Nhân Quốc khánh 2-9-1955, Báo Quyết Tiến - tờ báo đầu tiên trong kháng chiến chống Mỹ ra đời. Song song với Báo Quyết Tiến, cuối năm 1959, Ban cán sự miền tây Quảng Nam-Đà Nẵng - nơi sinh sống của nhiều dân tộc anh em Cơ tu, Ve, Ta riềng - căn cứ địa cách mạng của tỉnh lúc bấy giờ, đã cho ra tờ Tin bằng hai thứ tiếng: Cơ tu và quốc ngữ, lấy tên là Gung Dứr (Đứng Lên).
Nhà báo Đỗ Kỳ (ảnh tư liệu) |
Tờ Gung Dứr do Ban Tuyên huấn của Ban cán sự Đảng miền tây chủ trì, trực tiếp là đồng chí Quách Xân (Coonh Axướp), có nhiệm vụ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cách mạng xuống cơ sở, đưa thông tin, tin tức động viên quần chúng tham gia chống Mỹ. Gung Dứr mỗi tháng ra một kỳ, sau thời gian ra 2 kỳ, đây là bản tin, tờ báo in đầu tiên của miền núi Quảng Nam-Đà Nẵng. Và đặc biệt là lần đầu tiên tiếng Cơ tu được phiên âm trên mặt báo đã góp phần quan trọng cho công cuộc xây dựng căn cứ địa cách mạng vững chắc ở miền tây Quảng Nam-Đà Nẵng, nâng cao đời sống văn hóa, giáo dục, cho đồng bào dân tộc, nên có người đã nói: “Đảng đã cắt đoạn ruột của cán bộ cho bà con dân tộc”.
Từ kết quả đạt được của tờ Gung Dứr, Ban cán sự Đảng miền tây chủ trương phiên âm tiếng Ca dong để đến năm 1960, bản tin thứ hai mang tên Pru Dương (Vùng Lên) in bằng tiếng Ca dong và tiếng phổ thông ra đời, có hình thức như tờ Gung Dứr, nhằm phản ánh tình hình phong trào kháng chiến của hai huyện miền núi là Trà My và Phước Sơn…
Năm 1962, sau khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời và để đáp ứng tình hình mới, tờ báo Quyết Tiến của tỉnh được đổi tên thành Báo Giải Phóng - tiền thân của Báo Quảng Nam và Báo Đà Nẵng ngày nay.
Trong đội ngũ những người làm báo Quảng Nam-Đà Nẵng sau ngày 29-3-1975, có một nhà báo từ hai tờ Gung Dur (Đứng Lên) và Pru Dương (Vùng Lên) chính là Đỗ Kỳ.
Đỗ Kỳ, sinh năm 1943, tuổi hai mươi - là lớp trẻ bấy giờ, sớm tham gia phong trào chống Mỹ, trong tổ chức thanh niên - học sinh - sinh viên Quảng Nam-Đà Nẵng những năm 1963-1964. Sau những cuộc biểu tình, xuống đường chống độc tài Ngô Đình Diệm, chống Mỹ xâm lược, phong trào bộc phát mạnh mẽ, nhiều hoạt động quên cả ‘‘năm bước công tác’’, thiếu cảnh giác, cơ sở bị lộ, thì một số anh em trong tổ chức thấy nán lại sẽ bị bắt, ai bắt được liên lạc liền thoát ly lên chiến khu. Ba anh em con nhà chú nhà bác vừa đỗ tú tài là Đỗ Kỳ, Đỗ Nhung và Đỗ Nam liền xếp bút nghiên, chào cha mẹ, chia tay người thân yêu, vào một buổi chiều xuân năm 1963, trời sắp tắt nắng, thì rời làng Quang Châu, Hòa Châu, lên Đồng Xanh, Đồng Nghệ, leo lên dốc Ô Rây - nơi cơ quan Tỉnh ủy Quảng Đà vừa chuyển từ xã Ba, huyện Đông Giang xuống.
Ba anh em ở lại lán trại của Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Đà, đang những ngày đầu làm quen với cơm độn sắn, uống nước suối, ngủ võng, chưa bao lâu thì được Bí thư Hồ Nghinh gọi lên gặp. Sau khi hỏi thăm tình hình học tập, tình hình gia đình, Bí thư Hồ Nghinh giao cho ba anh em một nhiệm vụ mới, làm cả ba đều rất bất ngờ: Chuẩn bị mang ba lô đi… học làm báo.
Chẳng là, khi phong trào các đô thị miền Trung đang hình thành thì Khu ủy 5 được tin có một số thanh niên vừa rời thành phố lên núi, nên đề nghị Tỉnh ủy chọn đưa về tham gia khóa Báo chí Tuyên truyền do Khu ủy tổ chức. Và, Bí thư Hồ Nghinh chọn ba ông Tú (tú tài) khá hiếm hoi lúc bấy giờ đang ở trên rừng, tham gia lớp báo chí, tuyên truyền do Khu ủy tổ chức. Học xong lớp báo chí, Đỗ Nhung về Báo Giải phóng Quảng Đà, Đỗ Nam về Ban Giáo dục Quảng Đà còn Đỗ Kỳ về Khu Lam Sơn - tiền thân của Ban Cán sự miền tây Quảng Nam-Đà Nẵng, phụ trách Tòa soạn Báo Pru Dương…
Ba anh em thoát ly cùng một giờ, trong mùa xuân lịch sử Mậu Thân 1968, thì Đỗ Nhung hy sinh, rồi Đỗ Nam hy sinh! Hòa bình năm 1975, về Báo Quảng Nam-Đà Nẵng, Đỗ Kỳ lại có duyên nợ với Tòa soạn Báo. Anh phải vất vả, chịu thương chịu khó với công tác phóng viên Xây dựng Đảng, rồi công tác Tòa soạn hơn chục năm trời cho đến khi được đề bạt làm Phó Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng, phụ trách trang báo Xây dựng Đảng, vẫn không rời xa trách nhiệm nặng nề với công tác Tòa soạn, với công tác Xây dựng Đảng, xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh…
Thời kháng chiến chống Mỹ, hơn mười năm công tác, hầu hết ở trong vùng núi rừng Trường Sơn, sống, sinh hoạt, hòa mình với cán bộ, chiến sĩ miền tây, với đồng bào các dân tộc miền núi anh em, chịu đựng với gió núi, mưa rừng, với bom đạn của Mỹ, vượt qua được ác liệt, thiếu cơm, lạc muối, gian khổ vô cùng, song khi được về thành phố thì sức khỏe anh giảm sút dần, hết bệnh sốt rét kinh niên hoành hành thì bệnh đường ruột làm phiền anh bao nhiêu năm, buộc anh phải ăn cử, uống kiêng, làm lơ với thịt, làm lơ với bia… Anh thắng được bệnh đường ruột thì bệnh suy tim xuất hiện làm khổ anh, đe dọa anh… nhập viện rồi xuất viện không biết bao nhiêu lần, rồi ăn cử, uống kiêng, tập đi, đi bộ buổi sáng, đi bộ buổi chiều, sức khỏe khá lên một thời gian dài, vậy mà, trong cái nắng nóng dữ dội mấy tháng gần đây, anh lại phải nhập viện. Lần nhập viện này, cần phải chuyền cả máu, vậy mà máu tươi cũng không giúp chặn đà suy sụp, sức lực giảm nhanh, là thời gian anh bỗng nhớ, mong gặp anh em đồng nghiệp, bạn bè… Và, vào đêm 24-6-2019, anh vĩnh biệt mọi người!
Tôi viết vội mấy dòng này, như một lời chào vĩnh biệt Đỗ Kỳ - một người bạn thân, người đồng nghiệp mà tôi rất tin yêu và quý trọng.
HỒ DUY LỆ