Tự ý di dời, thay thế cây xanh đô thị

.

Đà Nẵng phấn đấu đến hết năm 2020 nâng diện tích cây xanh đô thị bình quân lên 10-12m2/người, từng bước nâng cấp, cải tạo, phát triển hệ thống cây xanh đường phố đồng bộ, phù hợp với đặc điểm tự nhiên, hiện trạng hạ tầng kỹ thuật... Tuy nhiên, sự “đồng bộ” này có thể bị phá vỡ khi thời gian qua có nhiều người dân tự ý di dời, thay thế cây xanh trước nhà.

Đối với trường hợp cây xanh nghiêng ngã, người dân cần thông báo đến cơ quan chức năng để có phương án xử lý phù hợp, đúng luật. (Ảnh chụp tại góc đường Phan Bội Châu - Trần Quý Cáp) 		               Ảnh: HUỲNH LÊ
Đối với trường hợp cây xanh nghiêng ngã, người dân cần thông báo đến cơ quan chức năng để có phương án xử lý phù hợp, đúng luật. (Ảnh chụp tại góc đường Phan Bội Châu - Trần Quý Cáp) Ảnh: HUỲNH LÊ

Với hành vi trồng cây xanh trên vỉa hè không đúng quy định, ông N.V.B (SN 1965, trú phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) vừa bị Đội Kiểm tra quy tắc đô thị (KTQTĐT) quận Sơn Trà lập biên bản vi phạm hành chính về quản lý cây xanh đô thị.

Theo đó, tại vỉa hè khu vực ngã tư đường Loseby và đường Lê Mạnh Trinh (trước lô đất B-12 Loseby do ông N.V.B làm chủ), gia đình ông B. đã tự ý trồng 6 cây xanh, trong đó có 5 cây bàng Đài Loan và 1 cây vối, trồng xen kẽ cùng hàng cây hoàng linh do Công ty Công viên - Cây xanh trồng trước đó mà chưa được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền.

Tương tự, tại số nhà 40 Hà Thị Thân (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà), hộ ông N.V.P tự ý đào gốc, chặt rễ một cây phượng có đường kính 30cm, cao khoảng 8m trồng trước nhà. Với hành vi này, căn cứ khoản 4, Điều 53, Nghị định 139/2017/NĐ-CP ngày 27-11-1017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở, UBND phường An Hải Tây xử phạt hành chính 12,5 triệu đồng.

Ông Nguyễn Trần Bang, Đội trưởng Đội KTQTĐT quận Sơn Trà cho biết, tình trạng xâm hại cây xanh đô thị thỉnh thoảng diễn ra trên địa bàn quận, trong đó không ít trường hợp chưa nắm rõ các quy định về quản lý Nhà nước đối với cây xanh đô thị.

“Quan điểm của địa phương là tăng cường tuyên truyền, vận động, nhắc nhở người dân không được phép xâm hại cây xanh. Chỉ những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng mỹ quan, hạ tầng kỹ thuật, chúng tôi mới lập biên bản vi phạm hành chính, yêu cầu hoàn trả nguyên hiện trạng ban đầu”, ông Bang cho biết.

Theo số liệu các địa phương cung cấp, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Đà Nẵng xảy ra hơn 20 trường hợp xâm hại cây xanh đô thị, trong đó phổ biến nhất là tình trạng chặt ngang thân cây, chặt cành, di dời cây, thay thế, trồng mới khi chưa được sự cấp phép của cơ quan có thẩm quyền.

Quyết định số 6654/QĐ-UBND ngày 30-9-2016 về ban hành kế hoạch quản lý và phát triển hệ thống cây xanh đô thị thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2016-2020 quy định UBND các quận/huyện, phường/xã có trách nhiệm chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử phạt theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử phạt các hành vi vi phạm hành chính về quản lý và bảo vệ cây xanh đô thị; quản lý địa bàn không để xảy ra tình trạng lấn chiếm sử dụng trái phép các vị trí đã được quy hoạch bố trí cây xanh công cộng; đồng thời phối hợp với Sở Xây dựng (thông qua đơn vị thực hiện dịch vụ cây xanh công cộng) tổ chức giám sát, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện cam kết của các hộ gia đình, cơ quan, trường học... trong việc chăm sóc, bảo vệ cây xanh đường phố trên địa bàn; tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm công tác xã hội hóa phát triển cây xanh đô thị và đề ra kế hoạch triển khai cho năm tiếp theo.

Ông Lê Huy Hoàng, Phó phòng Kỹ thuật, Công ty Công viên - Cây xanh Đà Nẵng cho biết, đơn vị không có thẩm quyền xử lý các hành vi xâm hại cây xanh. Do đó, khi phát hiện những trường hợp có dấu hiệu xâm hại, công ty sẽ thông báo đến UBND các quận/huyện, phường/xã hoặc thanh tra thành phố xử lý theo quy định.

Nghị định số 139/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm bảo vệ cây xanh có hiệu lực từ ngày 15-1-2018 nêu rõ các tổ chức, cá nhân có hành vi xâm hại cây xanh có thể bị phạt tiền tới 30 triệu đồng. Ngoài ra, các hành vi đục khoét, đóng đinh vào thân cây, lột vỏ, giăng dây, giăng đèn trang trí, treo biển quảng cáo hoặc các vật dụng khác vào cây xanh ở những nơi công cộng, đường phố, công viên không đúng quy định... sẽ bị phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng.

Theo khảo sát của chúng tôi, nhiều ý kiến cho rằng, nếu quy định này được cơ quan chức năng thực hiện nghiêm túc thì sẽ hạn chế phần nào tình trạng xâm hại cây xanh cũng như việc tùy tiện chặt hạ, di dời và thay thế cây xanh khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Các loại cây xanh đô thị được khuyến khích trồng bao gồm: lim xẹt, lộc vừng, bằng lăng tím, giáng hương, hoàng hậu, muồng tím, muồng hoàng yến, ngọc lan trắng, hồng lộc, muồng hoa vàng, phi lao, dầu rái, lát hoa, sấu, tường vi, cau trắng, cau bụng, cọ Mỹ, cọ dầu, cọ xẻ, mù u, nho biển, sưa, me, nhội.

Các loại cây xanh thuộc loại hạn chế trồng bao gồm: bàng Đài Loan, bàng ta, bàng vuông, sò đo cam, muồng hoa đào, đào đậu, muồng đen, Osaka đỏ, dừa, tra làm chiếu, bách tán, hoàng nam, sứ các loại, sa-kê, chuông vàng, long não, phượng vỹ, chẹo, sao đen, xà cừ, đa gáo, sa la, tếch, vối, hồng diệp, lim xanh, sến hồng, cẩm lai, mỡ, kơ nia, xá xị, gõ mật, đa, đề, sung, si, sanh, sộp, muồng trắng, sữa, viết và các loài cây ăn quả có rễ ăn sâu, chống chịu được gió bão như mít, vú sữa, nhãn; bạch đàn các loại; keo các loại.

9 loại cấm trồng gồm: cô ca cảnh, đùng đình, gòn, lòng mức các loại, me keo, thông thiên, trúc đào, trứng cá, vông đồng.

Nguồn: Công ty Công viên - Cây xanh Đà Nẵng


HUỲNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.