Covid-19 kéo dài khiến nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Học sinh chưa trở lại trường học trực tiếp nhưng nhiều phụ huynh vẫn đau đáu các khoản trang trải học hành đầu năm cho con…
Học sinh Trường Tiểu học Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) được nhà trường tặng quà đầu năm học mới. Ảnh: NGỌC HÀ |
Con đường đến trường của học sinh hai xã miền núi Hòa Bắc, Hòa Phú (huyện Hòa Vang) khá gập ghềnh khi nhiều gia đình có đời sống kinh tế còn khó khăn. Anh V.V.T (thôn Hòa Phước, xã Hòa Phú) chia sẻ, vốn là thợ hồ nhưng hai năm qua, ảnh hưởng Covid-19 anh không có việc làm nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Năm này, 2 đứa con anh, một vào lớp 6 Trường THCS Ông Ích Đường, một vào lớp 4 Trường Tiểu học Hòa Phú. “Tôi nhẩm tính phải lo các khoản đóng đầu năm mỗi con gần 1 triệu đồng; quần áo, sách vở thì mua rải rác mỗi thứ một ít, khó khăn thật sự. Tôi mới đi làm lại được một tuần nay, hy vọng gói ghém thêm chút để lo cho các con đến trường”, anh V.V.T trải lòng.
Không chỉ vùng ven Đà Nẵng, ảnh hưởng Covid-19 còn tác động mạnh đến đời sống tầng lớp lao động thu nhập thấp ở khu vực trung tâm thành phố, như trường hợp chị N.T.H (phường An Khê, quận Thanh Khê). Từ miền Nam, theo chồng về Đà Nẵng sinh sống gần 20 năm qua nhưng chẳng may chồng mất cách đây 4 năm, chị một mình nuôi con ăn học và sống trong sự cưu mang của gia đình bên chồng. Công việc của chị N.T.H là phụ việc cho quán ăn nhưng bị gián đoạn liên tục do ảnh hưởng dịch. “Được gia đình, nhà trường nơi cháu học hỗ trợ thời gian qua nhưng vẫn có khó khăn nhất định. Các khoản thu đầu năm có thể khoảng 1 triệu đồng. Tôi tính gửi đơn lên nhà trường nhờ xem xét miễn các khoản thu này”, chị N.T.H cho biết.
Khó có thể thống kê đầy đủ khó khăn mà nhiều học sinh trên địa bàn thành phố đang gặp phải. Vì vậy, bằng cách này hay cách khác, các trường nỗ lực không để học sinh khó khăn bị bỏ lại phía sau.
Nhiều năm nay, cô giáo Lê Thị Thùy Lâm (Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, quận Sơn Trà) luôn quan tâm đến những học sinh như vậy. Như trường hợp em P.Đ.P do cô chủ nhiệm, có hoàn cảnh đặc biệt đáng thương (ba mẹ bỏ em từ nhỏ nên em nương tựa vào dì ruột). Biết được cuộc sống cơ cực của em, sách vở, đồng phục, áo ấm... đều được cô vận động mua tặng; tất cả các khoản phí học tập của em P.Đ.P cũng do nhà trường, hội phụ huynh hỗ trợ. “Năm nay dù không còn chủ nhiệm lớp P. nhưng hoàn cảnh của em thì giáo viên nhà trường đều hiểu, quan tâm. Từ nhà em P. đến trường khoảng 2 cây số, hiện em không học bán trú nên đi lại khá vất vả. Nhà trường đang tìm kiếm nguồn hỗ trợ em chiếc xe đạp, có thể em dùng từ nay cho đến cấp 2”, cô Lâm cho biết.
Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Tâm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hòa Phú (huyện Hòa Vang) chia sẻ, học sinh khó khăn của trường về cơ bản được hỗ trợ đầy đủ trong năm học 2021-2022 nhưng vẫn còn hơn 20 học sinh có nhu cầu về xe đạp đi học. “Nhiều hoàn cảnh còn khó khăn lắm, chúng tôi vẫn mong nhận được sự hỗ trợ, chung tay để con đường đến trường của các em bớt chông chênh”, cô Tâm nói.
Bà Phạm Hồ Quỳnh Trang, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hòa Vang cho biết, học sinh hai xã Hòa Bắc và Hòa Phú hiện đang hưởng chính sách riêng của thành phố. Cụ thể, theo Nghị quyết 202/2018/NQ-HĐND ngày 19-12-2018 của HĐND thành phố, các em học sinh mầm non và tiểu học trên địa bàn các xã Hòa Phú, Hòa Bắc được hỗ trợ tiền tổ chức bán trú hằng tháng theo từng đối tượng học sinh.
Riêng các em học sinh dân tộc nội trú Trường THCS Nguyễn Tri Phương (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) được hỗ trợ tiền ăn hằng tháng. Ngoài ra, theo Nghị quyết 244/2019/NQ-HĐND ngày 11-7-2019 của HĐND thành phố, các em học sinh dân tộc thiểu số của hai xã Hòa Phú, Hòa Bắc còn được hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế. Năm nay, học sinh toàn thành phố được miễn học phí cũng đỡ phần nào gánh nặng cho phụ huynh. Ngành giáo dục huyện kêu gọi cá nhân, tổ chức hỗ trợ xe đạp, suất quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên toàn địa bàn. Tuy nhiên, vẫn cần nhiều sự quan tâm hơn để các em có đầy đủ điều kiện đến trường như bạn bè cùng trang lứa”, bà Trang cho biết.
NGỌC HÀ