Được giới nghiên cứu, khảo cổ khẳng định di tích Chăm Phong Lệ (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) có nhiều giá trị đặc biệt nhưng kể từ khi được khai quật đến nay, nơi đây vẫn chưa có một danh phận tương xứng.
Các hạng mục trong quần thể di tích Chăm Phong Lệ được phát lộ, khai quật. Ảnh: PHAN CHUNG |
Mới đây, tại kỳ họp thứ 15, HĐND thành phố khóa IX đã thông qua Nghị quyết số 303/NQ-HĐND về việc tập trung nguồn lực để đầu tư và kêu gọi đầu tư đối với khu di tích Chăm Phong Lệ. Nghị quyết này là tiền đề để đầu tư, nâng cấp khu di tích Chăm Phong Lệ thành cơ sở 2 của Bảo tàng Điêu khắc Chăm, không chỉ phục vụ giảng dạy, nghiên cứu mà còn là địa điểm kết nối, phát triển du lịch.
Di tích Chăm Phong Lệ được phát lộ và thực hiện khai quật khảo cổ lần đầu trên diện tích 500m2 vào ngày 4-5-2012. Kết quả khảo cổ cho thấy tại đây là di tích của ít nhất 3 ngôi tháp Chăm xây dựng vào khoảng thế kỷ XI, đến nay có niên đại khoảng 1.000 năm.
Trong quần thể di tích được phát lộ, có một ngôi tháp còn lại phần cấu trúc lòng tháp dưới mặt đất (gọi là hố thiêng) lần đầu tiên được khám phá, nghiên cứu. Theo ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, các nhà nghiên cứu đã phát hiện nền móng một tháp Chăm lớn nhất miền Trung tại Phong Lệ. Đây cũng là di tích duy nhất cho đến nay trong toàn bộ hệ thống đền tháp Chăm có điều kiện để nghiên cứu và giới thiệu về phần nền móng kiến trúc. Kể từ năm 2012 đến nay, khu di tích Chăm Phong Lệ đã trải qua 3 lần khai quật cùng những kết luận nhấn mạnh tính độc đáo.
Tháng 11-2017, UBND thành phố ban hành Quyết định số 6236/QĐ-UBND phê duyệt Đề án khảo cổ và phát huy giá trị khu di tích Chăm Phong Lệ với các hạng mục cần triển khai như xây dựng mái che và lối đi; trùng tu Miếu Bà và xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật; Nhà trưng bày di tích Chăm tại Đà Nẵng; Nhà trưng bày ngành nghề truyền thống và xếp hạng Phong Lệ là di tích văn hóa - lịch sử cấp thành phố… Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có động thái nào để đầu tư, trùng tu, nâng cấp khu di tích Phong Lệ.
Trước thực trạng khu di tích Phong Lệ bị lãng quên, tháng 7-2020, UBND thành phố đã có báo cáo gửi Ban Cán sự Đảng UBND và HĐND thành phố về việc đề xuất xây dựng các thiết chế văn hóa xứng tầm với vị thế thành phố, trong đó nhấn mạnh việc đầu tư, tôn tạo, nâng cấp khu di tích Chăm Phong Lệ thành cơ sở 2 của Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Ngày 8-7-2020, HĐND thành phố ban hành Nghị Quyết số 303/NQ-HĐND về việc tập trung nguồn lực để đầu tư và kêu gọi đầu tư đối với khu di tích Chăm Phong Lệ.
Theo đó, khu di tích được quy hoạch trên diện tích khoảng 20.000m2, gồm 3 khu vực. Trong đó, khu vực bảo tồn (diện tích 2.653m2) gồm kiến trúc tháp, các kiến trúc phụ và hệ thống liên kết, Miếu Bà; khu vực bảo vệ di tích (diện tích 1.626m2) gồm các hạng mục hỗ trợ cho di tích như Nhà trưng bày di tích Chăm tại Đà Nẵng, Nhà trưng bày ngành nghề truyền thống và khu vực phát huy giá trị di tích (diện tích 15.461m2) sẽ gồm các hồ sen, khu vực cây xanh, cảnh quan tạo không gian mở phục vụ cộng đồng dân cư và du khách đến tham quan, thư giãn, giải trí.
Việc đầu tư, tôn tạo khu di tích Chăm Phong Lệ góp phần đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, du lịch tại địa phương. Theo ông Nguyễn Xuân Tiến, Phó Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ, cùng với di tích Nghĩa trủng Hòa Vang (phường Khuê Trung), khu di tích Chăm Phong Lệ trong tương lai sẽ là một phần trong cụm các di tích lịch sử, văn hóa được liên kết để phát triển du lịch. “Hiện nay, đang có đề án phát triển du lịch đường sông Cẩm Lệ với bến tàu đón trả khách được xây dựng gần khu di tích Chăm Phong Lệ. Điều này là một lợi thế, tiền đề quan trọng để địa phương phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, trong đó có di tích Chăm Phong Lệ đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, du lịch của người dân, du khách”, ông Tiến cho biết.
Theo ông Huỳnh Văn Hùng, việc thành phố có chủ trương đầu tư, bảo vệ, phục dựng khu di tích Chăm Phong Lệ là dấu hiệu hết sức đáng mừng. Đà Nẵng là địa phương được ghi nhận tồn tại nhiều di sản văn hóa Chăm. Ngoài Bảo tàng Chăm trưng bày hiện vật còn rải rác một số địa phương có di tích Chăm, trong đó Phong Lệ là di tích đáng kể nhất. Việc quy hoạch, xây dựng lại khu di tích Chăm Phong Lệ sẽ khớp nối với Bảo tàng Chăm thành một tuyến tham quan từ Bảo tàng Chăm dọc lên sông Cẩm Lệ. “Hiện nay Bảo tàng Chăm đã quá tải vì hiện vật rất nhiều, trong số đó có nhiều hiện vật do người Pháp khai quật vào thế kỷ trước. Sau này, khi Phong Lệ được đầu tư xứng tầm, chúng ta xem đó là một cơ sở 2, sử dụng những hiện vật mới phát hiện, khai quật được cùng với những hiện vật có sẵn thành một nơi mà khách tham quan có thể nghiên cứu, tìm hiểu đầy đủ về văn hóa Chăm.
Ngoài ra, với không gian phục dựng rộng lớn, quy mô, những di sản phi vật thể sẽ được phục dựng lại. Chúng tôi sẽ xây dựng chương trình nghệ thuật như thời trang, âm nhạc để người dân, du khách có cái nhìn toàn diện hơn về văn hóa Chăm tại Đà Nẵng”, ông Hùng nhấn mạnh.
PHAN CHUNG