Tối 8-3, phát biểu tại lễ khai mạc lễ hội Quán Thế Âm năm 2023, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến, Trưởng ban tổ chức lễ hội khẳng định, lễ hội này không chỉ là điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước, mà còn là dịp để du khách quốc tế trải nghiệm, tìm hiểu những giá trị tinh thần mang đậm nét lịch sử - văn hóa Phật giáo Việt Nam.
Cùng dự lễ khai mạc, có Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi, lãnh đạo các ban trực thuộc Thành ủy, sở, ngành, đoàn thể trên địa bàn thành phố.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến phát biểu khai mạc lễ hội. Ảnh: X.D |
Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến cho biết, lễ hội Quán Thế Âm tại Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn là một trong những lễ hội dân gian mang tín ngưỡng Phật giáo quan trọng nhất của Đà Nẵng.
Sau thời gian gián đoạn do dịch bệnh, lễ hội năm nay diễn ra trong không khí chuẩn bị chào đón các sự kiện văn hóa chào mừng kỷ niệm 48 năm ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng (29-3-1975 - 29-3-2023); thành phố vừa đón nhận Bằng công nhận ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
“Lễ hội Quán Thế Âm chính là sự kết tinh những giá trị của văn hóa Phật giáo và con người, vùng đất Ngũ Hành Sơn; đồng thời, là nơi hội tụ, giao lưu văn hóa và thưởng thức sự tinh tế, phong phú của các loại hình nghệ thuật văn hóa dân tộc trên thế giới”.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến, lễ hội năm nay được tổ chức chuyên nghiệp, quy củ hơn nhằm đưa lễ hội đến với đông đảo người dân, du khách và tạo thêm những cầu nối về văn hóa đối với những đất nước có nền văn hóa Phật giáo tương đồng, ngày càng phát huy hiệu quả những giá trị của danh thắng Ngũ Hành Sơn nói chung, lễ hội Quán Thế Âm nói riêng.
“Hy vọng, trong thời gian lễ hội, các vị khách quý trong và ngoài nước sẽ lưu lại những khoảnh khắc ấn tượng về một lễ hội văn hóa tâm linh mang đậm tính nhân văn của một vùng non nước sơn thủy hữu tình của thành phố”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến bày tỏ.
Tại lễ khai mạc, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao chứng nhận kỷ lục cho độc bản 16 bức tranh sứ màu cẩn trên 4 tháp của chùa Quán Thế Âm; Viện sáng tạo độc bản trao xác lập độc bản cho lá Bồ Đề lớn nhất mạ vàng 24K của chùa Quán Thế Âm.
Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao chứng nhận kỷ lục cho độc bản 16 bức tranh sứ màu cẩn trên 4 tháp của chùa Quán Thế Âm. Ảnh: X.D |
Lễ hội Quán Thế Âm năm nay diễn ra từ ngày 8 đến 10-3 (nhằm các ngày 17, 18 và 19-2 năm Quý Mão) với các phần lễ và hội. Trong đó, phần lễ có các nghi thức tôn giáo, cầu quốc thái dân an, lễ vía Đức Bồ Tát Quán Thế Âm…
Phần hội có nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao phong phú, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; các chương trình biểu diễn nghệ thuật đến từ các nước như: Nhật Bản, Thái Lan, Ấn Độ…
Đặc biệt, năm nay có các hoạt động mới như: triển lãm và diễn thuyết về giá trị ma nhai Ngũ Hành Sơn; diễn thuyết về văn hóa đọc; mở cửa Bảo tàng văn hóa Phật giáo để đón du khách đến tham quan, nghiên cứu.
Ngoài ra, xuyên suốt lễ hội còn có các hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc, hội thi điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước năm 2023; biểu diễn thả diều nghệ thuật, trình diễn khinh khí cầu; hội đua thuyền truyền thống, triển lãm mỹ thuật, tranh ảnh, đá cảnh…
Khai trương Thư viện Vạn Hạnh Thư viện Vạn Hạnh hướng đến đối tượng bạn đọc đa dạng và khuyến khích phương pháp đọc sách “hướng ngoại”, về với thiên nhiên. Ngoài ra, chùa Quán Thế Âm cũng cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi để bạn đọc trải nghiệm một ngày đọc sách như: tổ chức trà đạo, phục vụ nước uống, cơm chay miễn phí... |
X.DŨNG - Q.CƯỜNG