Đừng đẩy khó khăn về phía các CLB

.

Một lần nữa, bóng đá Việt Nam lại “dậy sóng” khi Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) vừa có phương án lùi V-League 2021 sang tháng 2-2022.

Thành công của đội tuyển Việt Nam (áo đỏ) tại vòng loại (thứ 2) World Cup 2022 khi vượt qua Thái Lan (áo xanh) bắt nguồn từ sự phát triển của bóng đá Việt Nam và của từng CLB V-League. Ảnh: ĐỨC CƯỜNG
Thành công của đội tuyển Việt Nam (áo đỏ) tại vòng loại (thứ 2) World Cup 2022 khi vượt qua Thái Lan (áo xanh) bắt nguồn từ sự phát triển của bóng đá Việt Nam và của từng CLB V-League. Ảnh: ĐỨC CƯỜNG

Phương án này vấp phải phản ứng quyết liệt bởi các CLB sẽ đối mặt nhiều khó khăn, cả về tài chính, tổ chức lẫn nhân sự. Chủ tịch CLB SHB Đà Nẵng Bùi Xuân Hòa cho biết: “Phương án này hoàn toàn bất hợp lý khi từ tháng 5 đến nay, các cầu thủ chỉ tập luyện nhưng không thi đấu nên tâm lý bị ảnh hưởng. Về phía CLB, mỗi tháng tiêu tốn 2 tỷ đồng tiền lương và các chi phí khác. Nếu V-League 2021 được tổ chức lại vào tháng 2-2022, đồng nghĩa với việc CLB phải tốn thêm 20 tỷ đồng, tương đương 1/3 tổng chi phí hoạt động trong 1 mùa. Liệu rằng, khi xây dựng phương án nói trên, VPF có nghĩ đến những khó khăn của các CLB?”.

Nhiều vướng mắc cũng nảy sinh khi các CLB chỉ ký hợp đồng với cầu thủ theo thời gian tổ chức mùa giải, không ít cầu thủ sẽ chấm dứt hợp đồng vào cuối tháng 9 hằng năm. Với phương án này, đến tháng 10-2021, các CLB buộc phải đáo hạn hợp đồng với đa phần các cầu thủ. Kèm theo đó là các khoản tiền lót tay và điều chỉnh mức lương phù hợp. Hơn thế nữa, việc các CLB ký hợp đồng cùng cầu thủ với thời hạn 1-2 tháng cũng không có trong quy chế bóng đá chuyên nghiệp. Hầu hết các CLB chuyên nghiệp đều phụ thuộc tài chính vào các nhà tài trợ là các doanh nghiệp. Nhưng thời gian qua, tình hình kinh tế khó khăn do dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến các nhà tài trợ.

Điều này cũng ảnh hưởng đến giải đấu nếu các nhà tài trợ CLB không nhận được sự đồng cảm, chia sẻ từ các cơ quan quản lý và tổ chức bóng đá Việt Nam. HLV Nguyễn Thành Công (Hồng Lĩnh Hà Tĩnh) cũng khẳng định, việc V-League 2021 kéo dài đến tháng 2-2022 ảnh hưởng lớn đến các CLB, nhất là vấn đề tài chính. Vì thế, theo HLV này, VPF cần có cơ chế mở để các CLB có thể thanh lý, thay thế cầu thủ ngoại, vừa để giảm bớt gánh nặng tài chính cho các CLB, vừa tạo điều kiện để các CLB chuẩn bị tốt nhất cho mùa giải 2022, dự kiến khởi tranh vào đầu tháng 7-2022.

Theo phương án do VPF đưa ra với sự đồng ý của 6/7 thành viên Hội đồng quản trị, V-League 2021 được khởi động lại vào ngày 12-2-2022 và khép lại vào ngày 12-3-2022. VPF sẽ báo cáo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) về phương án này và Ban Chấp hành VFF lấy ý kiến các thành viên trước khi có quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, theo lãnh đạo một CLB (xin không nêu tên) cho biết, Tổng Giám đốc VPF Nguyễn Minh Ngọc thừa nhận, VPF lập nên phương án này và nếu các CLB có ý kiến thì VPF sẽ điều chỉnh lại. Điều này cho thấy, lãnh đạo VPF thờ ơ trước những khó khăn mà các CLB phải đối mặt và không hề có phương án dự phòng cho những bất trắc có thể.

Với thời gian 1 tháng thi đấu tập trung cùng sự đồng thuận của các CLB, quỹ thời gian vẫn đủ để V-League 2021 được tiến hành trong những khoảng thời gian phù hợp. Đó là các quãng nghỉ thi đấu vòng loại World Cup 2022 của đội tuyển Việt Nam, đủ để đáp ứng yêu cầu làm nhiệm vụ của các tuyển thủ, vừa giải quyết được vướng mắc của các CLB. Bởi đừng quên, các CLB là nền tảng của nền bóng đá và của đội tuyển quốc gia.

NGUYÊN AN

;
;
.
.
.
.
.