Để giúp học sinh giữ vai trò trung tâm, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong hoạt động học, Trường THPT Phan Châu Trinh chú trọng đến việc đổi mới phương pháp giáo dục, khuyến khích thầy, cô nghiên cứu, đưa vào bài giảng những sáng kiến mới. Nhờ đó, học sinh phát huy năng lực sáng tạo, phát hiện, giải quyết vấn đề, tăng tính làm việc nhóm, nâng cao hiệu quả của việc dạy và học.
Một buổi học của học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh. Ảnh: L.N |
Ngay đầu mỗi năm học, nhà trường xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ phù hợp với điều kiện thực tế. Thực hiện sự phân công phân nhiệm đúng và phát huy được năng lực của cán bộ, giáo viên; đồng thời giao quyền cho tổ trưởng chuyên môn điều hành tổ để bảo đảm về đội ngũ thực tế của từng tổ và phát huy tính sáng tạo trong công tác thực hiện nhiệm vụ, tích cực phát huy đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá. Bên cạnh đó, nhà trường tăng cường công tác tuyên truyền và phát huy góp ý kiến trong cán bộ, giáo viên để tập hợp một cách hiệu quả trí tuệ tập thể và tính đoàn kết nhất trí cao của toàn thể Hội đồng nhà trường, nhằm thực hiện các mặt công tác hiệu quả.
Lãnh đạo nhà trường đã xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm tra giữa kỳ 1, giữa kỳ 2 mỗi năm học, chỉ đạo các tổ chuyên môn thực hiện bảo đảm chất lượng giáo dục và phù hợp với các hình thức tổ chức kiểm tra trực tiếp/trực tuyến; triển khai việc xây dựng ma trận đề kiểm tra bảo đảm các yêu cầu về nội dung, cấu trúc phù hợp với đặc điểm đối tượng học sinh và chương trình môn học. Các tổ chuyên môn đã triển khai biên soạn câu hỏi trắc nghiệm, bài tập đăng website nhà trường để học sinh tham khảo.
Theo thầy Lê Phước Bình, Phó Hiệu trưởng nhà trường, những giải pháp đổi mới hình thức kiểm tra giữa kỳ cho học sinh của 3 khối. Đó là xây dựng ngân hàng đề cho từng bộ môn, triển khai ôn tập có tính đồng bộ về ma trận đề, kế hoạch ôn tập và các kỹ năng làm bài cho học sinh. Đồng thời hình thành bài kiểm tra đúng theo các kỹ năng đặc thù của từng bộ môn; tổ chức đánh giá chất lượng đề, đánh giá tỷ lệ điểm ở bài làm của học sinh để rút kinh nghiệm những bất cập từ khâu tổ chức đến khâu đánh giá chất lượng một cách kịp thời.
Song song đó, nhà trường dạy học theo hướng trải nghiệm sáng tạo. Đó là đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực của học sinh, dạy học các bài học STEM và hoạt động trải nghiệm STEM. Giúp các em vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết các vấn đề thực tiễn của cuộc sống cho người học; tạo cơ hội để học tập, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động nghiên cứu và sáng tạo khoa học kỹ thuật trong học sinh. Nhà trường giúp các em vận dụng các kiến thức đã học phát huy các ý tưởng hay và đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học, tạo sân chơi bổ ích cho học sinh.
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ giáo dục, trong đó nâng chất lượng dạy học, nhà trường đã chú trọng đầu tư thiết bị dạy học, 100% các lớp học được trang bị thiết bị dạy học tương tác và phủ sóng wifi tại các phòng học, phòng bộ môn để giáo viên và học sinh khai thác các nguồn học liệu nhằm nâng cao chất lượng dạy học. Trong năm học 2021-2022, học sinh nhà trường đoạt nhiều giải thưởng tại các kỳ thi, cuộc thi.
Tại các cuộc thi cấp thành phố, học sinh nhà trường đạt kết quả cao cả về số lượng và chất lượng giải: Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp đạt 11 giải (2 Nhất, 4 Nhì và 1 Ba và 4 giải Tư); học sinh giỏi đạt 249 giải (Nhất: 55; Nhì: 71; Ba: 73 và Khuyến khích: 50), trong đó giải nhất tăng 12 giải so với năm học 2020-2021… Tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2022 đạt 100%. Có 2 học sinh thủ khoa thành phố (khối A1: 28,70), D1: 28,05). Có 13 học sinh thủ khoa thành phố ở 6 môn (Ngữ văn, Toán, Vật lý, Lịch sử, tiếng Anh, tiếng Trung và môn Vật lý (toàn thành phố) có 1 học sinh của trường đạt điểm 10…
Những kết quả đạt được trong thời gian qua là nền tảng vững chắc để nhà trường tiếp tục vươn lên đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục, góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục của thành phố.
LÊ NA