Bóng đá Việt và nỗi lo thiếu tiền đạo

.

Trong buổi họp báo trước trận giao hữu giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển U22 Việt Nam diễn ra vào ngày 23-12, một lần nữa, HLV Park Hang-seo than thở, ông “đỏ mắt” vẫn không thể tìm được tiền đạo cho các đội tuyển Việt Nam. Vì thế, để “làm mới” các đội tuyển, chiến lược gia người Hàn Quốc vẫn phải dựa trên nền tảng hiện có.

Dù rất nỗ lực nhưng Văn Toàn (áo trắng) vẫn chưa thể đóng vai trò của một chân sút chủ lực trong màu áo đội tuyển Việt Nam. Ảnh: ANH VŨ
Dù rất nỗ lực nhưng Văn Toàn (áo trắng) vẫn chưa thể đóng vai trò của một chân sút chủ lực trong màu áo đội tuyển Việt Nam. Ảnh: ANH VŨ

Để giải quyết những khó khăn, từng có lúc, HLV Park Hang-seo ngầm phản đối việc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) cho phép các CLB sử dụng 3 cầu thủ ngoại và 1 cầu thủ nhập tịch trong thành phần thi đấu. Điều này đã dẫn đến hạn chế rất lớn cho sự phát triển của các tiền đạo Việt Nam. Thế nhưng, đây là mâu thuẫn rất khó giải quyết. Bởi lẽ, khi chấp nhận bỏ ra những khoản tiền lớn, các doanh nghiệp đều hướng đến mục tiêu thành tích. Cho nên, để dung hòa quyền lợi của các đội tuyển với các CLB là hết sức khó khăn và không chỉ với bóng đá Việt Nam.

Thực tế, một thời bóng đá Việt Nam từng có những tiền đạo đẳng cấp và đẳng cấp cao. Từ Cao Cường, Võ Thành Sơn, Lê Văn Đặng cho đến Nguyễn Văn Dũng, Phan Thanh Hùng rồi Lê Huỳnh Đức, Lê Công Vinh… Tuy nhiên, kể từ khi bóng đá Việt Nam bước vào chuyên nghiệp hóa, các CLB không còn chú trọng nhiều đến công tác đào tạo tiền đạo bởi việc ghi bàn gần như được “khoán trắng” cho các chân sút nước ngoài. Thảng hoặc, bóng đá Việt Nam mới có được một vài gương mặt được xem là “sáng giá” như Tiến Linh, Quang Hải, Công Phượng hay Hà Đức Chinh. Song thực tế, theo đánh giá của không ít chuyên gia, Tiến Linh vẫn còn khá non kinh nghiệm lẫn bản lĩnh, Công Phượng thiếu sự ổn định cần thiết, Quang Hải chỉ thực sự nguy hiểm khi ở gần cầu môn đối phương, Văn Toàn còn hạn chế ở khả năng kết thúc. Và đó là lý do HLV Park Hang-seo buộc vẫn phải trọng dụng chân sút hàng “lão tướng” như Anh Đức suốt một thời gian dài.

Với vai trò của cơ quan quản lý và tổ chức bóng đá, VFF và VPF không thể không có trách nhiệm trong việc xây dựng và phát triển bóng đá Việt Nam. Có giai đoạn, VFF siết chặt quy định chỉ cho phép mỗi CLB V-League được sử dụng 2 cầu thủ ngoại và 1 cầu thủ nhập tịch, riêng giải hạng Nhất không được sử dụng cầu thủ nước ngoài. Nhờ đó, một số chân sút Việt Nam mới có cơ hội năng lực khi được thi đấu đúng vị trí sở trường trên hàng công. Từ thực tế ấy, xem như bóng đá Việt Nam phần nào tìm được lời giải cho mối lo mà HLV Park Hang-seo thường xuyên gặp phải. Cũng không quên, một thời bóng đá Việt Nam ồ ạt nhập tịch cầu thủ nước ngoài song điều đó chỉ mang lại lợi ích cho CLB; trong khi, các đội tuyển Việt Nam gần như nói “không” với những cầu thủ này.

Có lẽ, đã đến lúc VFF lẫn VPF phải có những phương án phù hợp trong việc quy định lại số cầu thủ nước ngoài ở các CLB cũng như đề ra giải pháp phù hợp để sử dụng các cầu thủ nhập tịch, theo cách hợp lý nhất. Nếu không, bài toán thiếu tiền đạo của bóng đá Việt Nam sẽ như một “điệp khúc” như vẫn xảy ra lâu nay.

BẢO AN

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích