Lễ hội Quán Thế Âm năm 2019 diễn ra từ ngày 22 đến 24-3 (nhằm ngày 17 đến 19-2 âm lịch) tại khuôn viên chùa Quán Thế Âm (đường Sư Vạn Hạnh, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) với nghi thức Phật giáo đan xen và hòa quyện với phần hội truyền thống, tiếp tục trở thành điểm nhấn văn hóa tâm linh, thu hút người dân và du khách trong và ngoài nước tìm về chiêm bái.
Lễ rước tượng Quán Thế Âm với hóa thân Phật bà Quán Thế Âm được đông đảo phật tử và người dân mong đợi. |
Lan tỏa giá trị văn hóa Phật giáo
Dựa trên nền tảng là một trong những trung tâm Phật giáo lớn được định hình và phát triển khá sớm tại vùng đất Thuận Quảng trên đường Nam tiến của dân tộc, Ngũ Hành Sơn tiếp tục phát huy giá trị văn hóa Phật giáo sẵn có. Đặc biệt, tại Lễ hội Quán Thế Âm 2019, các giá trị văn hóa Phật giáo được tập trung khai thác.
Theo Ban tổ chức lễ hội, các hoạt động về triển lãm mỹ thuật, giao lưu thơ nhạc... đều mang đậm dấu ấn văn hóa Phật giáo. Do đó, ngoài việc mở cửa Bảo tàng Văn hóa Phật giáo hiện đang trưng bày hơn 500 hiện vật có ý nghĩa đối với sự phát triển văn hóa Phật giáo qua nhiều giai đoạn, nhiều thời kỳ khác nhau, dịp này, Bảo tàng Đà Nẵng còn trưng bày tại lễ hội gần 100 tư liệu hình ảnh xưa, di vật, cổ vật có liên quan đến danh thắng Ngũ Hành Sơn như: họa đồ ngọn Thủy Sơn, sơ đồ các hang động, bức hoành “Sắc tứ Linh Ứng tự” Thành Thái thứ 3, bức hoành “Ngự chế Tam Thai tự” Minh Mạng thứ 6 (1825), hiện treo tại tiền đường chùa Tam Thai và bản dập bia “Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật” tại động Hoa Nghiêm...
Ông Trần Chí Trung, Phó phòng Văn hóa và Thông tin quận Ngũ Hành Sơn cho biết, lễ hội này tiến hành khai mở Tượng thiền Sư Vạn Hạnh và Huyền Trân Công Chúa; trong đó tượng Sư Vạn Hạnh đặt ngay trong khuôn viên chùa Quán Thế âm. Đồng thời, đêm khai mạc lễ hội sẽ công bố kỷ lục Việt Nam đối với Tượng Ngọc Nephrite Quán Thế Âm tư thế ngồi lớn nhất Việt Nam cho chùa Quán Thế Âm. Đây được xem là pho tượng “song sinh” với pho tượng “Phật Ngọc Hòa bình Thế giới”, được chế tác từ khối ngọc nặng 18 tấn, khai thác vào năm 2000. Đầu năm 2009, Đại đức Thích Huệ Vinh, trụ trì chùa Quán Thế Âm đề nghị ông bà Ian Green dành một phần ngọc có giá trị của khối “Pride of Polar” để tôn tạo “Ngọc Quan Âm cho tình thương nhân loại”.
Trong khi đó, Đại đức Thích Huệ Vinh, trụ trì chùa Quán Thế Âm cũng cho biết thêm, ngoài các nghi lễ Phật giáo truyền thống, như: lễ rước ánh sáng, lễ trai đàn chẩn tế, lễ thuyết giảng về Bồ tát Quán Thế Âm và dân tộc, lễ rước tượng Quán Thế Âm… thì giao lưu văn hóa Phật giáo với các nước trong khu vực tiếp tục được duy trì tại lễ hội năm nay. Nổi bật là chương trình giao lưu truyền thống văn hóa Phật giáo Việt Nam - Hàn Quốc, như: trình diễn Nghi lễ Nabijum (Di sản văn hóa phi vật thể của Hàn Quốc), Thiền võ đạo, múa Phật giáo Hàn Quốc… Đặc biệt, đoàn Phật giáo Hàn Quốc sẽ trao tặng phiên bản Phật Di Lặc - bảo vật quốc gia của Hàn Quốc cho chùa Quán Thế Âm.
“Nét đẹp văn hóa tâm linh của Lễ hội Quán Thế Âm là khơi dậy lòng từ bi, hỉ xả, hướng thiện, gắn Đạo pháp với Dân tộc, Dân tộc với Đạo pháp; đồng thời, cũng là dịp để giao lưu giữa các nền văn hóa phật giáo, cùng nhau tôn vinh tư tưởng tiến bộ của Đức Phật, áp dụng vào các hoạt động thường ngày để hướng tới cuộc sống hòa bình, an lạc”, Đại đức Thích Huệ Vinh chia sẻ.
Bảo đảm an toàn cho lễ hội
Ông Nguyễn Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban tổ chức Lễ hội Quán Thế Âm 2019 cho biết, trên cơ sở kinh nghiệm công tác tổ chức từ các mùa lễ hội trước, năm nay Ban Tổ chức lễ hội đã đề nghị các sở, ban, ngành của thành phố và các phòng, ban liên quan của quận, UBND phường Hòa Hải tập trung phối hợp đồng bộ để mang lại một lễ hội an toàn. Đến nay, Ban tổ chức các tiểu ban phục vụ lễ hội, như: du lịch, văn hóa, thương mại, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, y tế... đã chuẩn bị các kế hoạch chu đáo, sẵn sàng cho ngày khai hội.
Trong đó, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội quận thường xuyên kiểm tra, thu gom và xử lý các đối tượng lang thang xin ăn, xin ăn biến tướng; Phòng Y tế và Trung tâm Y tế quận tăng cường kiểm tra, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các hàng quán ăn uống, giải khát xung quanh khu vực diễn ra lễ hội và trên các tuyến đường chính, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm. Công an quận huy động lực lượng, phối hợp với dân phòng, quy tắc đô thị... bố trí các điểm chốt chặn, hướng dẫn các loại xe lưu thông trên đường, không để ùn tắc giao thông; kiểm tra, xử lý các hành vi buôn bán hàng rong, chim cá để phóng sinh, các trường hợp lợi dụng lễ hội để thực hiện các hoạt động mê tín dị đoan. UBND phường Hòa Hải, sắp xếp bố trí cho các hộ buôn bán tại một số khu vực vỉa hè đường Sư Vạn Hạnh; chấm dứt tình trạng người dân tự ý cho thuê vỉa hè thu tiền; tăng cường kiểm tra, xử lý đối với các điểm giữ xe thu phí vượt quá mức quy định...
“Năm 2000, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn đã được Tổng cục Du lịch xếp vào danh mục 15 lễ hội lớn của cả nước. Từ đó đến nay, được sự quan tâm của Trung ương, thành phố và quận Ngũ Hành Sơn, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn ngày càng được quan tâm đầu tư tổ chức quy mô hơn với nhiều hoạt động phong phú, sôi nổi, đáp ứng nhu cầu chiêm ngưỡng, lễ bái của đồng bào theo đạo Phật, du khách thập phương. Cùng với Thắng cảnh Ngũ Hành Sơn - di tích quốc gia đặc biệt, Lễ hội Quán Thế Âm trở thành sản phẩm văn hóa, du lịch, tâm linh đặc trưng của thành phố và quận. Do đó, Ban tổ chức lễ hội sẽ nỗ lực để lễ hội bảo đảm an toàn, an ninh trật tự, giữ gìn nét đẹp văn hóa Lễ hội Quán Thế Âm nhiều năm qua”, ông Hòa chia sẻ.
Hoạt động chính của lễ hội - Ngày 22-3 (17-2 âm lịch): Khai mạc Hội Cờ làng, đẩy gậy; lễ Khai kinh Thượng phan, Thượng kỳ; khai mạc triển lãm mỹ thuật Tranh ảnh, Thư pháp, Thư họa; mở cửa tham quan Bảo tàng Văn hóa Phật giáo; khai Hội Hô hát Bài chòi Khu V; trình diễn Nghi lễ Nabijum - Di sản văn hóa phi vật thể của Hàn Quốc; dâng hương Tưởng niệm Huyền Trân Công Chúa... - Ngày 23-3 (18-2 âm lịch): khai mở Tượng danh nhân Sư Vạn Hạnh và Huyền Trân Công Chúa, giao lưu truyền thống văn hóa Phật giáo Việt Nam - Hàn Quốc; biểu diễn nghệ thuật Nhật Bản: Thư pháp, múa, hát, cắm hoa... - Ngày 24-3 (19-2 âm lịch): Lễ chính Lễ hội Quán Thế Âm; rước tượng Quán Thế Âm, đua thuyền Truyền thống; Pháp đàn Đại bi, Thiền tọa; Lễ tạ, Pháp đàn, hoa đăng... |
Bài và ảnh: NGỌC HÀ