Chiều 24-8, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng báo cáo kết quả khai quật khảo cổ tại di tích Hải Vân quan.
Đoàn khảo cổ thuộc Bảo tàng Lịch sử quốc gia giới thiệu về những phát hiện mới sau thời gian khai quật khảo cổ tại di tích Hải Vân quan.Ảnh: THU HÀ |
Theo báo cáo, từ tháng 4-2018 đến nay, đoàn khảo cổ tiến hành thám sát và khai quật trên diện tích gần 900m2, làm xuất lộ hoàn toàn các dấu tích nền móng kiến trúc còn lại của di tích Hải Vân quan thời Nguyễn như: bậc cấp, lối đi của hai cổng, hệ thống tường thành, pháo nhãn cùng dấu vết nền móng kiến trúc nhà làm việc và sinh hoạt của quan Trấn Thủ (Trú Sở) và một nhà kho chứa hỏa dược, diêm tiêu (Vũ Khố).
Trong đó, phát hiện bậc cấp cùng đường thiên lý phía nam cổng Hải Vân quan, cổng phụ được xây dựng trên đoạn tường nối cổng Hải Vân quan với cổng “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” - là lối đi xuống khu vực trước đây xây dựng khu nhà ở cho binh lính đồn trú tại Hải Vân quan, quy mô của tường thành xây dựng thời Nguyễn có phạm vi phân bố rộng hơn hệ thống tường thành hiện nay…
Trong quá trình khai quật cũng đã phát lộ nhiều dấu tích kiến trúc được xây dựng trong giai đoạn 1946-1975. Thời điểm đó, khi quân đội Pháp và Mỹ đồn trú tại đây đã xây dựng mới ở nơi này hệ thống nhà ở, đồn bốt, lô cốt, công sự, ụ súng..., làm thay đổi hoàn toàn bố cục mặt bằng nguyên gốc của di tích như: xây mới thêm phần kiến trúc trần bê-tông của cổng, các đoạn tường thành hai bên cổng Hải Vân quan bị triệt giải, hạ thấp độ cao hoặc xây mới; các ụ súng thần công bị phá bỏ để xây dựng các công trình mới (lô cốt, nhà làm việc, nhà ở, ụ súng cối...) chồng đè lên trên. Khu vực nhà Trú Sở, Vũ Khố và nhiều đoạn tường thành, đường đi, bậc cấp… bị triệt giải, thay vào đó là các dãy nhà làm việc, nhà ở, nhà trại, kho ngầm, ụ súng, công sự (tăng xê)... chồng đè lên vị trí các kiến trúc xây dựng thời Nguyễn.
Các nhà khảo cổ đã thu thập được một số loại hình di vật, bao gồm: vật liệu gạch, ngói, mảnh vỡ các loại hình đồ sành, sứ, gốm men, đồ đất nung và mảnh bia đá thời Nguyễn; các đồ sinh hoạt được làm bằng sắt, inox và thủy tinh của binh lính quân đội Pháp, Mỹ. Đây là di vật cung cấp thêm nhiều thông tin khoa học để phục vụ hiệu quả công tác thiết kế, tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích và phát huy trưng bày tại di tích này.
Kết quả khảo cổ không chỉ làm sáng rõ những giai đoạn hình thành, biến đổi của di tích mà còn xác định được cụ thể quy mô, kết cấu, vị trí, kích thước và tính chất của từng công trình kiến trúc trong tổng thể khu di tích. Qua đó, đã bóc tách được những giai đoạn xây dựng, sửa chữa, cải tạo lại di tích theo từng thời kỳ lịch sử, cung cấp những cứ liệu khoa học chân xác và nhận thức mới, đầy đủ hơn, toàn diện hơn về di tích Hải Vân quan.
Các nhà nghiên cứu đề nghị tôn tạo, phục hồi di tích Hải Vân quan theo mặt bằng kiến trúc thời Nguyễn với chức năng như một pháo đài quân sự đặc biệt; nghiên cứu, bảo tồn và tôn tạo các lô cốt, hầm ngầm thời Pháp, Mỹ, xem nó như những chứng tích lên án chiến tranh và phản ánh sinh động những giai đoạn biến đổi qua các thời kỳ lịch sử của di tích. Bên cạnh đó, cần tiến hành cải tạo không gian mặt bằng xung quanh di tích, tạo cảnh quan, xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phục vụ đón tiếp khách tham quan, du lịch và nghỉ dưỡng tại khu vực này.
HÀ THU