuy nhiên, năm nay tình hình dịch phức tạp, vợ chồng chị vẫn phải đi làm, cũng không thể đưa con về quê nên đành để trẻ ở nhà tự học, tự chơi. Biết việc cho con dùng điện thoại, ti-vi sớm là không tốt, nhưng đây là cách để con bớt quậy phá hoặc chơi các trò chơi nguy hiểm.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Quý (Khoa Tâm lý - Giáo dục, Đại học Sư phạm Đà Nẵng), nếu cho trẻ sử dụng các thiết bị công nghệ trong thời gian dài dễ dẫn đến sự lệ thuộc, gây ảnh hưởng tiêu cực đến thể chất, tâm lý và sự phát triển toàn diện của trẻ. Đặc biệt, mức độ giao lưu tình cảm giữa cha mẹ và con cái có thể bị giảm sút khiến mối quan hệ gia đình lỏng lẻo, lâu dần trẻ hình thành tính ích kỷ, cá nhân. Bên cạnh đó, việc trẻ thu mình sống trong “thế giới ảo” sẽ hạn chế giao tiếp xã hội, dẫn đến suy giảm khả năng tương tác, năng lực trí tuệ cũng như các vấn đề tâm lý khác. Do đó, các bậc phụ huynh cần lên kế hoạch cụ thể, rõ ràng những việc cần làm cùng con trong thời gian này để giúp trẻ có một mùa hè ý nghĩa.
Trước tình hình dịch có thể còn kéo dài, nhiều gia đình, phụ huynh xây dựng thời gian biểu hằng ngày cho con. Anh Nguyễn Văn Chất (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) cho biết, để các con không chán, gia đình anh sắp xếp không gian tại nhà cho bé có thể vận động, vui chơi. Các con được khuyến khích tự mình làm một bảng kế hoạch cho bản thân về việc ôn lại bài, xem ti-vi bao nhiêu phút một ngày, hay tham gia các hoạt động khác như học thêm các kỹ năng mềm, trải nghiệm vẽ tranh, tô màu tại nhà...
“Ngoài ra, chúng tôi cũng sắp xếp thời gian cho con được vận động vui chơi ngoài trời. Đồng thời, hình thành thói quen đọc sách cho con bằng cách cùng con tham gia thử thách đọc một cuốn sách mỗi ngày”, anh Chất chia sẻ.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Quý, các bậc phụ huynh nên sắp xếp công việc để gia đình có những khoảng thời gian chất lượng cùng nhau. Cha mẹ và con “ngắt kết nối” với các thiết bị điện tử để cùng trẻ trò chuyện, đọc sách, làm đồ chơi. Đồng thời, tùy theo độ tuổi của trẻ, các bậc phụ huynh có thể dạy con phụ giúp công việc nhà thường ngày, từ rửa chén, quét nhà, nấu cơm, phân loại rác... Thông qua các hoạt động này, cha mẹ vừa có thể hiểu con hơn, vừa gắn kết tình cảm gia đình. Mặt khác, để trẻ vẫn được bảo đảm nhu cầu giao tiếp xã hội, phụ huynh có thể cho trẻ chơi cùng nhóm nhỏ với những em bé hàng xóm mà mình biết rõ các con không đi, đến từ vùng dịch.
“Ở yên trong nhà là cách phòng, chống Covid-19 hiệu quả, nhưng các con cũng cần có thời gian tiếp xúc với thiên nhiên, vận động ngoài trời, miễn là luôn tuân thủ quy định 5K của Bộ Y tế. Đây cũng là cách tăng cường hệ miễn dịch, giúp sức đề kháng thêm mạnh mẽ”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Quý nêu quan điểm.
THIÊN DUYÊN