Dự án cống thoát nước Khe Cạn được UBND thành phố phê duyệt quy hoạch từ ngày 14-9-2016 có tổng diện tích 64.834m2, với tổng cộng 380 hồ sơ; phân kỳ 1 của dự án có 134 hồ sơ, trong đó, giải tỏa đi hẳn 120 hồ sơ, giải tỏa một phần 14 hồ sơ. Thế nhưng, do nhiều vướng mắc, trong đó có việc giải phóng mặt bằng, nên dự án phải tạm dừng thi công.
Cống Khe Cạn còn ô nhiễm nặng (ảnh chụp sáng 27-8). Ảnh: THÀNH LÂN |
Theo ông Hồ Thuyên, Chủ tịch UBND quận Thanh Khê, khu vực cống thoát nước Khe Cạn là vùng đất nông nghiệp nằm giữa đô thị, khác với đất nông nghiệp thuần túy. Qua quá trình đô thị hóa nhanh, việc thực hiện nhiều dự án không đồng bộ, cùng với ô nhiễm môi trường và thường xuyên ngập úng làm đất nông nghiệp không thể canh tác lúa và hoa màu, bị bỏ hoang. Trước đây, do việc buông lỏng trong công tác quản lý của chính quyền địa phương, nhiều hộ dân đã tự ý san lấp mặt bằng, chia tách, chuyển nhượng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng để làm nhà ở, chăn nuôi, trồng cây cảnh...
Nhiều hộ dân nghèo tập trung về đây mua, bán chuyển nhượng viết tay và xây dựng nhà tạm để ở; hầu hết các hộ tại khu vực dự án đều nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp hằng năm tại phường. Giai đoạn 2011-2014, nhiều hộ dân thực sự quá khó khăn về chỗ ở đã có đơn đề nghị UBND quận cấp giấy phép tạm để làm nhà, trong giấy phép tạm chủ hộ cam kết tự tháo dỡ bàn giao mặt bằng khi triển khai dự án, không nhận tiền đền bù. Để bảo đảm điều kiện cung ứng nhu cầu thiết yếu về điện, nước sinh hoạt của người dân, UBND quận đã đồng ý cấp giấy phép tạm cho 70 trường hợp…
Thực trạng này đã gây rất nhiều khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng và vướng mắc lớn nhất là người dân có nhà trên đất nông nghiệp, không thể đền bù như đất ở. Tuy nhiên, quận Thanh Khê đã vận dụng, thực hiện mọi cách để tăng quyền lợi cho người dân, nhất là về nơi ở sau giải tỏa. Thành phố cũng đã thống nhất tạo mọi điều kiện để người dân có chỗ ở như: bố trí căn hộ chung cư cho các hộ có nhà, cư trú thật hoặc có hộ khẩu nơi giải tỏa. Cũng theo ông Hồ Thuyên, đến nay đã qua 9 lần tiếp công dân, 80 lượt trả lời đơn thư kiến nghị ở cấp quận, nhưng nhiều năm qua, dự án khu vực cống thoát nước Khe Cạn đi qua địa bàn phường Thanh Khê Tây gần như vẫn còn nằm trên giấy.
Lý do là vì không thể hoàn thành khâu đền bù giải tỏa, giải phóng mặt bằng và lên phương án bố trí tái định cư. Thực tế đã có 26 hộ bàn giao mặt bằng, còn lại 108 hộ chưa thống nhất bàn giao mặt bằng, 30 hộ xây dựng nhà ở tạm trên đất nông nghiệp trước thời điểm quy hoạch năm 2016 không thống nhất với kết quả phê duyệt bố trí cho thuê căn hộ chung cư, các hộ kiến nghị được bố trí đất tái định cư. Đây cũng là vướng mắc lớn nhất chưa khơi thông được.
Tại buổi làm việc ngày 24-8 giữa lãnh đạo thành phố với UBND quận Thanh Khê, Ban quản lý dự án khu vực công thoát nước Khe Cạn do Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng chủ trì, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Miên cho biết, trường hợp 30 hộ nêu trên đều lấn chiếm, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp do chính quyền quản lý, hoàn toàn không có cơ sở pháp lý để bố trí đất tái định cư.
Trên tinh thần hỗ trợ cho các hộ dân thực sự có nhu cầu về chỗ ở, UBND thành phố đã thống nhất giải quyết bố trí cho thuê căn hộ chung cư đối với 23 trường hợp giải tỏa có đủ 6 tiêu chí: hộ giải tỏa đi hẳn; có ở thực sự tại nơi giải tỏa; không có chỗ ở nào khác; có nhu cầu cấp thiết về chỗ ở; có hộ khẩu thường trú tại thành phố Đà Nẵng; động cơ mua bán để ở, không phải để kinh doanh. Còn lại 7 trường hợp, UBND thành phố đã chỉ đạo quận tiếp tục rà soát, xác minh các tiêu chí để trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt bố trí cho thuê căn hộ chung cư nhằm tạo mọi điều kiện tốt nhất cho người dân trong khu vực dự án.
Đây cũng là chủ trương mà Thường trực Thành ủy yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND thành phố và chính quyền địa phương, vận dụng tối đa các chính sách đất đai hiện hành, theo hướng có lợi nhất cho người dân xây dựng nhà cửa trên đất nông nghiệp, nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật; đồng thời nghiên cứu bán nhà chung cư cho những hộ không đủ điều kiện bố trí tái định cư. Được biết, trong thời gian tới, Thanh tra thành phố sẽ phối hợp với quận Thanh Khê kiểm tra, rà soát lại tính pháp lý của tất cả hồ sơ đất đai liên quan đến giải tỏa, đền bù của dự án; rà soát lại toàn bộ quy trình giải quyết khiếu nại người dân liên quan đến dự án nhằm bảo đảm mọi chủ trương, chính sách liên quan đến công tác giải tỏa, đền bù của dự án có có cơ sở pháp lý chặt chẽ, đúng pháp luật.
Cống thoát nước Khe Cạn là dự án trọng điểm của thành phố, nhưng bị chậm tiến độ thời gian dài mà nguyên nhân chủ yếu do vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng, trong đó có phần trách nhiệm của địa phương đã buông lỏng công tác quản lý trong nhiều năm trước đây.
Do đó, bên cạnh việc xử lý trách nhiệm một số cán bộ tham mưu và lãnh đạo địa phương để xảy ra sai phạm tại thời điểm trên, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, công khai quá trình giải quyết khiếu nại của người dân cũng như việc thực hiện trách nhiệm công dân của các hộ liên quan đến dự án để người dân hiểu và đồng thuận với chủ trương của thành phố.
THÀNH LÂN