Sự gắn kết hiệu quả giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục đại học đã tạo điều kiện để các trường nâng cao chất lượng đào tạo, cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng cao.
Việc hợp tác đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp góp phần thúc đẩy chất lượng nguồn nhân lực của thành phố. TRONG ẢNH: Chuyên gia Nhật Bản giới thiệu Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Fujikin Đà Nẵng. Ảnh: NGỌC HÀ |
Đẩy mạnh hợp tác doanh nghiệp - nhà trường
Trường Đại học (ĐH) Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) cho biết, kết quả hoạt động hợp tác doanh nghiệp, trong đó có đối tác nước ngoài đã góp phần bảo đảm hiệu quả hoạt động của các chương trình đào tạo liên kết chất lượng cao được triển khai tại trường như: chương trình đào tạo Kỹ sư chất lượng cao Việt - Pháp (PFIEV) giữa hai chính phủ Việt Nam và Pháp, chương trình liên kết giữa Việt Nam và Nhật Bản (3+2)…
Từ năm 2020, nhà trường đào tạo chuyên ngành cơ khí hàng không (khoa Cơ khí) nhằm phục vụ nhu cầu nhân lực về sản xuất, chế tạo, kiểm tra, lắp ráp cụm, chi tiết máy bay cho Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Đà Nẵng Sunshine. Với sự hợp tác này, hai bên xây dựng phòng thí nghiệm cơ khí hàng không, tạo điều kiện cho sinh viên có đầy đủ cơ sở vật chất hiện đại để học tập, nghiên cứu.
Trong tháng 11 năm nay, nhà trường đã ký kết thỏa thuận hợp tác với tập đoàn Fujikin, Nhật Bản phối hợp triển khai dự án quốc tế xây dựng Trung tâm nghiên cứu và phát triển Fujikin Đà Nẵng (Fujikin Danang R&D Center).
Với dự án này, Trường ĐH Bách khoa là trường đầu tiên tham gia một dự án FDI, với tư cách là đối tác tin cậy của nhà đầu tư, giữ vai trò cùng nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, sản xuất, thương mại hóa sản phẩm và tuyển dụng nhân lực. Cũng trong tháng 11, Mitsubishi Electric Việt Nam bàn giao gói thiết bị thực hành tài trợ cho nhà trường với tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng.
Đẩy mạnh hợp tác doanh nghiệp, nhất là với các đối tác Nhật Bản là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Trường ĐH Đông Á. Từ những hợp tác này, nhà trường đã xây dựng chương trình internship và làm việc tại Nhật cho sinh viên các ngành điều dưỡng, công nghệ kỹ thuật ô-tô, du lịch, xây dựng với các đối tác lớn như: Will Group, CUC, Tenshinkai…
Thời gian qua, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng) là thành viên tích cực, nòng cốt của các dự án quốc tế (như các dự án V2WORK, MONTUS, EMVITET, MESFIA trong khuôn khổ Chương trình ERAMUS+ với các đối tác châu Âu; dự án PHER với các đối tác Hoa Kỳ hay dự án FOAD triển khai nền tảng học tập mở, từ xa với các công cụ, kỹ thuật số trong thiết kế cơ khí được Tổ chức ĐH pháp ngữ (AUF) tài trợ… Bên cạnh các đối tác nước ngoài, các trường ĐH cũng xúc tiến hợp tác với doanh nghiệp trong nước.
Trong năm 2022, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật tiếp nhận và khánh thành phòng nghiên cứu và đào tạo thực hành chuyển đổi số do Tập đoàn Đầu tư công nghệ Nam Long (NLT Group) đầu tư với tổng kinh phí 10 tỷ đồng. Đây là sự khởi đầu cho mối quan hệ hợp tác giữa Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật và NLT Group để cùng nhau đưa các nội dung đã ký kết MoU vào triển khai trong thực tế.
Trường ĐH Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt -Hàn (VKU) hợp tác với Công ty Nix Education trong chương trình đào tạo kỹ sư công nghệ thông tin - tiếng Nhật. Với chương trình này, sinh viên vừa học chuyên môn, vừa học tiếng Nhật do chính giảng viên Nhật giảng dạy, chi phí đào tạo tiếng Nhật được doanh nghiệp hỗ trợ hoàn toàn miễn phí.
Phòng nghiên cứu và đào tạo thực hành chuyển đổi số do Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Nam Long tài trợ cho Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng. Ảnh: NGỌC HÀ |
Đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao
Theo các nhà quản lý, hợp tác doanh nghiệp - nhà trường dù trực tiếp hay gián tiếp, có tính chất cá nhân hay tổ chức hướng đến mục tiêu chung là hỗ trợ lẫn nhau vì lợi ích của cả hai bên trên các lĩnh vực hợp tác trong nghiên cứu và phát triển; sự vận động năng động qua lại của giảng viên, sinh viên và các nhà chuyên môn đang làm việc tại các doanh nghiệp; thương mại hóa các kết quả nghiên cứu; xây dựng chương trình đào tạo; hỗ trợ các nỗ lực sáng nghiệp và quản trị tổ chức.
PGS.TS Đoàn Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa nhìn nhận, sự hợp tác vừa chung tay giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nâng cao hơn nữa tỷ trọng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cung ứng dịch vụ; đồng thời, giúp nhà trường nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, tiếp tục cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao cho xã hội và cho chính các doanh nghiệp.
PGS.TS. Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật cũng cho rằng, các dự án hợp tác phát triển giữa doanh nghiệp và nhà trường, nhất là trong xây dựng các phòng thí nghiệm góp phần nâng cao hiệu quả đổi mới dạy và học, hỗ trợ rất nhiều cho sinh viên trong học tập, nghiên cứu khoa học và thực hành, thực tập, tiếp cận với công nghệ hiện đại nhất đang được ứng dụng trong thực tế sản xuất tại các công ty, tập đoàn hàng đầu trên thế giới, sẵn sàng cho một thế hệ kỹ sư 4.0.
Trong khi đó, theo ông Lương Minh Sâm, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Đông Á, việc hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản đã gia tăng cơ hội thực tập nghề nghiệp và làm việc cho sinh viên tại hệ thống các đơn vị đối tác của Trường ĐH Đông Á ở Nhật Bản.
Đến nay, nhà trường đã cử hơn 200 sinh viên sang Nhật Bản học tập, làm việc ở 15 ngành đào tạo và đang chuẩn bị lộ trình cho từ 300 - 500 sinh viên có thể sang Nhật mỗi năm từ 2025. Cùng với Nhật Bản, hiện Trường ĐH Đông Á cũng đang mở rộng thị trường việc làm và thực hành nghề nghiệp tại các doanh nghiệp trong nước cũng như các tập đoàn ở CHLB Đức, Đài Loan (Trung Quốc)... cho sinh viên các khối ngành đào tạo của trường.
NGỌC HÀ