Mùa lúa trổ đòng

.

Tháng Ba âm lịch, khi những cơn giông ì ầm chớp giật đì đùng, mang theo những hạt mưa mát mặt đất sau ngày dài nắng bức cũng là lúc những cây lúa đang thì con gái trở mình, chẽn đòng đòng bung cựa thoát dần khỏi sự ôm ấp của đọt lúa non tròn lẳn, lung linh trong nắng mai thơm lừng, ngọt dịu…

Như mặc định của tự nhiên, tháng Ba luôn mang một màu sắc thật khác đối với người nông dân. Đó là những tháng ngày từ đồng trên đến bãi dưới đều phủ một màu xanh mướt mắt, là những hoa trái như bắp, ớt, đậu lạc, cà, dưa… bắt đầu tới vụ thu hoạch. Với mẹ tôi - người nông dân ngót hơn nửa thế kỷ một nắng hai sương trần lưng trên đồng ruộng, tháng Ba còn được mẹ gọi là tháng hạnh phúc. Ấy là lúc người nông dân không còn lo chuyện cấy cày, dặm vá, làm cỏ, bón phân..., mà là chờ lúa trổ đòng, dõi theo những chẽn lúa ngậm sữa, thấp thỏm với từng hạt tròn, hạt lép.

Hương lúa trổ đòng, ngậm sữa quyện vào hương sen làm nên thứ mùi hương riêng có của thôn quê. Ảnh: THIÊN LAM
Hương lúa trổ đòng, ngậm sữa quyện vào hương sen làm nên thứ mùi hương riêng có của thôn quê. Ảnh: THIÊN LAM

Tầm ấy, câu chuyện bên bờ ruộng của người nông dân chân đất cũng thảnh thơi hơn. Thời điểm lúa trổ đòng cũng là lúc mẹ thường chăm đi thăm lúa nhất. Có lẽ trong suốt vụ mùa kéo dài hơn 3 tháng thì đó là lúc người nông dân trông chờ hơn cả. Thấp thỏm với từng đợt nước thủy lợi về, với cả những cơn gió Nam Lào lùa ngang qua ngõ, nhấp nhổm sợ sức mạnh và nóng từ gió sẽ quật ngã hoặc mang đi những gì đang ngấp nghé được ở ngoài đồng. Công việc duy nhất trên đồng lúa lúc ấy là canh con nước cho lúa trổ đòng.

Thời điểm ấy, nước là yếu tố không thể thiếu và sẽ tốt hơn rất nhiều lần nếu lúc gặp trận mưa giông. Những cơn mưa không mấy hiền từ vì luôn mang theo giông sét chớp giật, hạt mưa nặng và mạnh. Mưa đến nhanh chóng và ầm ào. Mưa nhỏ giọt thật mạnh như khoan lỗ xuống mặt đất, khiến mọi người phải dừng hết công việc trên đồng, chạy thật nhanh về nhà để tránh những cú giông sét không may “va” phải. Nhưng đó cũng chính là lúc gương mặt mẹ giãn ra tươi nhất, giọng ngâm nga hào sảng: Lúa chiêm lấp ló đầu bờ, hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên/ Được ngọn nước này mai lúa trổ đòng rất đẹp, bông chẽn đầy đặn rồi vụ ni lúa sẽ mẩy hạt hơn.

Còn nhớ ngày bé, cũng vào mùa này, mỗi chiều tà, khi những cơn giông vừa dứt, lũ trẻ lại tíu tít rủ nhau rang những mẻ cám gạo thơm lựng, cõng những chiếc rớ nhỏ làm bằng vải màn cũ ra chân ruộng cạn để cất tép, tôm. Thêm dăm bữa nữa, khi bông lúa ngậm xong sữa, cúi đầu ươm hạt thì các chân ruộng cạn bớt nước, lũ trẻ lại theo chân mẹ đi bắt cá rô đồng, hái rau trai, rau tràng…

Mùa lúa trổ đòng còn gợi lên trong tôi một nghĩa rất khác: Mùa bán lúa non! Đó là lúc người nông dân như mẹ tôi trông vào những chẽn lúa trĩu bông, ước đoán thành quả một vụ mùa rồi “gán” cho thương lái, lấy tiền đóng học phí cho con. Cuộc thương lượng đôi bên thường diễn ra bằng sự ước đoán, phần lớn dựa vào ưu ái của trời đất. Lúa năm đó có thể được mùa, được cho cả mẹ lẫn người mua, nhưng cũng có thể thất bát vì sâu bệnh bất thình lình ập đến, lúa mất mùa và mẹ trắng tay. Chỉ cái giá được mẹ định lượng, đổi lấy tương lai của những đứa con sinh ra từ gốc gác nông dân là rất thật.

Miền Trung đất hẹp, cánh đồng quê tôi là những thửa ruộng nghiêng, chênh nhau vài tấc chiều cao. Ruộng nằm về phía cuối làng, chạy dọc ra tiếp giáp với bờ sông. Tuy hẹp nhưng cũng đủ làm nên một màu xanh ngút ngát mỗi vụ mùa. Mùa lúa trổ đòng, thích nhất là những ban mai khi bình minh chưa thức giấc và lúc ánh hoàng hôn rà sát dãy núi phía Tây Trường Sơn. Những vạt lúa trổ bông đều tăm tắp, màu xanh nhạt phất phơ trong gió. Thời điểm ấy đi dạo trên đồng lúa, thậm chí nằm dài trên bãi cỏ để thỏa thích hít hà hương lúa vương vấn theo làn gió...

Ngẫu nhiên hay cố ý, tạo hóa lại sắp đặt cho những cánh hoa sen bung nở cũng vào độ tháng Ba, tháng Tư - thời điểm tiết xuân chưa mất hẳn, nắng hè cũng chưa đến nổi chói gắt, trên đồng lúa, dưới hồ sen tỏa ra mùi hương đồng thật đặc biệt. Một mùi hương của bùn đất, từ hương sen, từ lúa tỏa ra khó gọi tên nhưng đầy hấp lực. Mỗi lần thấy tôi tần ngần trước thứ mùi hương quyện vào ký ức lúc về thăm quê, mẹ lại cười thật tươi: “Có mùi hương như thế mới đủ sức nhắc nhở đám trẻ như tụi bây nhớ quê mà tìm về. Thế mới nhắc nhớ mình sinh ra từ nông nghiệp lúa nước mà tự hào và gìn giữ”. Tôi nhìn dáng mẹ khuất sau đám chuối, ngọn khói từ gian bếp của mẹ tỏa ra thơm mùi rơm rạ, theo gió tan trên đám ruộng lúa sau nhà. Mùa lúa trổ đòng - mùa của bình yên và hứa hẹn no ấm!

THIÊN LAM

;
;
.
.
.
.
.