Với niềm đam mê, nhiệt huyết, các nữ giảng viên trẻ Trường ĐH Bách khoa nỗ lực không ngừng trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học, đạt nhiều thành quả đáng kể.
TS. Nguyễn Thị Anh Thư (thứ 2 từ trái sang) và nhóm sinh viên xuất sắc tại cuộc thi Đổi mới sáng tạo kỹ thuật eProjects. (Ảnh chụp thời điểm không có Covid-19). Ảnh: NGỌC HÀ |
Nhiều giải pháp hữu ích bảo vệ môi trường
PGS.TS Lê Thị Xuân Thùy (khoa Môi trường) là một trong số ít các nhà khoa học nữ có 4 công trình nghiên cứu được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng bảo hộ, gồm: Thiết bị lọc nước ngầm đa tầng (2018); Phương pháp xử lý nước thải nhiễm ion kim loại nặng bằng vật liệu từ tính phủ axit gama-poly glutamic (Gama-PGM) (2018); Thiết bị nuôi trùn quế đa tầng để xử lý chất thải nông nghiệp (2020); Thùng hóa vàng mã (2021). PGS.TS Lê Thị Xuân Thùy còn là chủ nhiệm của nhiều đề tài nghiên cứu góp phần bảo vệ môi trường, phục vụ nhu cầu thiết thực của người dân như: Mô hình làm phân Takakura; Xử lý Cu2+ và Zn2+ trong nước thải xi mạ bằng phương pháp tách từ tính; Thiết bị lọc nước ngầm đa tầng được chuyển giao, ứng dụng tại các xã đảo, huyện miền núi thuộc tỉnh Quảng Nam.
Chia sẻ về thành tích đạt được trong nghiên cứu khoa học, PGS.TS Lê Thị Xuân Thùy khiêm tốn cho rằng: “Đơn giản chỉ vì mình đam mê và muốn làm điều gì đó phục vụ xã hội. Đi thực tế nhiều nơi, quan sát mọi thứ trong cuộc sống, mình thấy cần phải cho ra đời những mô hình như vậy. Có khi phải bỏ tiền túi để làm nhưng mình hy vọng sẽ được xã hội chấp nhận và sử dụng những giải pháp của mình”.
Theo đuổi ước mơ chinh phục tri thức
TS. Lê Thị Phương Mai (khoa Điện tử - Viễn thông) vừa trở thành một trong 30 nhà khoa học ưu tú nhận học bổng danh giá sau tiến sĩ của Quỹ Đổi mới sáng tạo VINIF (Tập đoàn Vingroup). Sau khi nhận học bổng, TS. Phương Mai sẽ thực hiện các nghiên cứu theo lộ trình đăng ký trong đề cương nghiên cứu với VINIF.
Gần 4 năm làm nghiên cứu sinh và tiếp tục làm nghiên cứu viên sau Tiến sĩ (postdoctoral fellow) tại ĐH Sapienza of Rome (Ý), TS. Phương Mai đang theo đuổi niềm đam mê với dự án “Nghiên cứu hiệu suất năng lượng của hệ thống tích hợp anten thông minh massive MIMO và công nghệ máy bay không người lái (UAV) trong truyền thông giao tiếp đa phương tiện (V2X)”. Đây là công trình hứa hẹn đem lại nhiều kết quả hữu ích trên hành trình chinh phục đỉnh cao tri thức của nữ giảng viên giàu nhiệt huyết này.
Theo TS. Lê Thị Phương Mai, mỗi giảng viên đều có hai nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Là giảng viên nữ tất nhiên sẽ có nhiều khó khăn do vừa bảo đảm giảng dạy, nghiên cứu vừa sắp xếp công việc gia đình. “Để dung hòa mọi việc, tôi phải tự sắp xếp cho mình danh sách các công việc phải hoàn thành trong tuần/tháng/năm. Mỗi ngày, tôi sẽ dựa vào thời gian biểu này để thực hiện các công việc (theo thứ tự ưu tiên) để bảo đảm các công việc được hoàn thành như mong muốn”, TS. Lê Thị Phương Mai chia sẻ.
Truyền lửa cho các đội tuyển sinh viên “săn” giải
TS. Nguyễn Thị Anh Thư, Phó trưởng khoa Khoa học Công nghệ tiên tiến (FAST), Trường ĐH Bách khoa; Phó Viện trưởng Viện Công nghệ tiên tiến DNIIT (thuộc ĐH Đà Nẵng) được biết đến với chuỗi thành tích nổi bật khi “truyền lửa”, dẫn dắt nhiều đội tuyển sinh viên của khoa, trường đạt các giải cao: liên tiếp 3 năm vô địch cuộc thi “Dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng EPICS Việt Nam” (2018, 2019, 2020); “Bảo vệ xuất sắc nhất” tại cuộc thi “Đổi mới sáng tạo kỹ thuật eProjects” (2020) với “Hệ thống nhặt rác biển thông minh”...
TS. Nguyễn Thị Anh Thư còn tích cực trong các hoạt động thúc đẩy nghiên cứu sáng tạo như: cuộc thi “Smart Campus” dành cho sinh viên theo định hướng phát triển đô thị/trường học thông minh (2018-2020); tổ chức “Khóa Đào tạo trải nghiệm Trí tuệ nhân tạo cho học sinh THPT”; “Đào tạo ứng dụng Mạng LoRa cho cộng đồng trẻ”; kết nối, tìm học bổng đưa sinh viên khoa FAST thực tập nước ngoài…
“Mình mong muốn sẽ khơi nguồn, truyền cảm hứng, góp phần kiến tạo lớp sinh viên năng động, hội nhập và phát triển toàn diện trong kỷ nguyên 4.0”, TS. Nguyễn Thị Anh Thư chia sẻ.
Tạo điều kiện cho đội ngũ nữ cán bộ, trí thức Nhà giáo Ưu tú, PGS.TS Lê Thị Kim Oanh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa cho biết, nhiều năm qua, ĐH Đà Nẵng luôn coi trọng, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để phát huy tiềm năng, hỗ trợ đội ngũ nữ cán bộ, trí thức thể hiện vai trò trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Nhiều mô hình mới, cách làm hay như: tổ chức hoạt động “Chi hội Nữ trí thức” quy tụ nhiều nữ cán bộ, giảng viên đảm nhận các vị trí lãnh đạo, quản lý; cuộc thi “Phụ nữ với các dự án kỹ thuật phục vụ Cộng đồng”; khởi xướng phong trào “Women in STEM” (giáo dục kết hợp giữa khoa học công nghệ - kỹ thuật và toán học)… Là trường thành viên, Trường ĐH Bách khoa luôn thúc đẩy phụ nữ trong khoa học và sáng tạo, qua đó xuất hiện nhiều gương mặt nữ giảng viên giàu nhiệt huyết. |
NGỌC HÀ