Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố xuất hiện một số điểm trông giữ xe tự phát, thu phí sai quy định. Người dân thắc mắc: Nếu gửi xe tại những điểm này, khi mất xe, ai sẽ chịu trách nhiệm?
Điểm giữ xe tự phát tại một đường kiệt thuộc tuyến đường Nguyễn Văn Linh và vé xe đơn giản thường được dùng tại các điểm giữ xe như thế này (ảnh nhỏ). Ảnh: ĐẮC MẠNH |
Giữ xe tự phát, giá cũng tự phát
UBND phường Mân Thái (quận Sơn Trà) cho biết, đơn vị đang yêu cầu một số hộ dân tự phát giữ xe tại khu vực đối diện chợ Mân Thái khẩn trương thực hiện thủ tục đăng ký cấp phép hoạt động dịch vụ giữ xe và niêm yết giá giữ xe theo quy định Nhà nước. Điều này góp phần tạo việc làm, giúp người sử dụng dịch vụ yên tâm hơn khi gửi xe tại những điểm này.
Được biết, thời gian qua, quanh khu vực chợ Mân Thái xuất hiện một số điểm trông giữ xe tự phát, tự ý thu tiền từ 2.000 - 3.000 đồng/lượt. Một người dân (xin giấu tên) mở dịch vụ trông giữ xe cạnh chợ Mân Thái cho hay, bản thân ông rất cảm kích khi được UBND phường Mân Thái tạo điều kiện hoàn thiện thủ tục trông giữ xe.
“Gần một năm nay, nguồn thu nhập gia đình tôi giảm hẳn do ảnh hưởng Covid-19. Để xoay xở, chúng tôi tận dụng khoảng sân trước nhà để trông xe cho khách đi chợ mà chưa thông qua chính quyền địa phương. Sau khi được hướng dẫn, chúng tôi sẽ sớm hoàn tất các thủ tục liên quan để yên tâm làm ăn”, ông này nói.
Tình trạng tự tổ chức trông giữ xe không mới, nhưng điều người dân lo lắng là nếu không được cấp phép, khi mất xe, ai sẽ chịu trách nhiệm. Chị Nguyễn Thị Diệu T. (trú phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) cho biết, giữa tháng 3, chị cùng bạn đến khu vực cầu Nguyễn Văn Trỗi đi bộ.
Tuy nhiên, lúc chị đưa xe vào bãi đất trống khu vực phía đông cầu Nguyễn Văn Trỗi thì xuất hiện một nam thanh niên yêu cầu chị trả 5.000 đồng dù nơi đây không treo biển giữ xe theo quy định. Khi chị định dắt xe đi chỗ khác, không đưa tiền gửi xe thì người này tỏ ra khó chịu và có ý ngăn cản không cho chị lên cầu.
Tương tự, tối 25-3, một nhóm bạn trẻ đến cầu Nguyễn Văn Trỗi hóng gió, khi đến chân cầu có một nam thanh niên yêu cầu đưa tiền gửi xe 5.000 đồng thì mới cho lên. Khoảng 21 giờ 30, nhóm bạn trẻ đến lấy xe về nhưng chỉ thấy xe chứ không thấy người giữ nên cầm luôn vé xe (viết bằng bút lông) về nhà, lúc này tại điểm giữ xe này còn khá nhiều xe máy.
Cuối tháng 3, khi tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân, UBND phường An Hải Tây (quận Sơn Trà) đã yêu cầu lực lượng Công an phường tổ chức xác minh, làm rõ; theo đó phát hiện một nhóm gồm N.H.L (tổ 4, phường An Hải Tây), L.V.L (tổ 41, phường Mân Thái), T.V.G (tổ 16, phường An Hải Tây), P.Đ.O (tổ 15, phường An Hải Tây) tự ý tổ chức trông giữ xe; đồng thời có hành vi ngăn cản người dân lên cầu hóng gió nếu không trả tiền. Khi bị lực lượng chức năng phát hiện, những người này đã thừa nhận hành vi sai trái và cam kết không tái phạm.
Khó yêu cầu bồi thường
Theo quan sát của chúng tôi, nhu cầu gửi xe của người dân trong các dịp lễ, Tết, cuối tuần tại các điểm vui chơi giải trí, trung tâm thương mại, khu vực chợ đêm đường Lê Duẩn… rất lớn. Đây cũng là thời điểm một số người dân tranh thủ giăng dây, đặt bảng trông giữ xe tự phát với mức giá tự đưa ra. Phần lớn những điểm này đều lấn chiếm vỉa hè, lòng đường cùng những tấm vé tự làm, không có thông tin gì khác ngoài số thứ tự tương ứng với con số họ ghi trên yên xe của khách.
Chị Trần Ngọc Lành (trú phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) cho biết, dịp cuối tuần, chị cùng bạn thường đi mua sắm tại chợ đêm trên đường Lê Duẩn. “Khu vực chợ đêm hiện nay có khá nhiều điểm trông giữ xe, mức phí từ 5.000 - 10.000 đồng/lượt. Biết đắt nhưng vẫn phải gửi vì khu vực chợ đêm nhỏ, không thể đưa xe máy vào theo. Vé xe chỉ ghi số thứ tự”, chị Lành chia sẻ.
Luật sư Đỗ Pháp (Văn phòng Luật sư Đỗ Pháp, quận Hải Châu) cho biết, căn cứ quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa hai bên. Việc giữ xe có những giao kết bằng vé hoặc hình thức thỏa thuận khác (như lời nói, hành vi cụ thể) được coi là hợp đồng gửi giữ tài sản.
Khi hợp đồng được thiết lập, bên gửi có quyền “yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu bên giữ làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng”; bên giữ “phải bồi thường thiệt hại, làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng”, theo quy định tại khoản 4, Điều 557.
Tuy nhiên, thực tế việc yêu cầu các bãi xe tự phát bồi thường nếu để xảy ra tình huống mất xe rất khó, hoặc mức bồi thường thấp - dựa trên thỏa thuận dân sự là chính - do người gửi chỉ có giấy tờ xe và một tờ vé không có nhiều thông tin trên đó. Theo luật sư Đỗ Pháp, để bảo vệ tài sản của mình, người dân có nhu cầu gửi xe cần tìm đến điểm gửi xe được cấp phép, nhân viên mặc đồng phục, có bảng giá rõ ràng để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
H.LÊ