Nhiều bảng hiệu quảng cáo vi phạm quy định

.

Thời gian qua, có khá nhiều bảng, biển hiệu quảng cáo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng sai phạm về chữ viết tiếng Việt, tập trung chủ yếu trên các tuyến đường Võ Nguyên Giáp, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Thoại, khu phố du lịch An Thượng…, thuộc địa bàn các quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn.

Một số biển hiệu quảng cáo trên tuyến đường Trần Hưng Đạo, quận Sơn Trà. (Ảnh mang tính minh họa)Ảnh: HUỲNH LÊ
Một số biển hiệu quảng cáo trên tuyến đường Trần Hưng Đạo, quận Sơn Trà. (Ảnh mang tính minh họa)Ảnh: HUỲNH LÊ

Lạm dụng tiếng nước ngoài

Theo quan sát của chúng tôi, trên đường Trần Bạch Đằng thuộc địa bàn 2 phường Phước Mỹ (quận Sơn Trà) và Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn) có khá nhiều bảng hiệu quảng cáo sai phạm về chữ viết tiếng Việt. Cụ thể, tại địa chỉ 44 Trần Bạch Đằng, một bảng hiệu quảng cáo nhà hàng được viết hoàn toàn bằng tiếng Trung Quốc.

Chỉ duy nhất dòng “44 Trần Bạch Đằng - P. Phước Sơn, Q. Sơn Trà - ĐN” (nguyên văn) được viết bằng tiếng Việt nhưng sai tên phường Phước Mỹ thành Phước Sơn. Các chữ khác được viết tắt lộn xộn. Với bảng hiệu này, du khách không biết tiếng Trung Quốc chỉ có thể… nhìn hình đoán chữ.

Tại địa chỉ 51 Trần Bạch Đằng, một văn phòng chuyên chào bán tour du lịch cho khách cũng trưng biển hiệu 100% tiếng Hàn. Một người dân sống gần đó cho biết, đây là văn phòng du lịch do người Hàn làm chủ nên hầu hết nội dung quảng cáo điều thể hiện bằng tiếng Hàn. Cũng trên tuyến đường này, hơn 80% biển, bảng hiệu quảng cáo thể hiện song ngữ “Việt - Trung”.

Trong đó, chữ viết bằng tiếng Việt chỉ chiếm khoảng 30% nội dung biển quảng cáo, thậm chí có nơi cỡ chữ tiếng Việt nhỏ hơn chữ tiếng Trung. Đơn cử, quán nhậu hải sản Tấn Tài 2 (số 27 Trần Bạch Đằng), bảng hiệu quảng cáo được viết bằng tiếng Trung Quốc cỡ lớn, xen lẫn vài chữ tiếng Việt cỡ nhỏ hơn.

Chị Nguyễn Thị Hồng Vân (trú quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội) phàn nàn: “Rất nhiều biển hiệu quảng cáo trên một số tuyến đường ở Đà Nẵng được viết bằng tiếng Trung Quốc, nếu không có hình ảnh đi kèm thì tôi cũng không biết họ mua bán, trao đổi dịch vụ gì. Nếu viết bằng tiếng Anh, dịch không được thì tôi có thể tra Google, chứ tiếng Trung, Hàn thì tôi chịu thua. Tuy nhiên, không đọc được cũng không nghiêm trọng bằng việc bản thân tôi thấy khá lạc lõng khi đi ăn uống, mua sắm, ngắm cảnh trên các tuyến đường tràn ngập biển hiệu tiếng Trung”.

Một biển hiệu quảng cáo 100% tiếng Hàn cũng tồn tại nhiều tháng qua tại địa chỉ lô A2-1 đường Võ Văn Kiệt (quận Sơn Trà). Nếu nhìn vào biển hiệu này, chúng tôi không thể nào biết bên trong cánh cửa luôn đóng kín kia cung cấp dịch vụ gì. Tương tự, các tuyến đường thuộc địa bàn hai quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn như Lê Quang Đạo, Nguyễn Văn Thoại, Phạm Văn Đồng, Ngô Quyền, Phan Tứ, Hồ Xuân Hương, Ngũ Hành Sơn… cũng có không ít cơ sở kinh doanh lạm dụng chữ nước ngoài trong quảng cáo.

Các địa phương kiểm tra, chấn chỉnh

Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc trên địa bàn Đà Nẵng tràn lan biển hiệu quảng cáo sai phạm tiếng Việt là do lượng khách Trung Quốc, Hàn Quốc đến du lịch rất đông. Thông tin từ Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, năm 2018, khách Trung Quốc, Hàn Quốc đến Đà Nẵng chiếm hơn 80% lượng khách quốc tế. Vì vậy, các nhà hàng, quán nhậu, cửa hàng đặc sản, dịch vụ phục vụ du lịch bổ sung tiếng Trung, Hàn vào các biển hiệu quảng cáo.

Biển hiệu quảng cáo của một nhà hàng hải sản tại 44 Trần Bạch Đằng viết bằng chữ Trung Quốc (trừ địa chỉ bằng tiếng Việt sai tên phường bên dưới).
Biển hiệu quảng cáo của một nhà hàng hải sản tại 44 Trần Bạch Đằng viết bằng chữ Trung Quốc (trừ địa chỉ bằng tiếng Việt sai tên phường bên dưới).

Ngày 27-8-2019, UBND thành phố ban hành Văn bản số 5844/UBND-VHXH về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo. Trong đó, UBND thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện tổ chức đợt ra quân trong tháng 9-2019 để kiểm tra, xử lý vi phạm về chữ viết tiếng Việt cũng như các nội dung khác trên các bảng hiệu theo đúng quy định của Luật Quảng cáo, báo cáo kết quả về UBND thành phố trước ngày 10-10-2019; đồng thời, UBND thành phố yêu cầu cơ quan chức năng có nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra, xử lý, chấn chỉnh việc thực hiện Luật Quảng cáo trên địa bàn quản lý; giao Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) theo dõi, tổng hợp kết quả thực hiện của các quận, huyện; báo cáo, đề xuất UBND thành phố trước ngày 20-10-2019; tăng cường thực hiện quản lý Nhà nước về quảng cáo trên địa bàn thành phố, chủ động báo cáo, tham mưu UBND thành phố các vấn đề về quảng cáo theo đúng quy định.

Bà Hồ Thị Thanh Thúy, Chánh Văn phòng UBND quận Ngũ Hành Sơn cho biết, sau khi nhận văn bản chỉ đạo của thành phố, UBND quận đã giao Phòng Văn hóa - Thông tin lên kế hoạch ra quân kiểm tra những sai phạm về tiếng Việt trên biển hiệu quảng cáo.

Bà Thúy nói: “Từ đây đến ngày 10-10, địa phương sẽ kiểm tra các biển hiệu quảng cáo trên các tuyến đường thuộc quận Ngũ Hành Sơn; báo cáo, đề xuất phương án xử lý gửi Sở VH-TT Đà Nẵng tập hợp, trình lãnh đạo thành phố”.

Cũng theo bà Thúy, việc xử lý các biển hiệu sai phạm tiếng Việt trên địa bàn gặp ít nhiều khó khăn do tâm lý của chủ cơ sở kinh doanh luôn muốn nhanh chóng tiếp cận khách du lịch (đặc biệt là khách Trung Quốc và Hàn Quốc) nên có xu hướng để bảng hiệu bằng tiếng Trung, Hàn. Do đó, dù địa phương liên tục tuyên truyền, nhắc nhở nhưng chỉ cần lơ là thì biển hiệu quảng cáo sai phạm lại xuất hiện.

Ông Nguyễn Thanh Tịnh, Chánh Thanh tra Sở VH-TT Đà Nẵng cho biết, sở đang chờ các địa phương báo cáo kết quả, kiểm tra xử lý vi phạm để từ đó xây dựng phương án tham mưu UBND thành phố xử lý dứt điểm.

Theo ông Tịnh, mỗi năm Sở VH-TT đều rà soát, kiểm tra, xử lý vi phạm biển hiệu quảng cáo trên các tuyến đường trọng điểm, đông khách du lịch nước ngoài; hướng dẫn, yêu cầu các cơ sở vi phạm khắc phục, thay đổi biển hiệu quảng cáo phù hợp với Luật Quảng cáo hiện hành.

“Để hạn chế vi phạm sử dụng tiếng Việt trên biển hiệu, quảng cáo, ngoài việc thường xuyên kiểm tra, rà soát, nhắc nhở các đơn vị vi phạm, lãnh đạo các quận, huyện cũng cần tăng cường quản lý địa bàn, kịp thời chấn chỉnh những sai phạm về quảng cáo, bảo đảm thuần phong mỹ tục, mỹ quan đô thị, tránh lạm dụng quá nhiều chữ nước ngoài trên các biển hiệu như hiện nay”, ông Tịnh nói.

Luật sư Đỗ Thành Nhân (Văn phòng Luật sư Đỗ Thành Nhân, phường Chính Gián, quận Thanh Khê) cho biết, Luật Quảng cáo năm 2012 nêu rõ các sản phẩm quảng cáo phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt (trừ trường hợp nhãn hiệu, khẩu hiệu, thương hiệu, các tên riêng bằng tiếng nước ngoài hoặc các từ ngữ đã được quốc tế hóa và không thể thay thế bằng tiếng Việt; sách, báo, ấn phẩm, trang thông tin điện tử được phép xuất bản bằng tiếng dân tộc thiểu số của Việt Nam, tiếng nước ngoài; các chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam  hoặc tiếng nước ngoài); biển quảng cáo được sử dụng cả tiếng Việt lẫn tiếng nước ngoài nhưng khổ chữ nước ngoài không được quá 3/4 khổ chữ tiếng Việt… Nếu vi phạm, sẽ bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng/trường hợp.

Bài và ảnh: HUỲNH LÊ
 

;
;
.
.
.
.
.