Nhiều năm qua, hàng chục ngôi nhà trong kiệt 818 Trần Cao Vân (phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê) sống chung với cảnh ngập cả mét nước mỗi khi trời mưa lớn. Ngoài yếu tố mặt kiệt trũng thấp hơn 5 tấc so với mặt đường Thanh Huy 1, nhiều hộ dân cho biết kiệt ngập nặng còn do việc vận hành cửa phai Thanh Huy chưa được cơ quan chức năng chú trọng.
Người dân kiệt 818 Trần Cao Vân di chuyển đồ đạc mỗi khi trời mưa lớn. |
Thấp thỏm giữa mùa mưa
Hầu như mùa mưa năm nào gia đình bà Lê Thị Hải (số nhà 48, kiệt 818 Trần Cao Vân) cũng thấp thỏm lo sợ mưa lớn sẽ làm nước tràn vào nhà, gây hư hại các vật dụng. Cách đây không lâu, gia đình bà bỏ ra hơn 100 triệu đồng để cải tạo nhà ở, nâng cốt nền nhà lên 3 tấc nhưng mỗi lần mưa lớn, nhà bà vẫn ngập gần 2 tấc nước.
Tương tự, nhà của ông Nguyễn Thanh Hùng ở cuối kiệt 818 Trần Cao Vân cũng đối mặt với cảnh mưa ngập triền miên. So với mặt bằng chung những ngôi nhà nằm sâu trong kiệt 818, nhà của ông Hùng có cốt nền cao hơn nửa mét. Tuy nhiên, khi mưa lớn, nước chưa kịp thoát ra cửa xả Thanh Huy thì nhà ông ngập chừng 4 tấc.
“Tôi cho rằng, việc vận hành cửa phai Thanh Huy có vấn đề. Khi mưa lớn, lẽ ra người vận hành phải mở cửa phai lên để bảo đảm thoát nước phía thượng lưu, đồng thời dừng vận hành trạm bơm nước thải SPS1 giúp nước trong kiệt mau thoát ra ngoài. Thế nhưng, nhiều hôm nước dâng lên cao, chúng tôi gọi điện cho người vận hành cửa phai thì không liên lạc được.
Về lâu dài, chúng tôi mong muốn thành phố nghiên cứu, cải tiến hệ thống vận hành các cửa xả theo hướng tự động, để khi có mưa lớn, cửa xả tự mở để nước nhanh chóng thoát ra, tránh gây ngập diện rộng ảnh hưởng đến đời sống của bà con nhân dân”, ông Hùng đề nghị.
Kiệt 818 Trần Cao Vân dài gần 200 mét, nối giữa đường Trần Cao Vân với đường Thanh Huy 1. Sau những trận mưa lớn, nước từ nhiều ngã thoát không kịp dồn ứ về kiệt khiến toàn bộ tuyến kiệt ngập gần cả mét; nhiều xe máy, ô-tô để dưới lòng kiệt bị hư hỏng nặng.
Chờ dự án tuyến cống liên phường
Ông Lê Hữu Khanh, Chủ tịch UBND phường Thanh Khê Đông cho biết, kiệt 818 Trần Cao Vân là thượng lưu của cửa xả Thanh Huy, kiệt thấp trũng hơn so với các khu vực lân cận, nằm dưới kiệt lại là hạ lưu của tuyến cống Xuân Hà nên lưu lượng nước đổ về đây rất lớn.
Tuyến cống liên phường kiệt 818 Trần Cao Vân theo phân cấp do Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải thành phố quản lý và Trạm xử lý nước thải Phú Lộc là đơn vị vận hành chính tuyến cống này. Theo cơ chế vận hành, khi trời mưa, Trạm xử lý nước thải Phú Lộc sẽ vận hành cửa phai để bảo đảm thoát nước phía thượng lưu, đồng thời dừng vận hành trạm bơm nước thải SPS1. Khi hết mưa sẽ đóng cửa phai và vận hành trạm bơm nước thải SPS1 để không cho nước thải chảy ra sông ảnh hưởng đến môi trường sông Phú Lộc.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại vị trí tủ điện của cửa phai Thanh Huy có ghi số điện thoại bàn của đơn vị và số điện thoại di động của lãnh đạo Trạm xử lý nước thải Phú Lộc để người dân có thể liên lạc. Tuy nhiên, bà Lê Thị Hải sống trong kiệt 818 Trần Cao Vân khẳng định, khi trời mưa, bà gọi nhiều lần vào số điện thoại được cung cấp nhưng ít người nghe máy, hoặc nghe khi nước đã rút.
Ông Lê Hữu Khanh cho hay, UBND phường Thanh Khê Đông đã nhiều lần báo cáo với quận và thành phố, đề nghị sớm hoàn thành tuyến cống liên phường (nối các phường Thanh Khê Đông, Thanh Khê Tây, Xuân Hà...) để hỗ trợ việc thoát nước mưa đồng bộ trên toàn địa bàn, hạn chế tình trạng ngập. Đồng thời, địa phương sẽ tính toán, họp bàn với các hộ dân về việc nâng cốt nền tuyến kiệt bằng mặt đường Thanh Huy 1.
“Địa phương đang chờ ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố về tiến độ hoàn thành tuyến cống liên phường trên địa bàn quận Thanh Khê để giảm thiểu khả năng ứ đọng nước mưa trên toàn tuyến kiệt. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tiếp tục đề nghị Trạm xử lý nước thải Phú Lộc chú trọng công tác vận hành cửa phai theo đúng quy trình, tránh tình trạng mưa xuống nhưng cửa phai không mở khiến nước trong kiệt không thể thoát ra ngoài”, ông Khanh nói.
Bài và ảnh: HUỲNH LÊ