Nguyên Hồng được nhiều bạn đọc nhớ đến với tác phẩm Những ngày thơ ấu, nhưng sự nghiệp văn chương của ông còn để lại nhiều tác phẩm mang dấu ấn thời đại. Dành cả đời văn để viết về những người cần lao, ngòi bút ông bênh vực, đề cao những người yếu thế, bần cùng trong xã hội.
Bìa cuốn Nhật ký Nguyên Hồng vừa được NXB Trẻ ấn hành, 11-2018. |
Vắt kiệt mình ra viết
Tháng 11 năm nay, tại các tỉnh, thành trong cả nước có nhiều hoạt động tưởng nhớ nhà văn Nguyên Hồng, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (5-11-1918 - 5-11-2018). Một lần nữa, những nhà văn, nhà phê bình lại có dịp ngồi lại nhìn nhận, đánh giá về những đóng góp của Nguyên Hồng với văn học Việt Nam.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, trong sự nghiệp cầm bút, nhà văn Nguyên Hồng đã “cất lên tiếng nói của lương tâm nhà văn. Với trái tim của một nhà văn lớn, ông đã làm phát lộ ánh sáng từ những nơi tối tăm nhất, tình thương từ những nơi oan khuất nhất, lẽ phải từ những nơi dã man nhất, lương thiện từ những nơi độc ác nhất. Ông cũng là người yêu nước nồng nhiệt và dũng cảm, cả trong văn, thơ, cuộc đời hoạt động cách mạng và trong đời sống”.
Trong khi đó, GS Phong Lê bày tỏ: “Gọi Nguyên Hồng là nhà văn của người cùng khổ tưởng không ai trong số các nhà văn hiện đại của ta thích hợp hơn, xứng đáng hơn. Bởi số phận của họ còn được nhà văn theo đuổi suốt cả một đời, kể từ cuốn sách đầu tay Bỉ vỏ đến bộ tiểu thuyết đồ sộ cuối đời là Cửa biển, 4 tập, trên 2.000 trang. Bộ sách là tổng hợp toàn bộ kinh nghiệm, là sự trải rộng và đúc kết mọi mặt vốn sống của ông về Hải Phòng lầm than và hướng tới cách mạng, trong đó không có nhân vật nào ông không gửi gắm một niềm yêu ghét được đẩy đến độ tận cùng”.
Cũng theo GS Phong Lê, nhà văn Nguyên Hồng nằm trong số cực kỳ ít nhà văn sống với những khổ đau của nhân vật đến mức lúc nào cũng rưng rưng khóc vì họ, băn khoăn đến hốt hoảng vì họ, không ăn ngủ được vì họ, như một người mẹ mang thai, có lẽ chỉ riêng Nguyên Hồng mới có.
So với những tên tuổi cùng thời như: Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân..., nhà văn Nguyên Hồng có nhiều khó khăn, vất vả hơn trong đời sống nhưng tác phẩm của ông thì xứng đáng song hành với họ. Nguyên Hồng cũng ám ảnh về việc viết lách da diết hơn họ. Viết đối với ông không chỉ là ham mê, mà còn là nỗi đam mê. Ông dốc cạn cuộc đời, vắt kiệt mình ra mà viết.
Đồng quan điểm, nhà văn Hoàng Quốc Hải nhận xét: “Phải nói, mỗi chữ trong trang văn của bác Nguyên Hồng cõng cả chục giọt mồ hôi, đôi khi vài ba giọt nước mắt nữa. Nhà văn đã vắt kiệt sức mình để cống hiến cho đương thời và hậu thế những trang văn nóng hổi tình người”.
Với những phẩm cách văn chương riêng có, Nguyên Hồng được ví là “Gorky của Việt Nam” vì ông đã viết những tác phẩm đặc sắc về lớp người cùng khổ của xã hội với một văn khí dữ dội nhưng không kém phần trữ tình tài hoa.
Những trang nhật ký lần đầu hiển lộ
Trong mắt bạn văn, dù ở thế hệ trước hay sau, nhà văn Nguyên Hồng được nhớ đến với nhiều nét sống giản dị. Nhà văn Hoàng Quốc Hải nhớ lại: “Mùa hè, ông thường vận bộ quần áo nâu, đi dép lốp; mùa đông, trên người luôn khoác chiếc áo bông màu tím than. Một bên vai đeo trễ túi tài liệu gồm bản thảo và các thứ đang đọc. Bên kia vai là chiếc bi đông màu cỏ úa đựng rượu, ngồi nói chuyện lâu lâu lại nhấp một ngụm... Tính ông vốn giản dị, chỉ cần chén rượu quê, đĩa lạc rang và bát canh rau tập tàng là ông thích.
Ông là một trong số ít người tránh xa được cái danh lợi để thực hiện cho được mục tiêu cao thượng của đời văn. Ông tự trọng, trượng nghĩa, tiêu biểu cho cốt cách của bậc sĩ phu thời hiện đại”.
Ngoài tác phong giản dị, ăn mặc xuề xòa, nhà văn Nguyên Hồng còn là người rất đa cảm và hay khóc. Ông đọc hoặc kể câu chuyện gì đó có tình tiết thương tâm là nước mắt ứa ra không cầm được. Những giọt nước mắt chắt ra từ tim óc, lòng dạ, máu thịt ông chứ không bao giờ có chuyện diễn kịch hay giả vờ cả.
Ít người biết, cùng với những tập truyện, tiểu thuyết đồ sộ, nhà văn Nguyên Hồng còn làm nhiều thơ. Sinh thời, ông đã xuất bản 2 tập thơ “Trời xanh” và “Sông núi quê hương”. Dịch giả Nguyễn Thị Thanh Thư - con gái nhà văn Nguyên Hồng cho biết, trong di cảo ông để lại còn có tập thơ nữa mang tên “Hoa trái đất” và tập kịch “Người con gái họ Dương”.
Nhà văn Nguyên Hồng cũng là người có thói quen ghi nhật ký. Những cuốn sổ tay của ông để lại chi chít những trang nhật ký. Dịp này, lần đầu tiên “Nhật ký Nguyên Hồng” được NXB Trẻ ra mắt. Cuốn sách dày 650 trang, được chính những người con của nhà văn tập hợp, lựa chọn trong những cuốn sổ nhuốm bụi thời gian, nhiều trang bị nhòe hoặc mối xông. Đọc những trang nhật ký của Nguyên Hồng có thể thấy nhiều chi tiết, nhiều câu chuyện của một giai đoạn.
Đó là giai đoạn trải dài trong ngót nửa thế kỷ từ năm 1941 đến trước khi ông đột ngột nằm xuống bên núi đồi Yên Thế (Bắc Giang). Ở đó, không chỉ thấy những câu chuyện ngậm ngùi về cái đói, nghèo, về các con, người vợ thông minh nhưng gầy yếu, mà còn hiển lộ cả đời sống văn nghệ đất nước trong suốt hơn nửa đầu thế kỷ XX. Đó là những trang tư liệu thật sự sinh động, hữu ích cho những ai muốn tìm hiểu.
Nhà văn Nguyên Hồng, tên thật là Nguyễn Nguyên Hồng, sinh ngày 5-11-1918 tại Nam Định. Ông là nhà văn có nhiều đóng góp lớn lao cho nền văn học Việt Nam hiện đại. Năm 1947, ông đưa gia đình tản cư lên sinh sống tại xóm Cầu Đen, xã Quang Tiến, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang và ông coi đây là quê hương thứ hai. Ngày 2-5-1982, nhà văn đột ngột ra đi ở tuổi 64. Cuốn tiểu thuyết cuối cùng của ông là “Núi rừng Yên Thế”. Năm 1996, ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật. |
MAI HOÀNG