Hiện nay, quy trình truy vết người tiếp xúc với trường hợp xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn số 5053/QĐ-BYT ngày 3-12-2020.
Người dân tham gia xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 nhằm rút ngắn quy trình truy vết Covid-19. Ảnh: H.L |
Theo đó, F1 là người tiếp xúc gần trong vòng 2 mét với ca bệnh (F0) trong khoảng thời gian từ 3 ngày trước khi F0 phát bệnh (có biểu hiện sốt, mệt mỏi; đau người, ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác, khứu giác; sốt; ho; đau họng). Đối với F0 không có bất kỳ triệu chứng gì thì ngày phát bệnh được tính là ngày lấy mẫu bệnh phẩm có xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
F2 là người tiếp xúc gần trong vòng 2 mét với F1, trong khoảng thời gian từ ngày đầu tiên F1 tiếp xúc với ca bệnh (3 ngày trước khi ca bệnh khởi phát) cho đến khi F1 được cách ly y tế. Tương tự, F3 là người có tiếp xúc gần với F2 và cần nhanh chóng khai báo y tế, thực hiện các biện pháp phòng dịch.
Quá trình truy vết F1 và trường hợp liên quan được thực hiện theo quy trình 5 bước của Bộ Y tế. Cụ thể, bước 1 xác định các mốc dịch tễ do cán bộ điều tra thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tuyến tỉnh, hoặc Trung tâm y tế cấp quận/huyện, chính quyền địa phương, y tế cơ sở thực hiện.
Bước 2, thông báo dịch tễ cho bộ phận điều phối truy vết, bộ phận này đặt tại Khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm của CDC cấp tỉnh hoặc Trung tâm y tế quận/huyện. Nếu mốc dịch tễ nằm ngoài địa bàn quản lý thì thông báo cho đơn vị liên quan.
Bước 3, các đơn vị triển khai truy vết F1 bằng nhiều biện pháp như hỏi người bệnh; truy vết tại cộng đồng nơi bệnh nhân sinh sống; tại mốc dịch tễ; qua phương tiện thông tin đại chúng.
Bước 4, các đội truy vết gửi danh sách F1 về bộ phận điều phối theo nguyên tắc “truy vết đến đâu, gửi ngay đến đó” và tiếp tục cập nhật khi hoàn thành. Bộ phận điều phối tổng hợp danh sách và thông báo cho chính quyền địa phương, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 các cấp để cách ly F1.
Bước 5, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp và chính quyền địa phương bố trí phương tiện đưa F1 đi cách ly tập trung, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm. Ngay khi hoàn thành truy vết F1, các đơn vị tiếp tục truy vết F2 bằng phương pháp tương tự, chuyển danh sách về địa phương quản lý cách ly tại nhà.
Trước số lượng ca nhiễm ngày một tăng, Bộ Y tế khuyến cáo các trường hợp F3, F4, F5 chủ động liên hệ cơ sở y tế gần nhất, tự cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà. Đối với trường hợp cách ly tại nhà, cần lưu ý biện pháp phòng dịch, tốt nhất là cách ly ở phòng riêng, không tiếp xúc với người cùng nhà. Trường hợp gia đình, nơi lưu trú không có phòng riêng thì giường ngủ của người cách ly nên cách xa giường ngủ các thành viên khác ít nhất 2m. Phòng cách ly bảo đảm thoáng khí, thường xuyên vệ sinh, hạn chế đồ đạc. Đo nhiệt độ ít nhất 2 lần (sáng/chiều) trong ngày, ghi chép lại tình trạng sức khỏe.
Hằng ngày, thông báo cho cán bộ y tế được phân công phụ trách theo dõi 2 lần sáng và chiều về kết quả nhiệt độ và tình hình sức khỏe của bản thân. Ngoài ra, người cách ly không được tự ý ra khỏi nhà, chủ động thu gom khẩu trang, khăn giấy đã qua sử dụng, bỏ vào túi đựng rác thải riêng, không ăn chung với các thành viên khác trong gia đình.
Tại Công văn số 5599/BYT-MT ngày 14-7-2021 của Bộ Y tế về giảm thời gian cách ly, thí điểm cách ly y tế F1 tại nhà, quản lý điều trị bệnh nhân Covid-19, Bộ Y tế yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giảm thời gian cách ly y tế từ 21 ngày xuống 14 ngày cho các đối tượng F1, người nhập cảnh và tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi lưu trú 14 ngày tiếp theo.
Đối với trường hợp F0, Bộ Y tế đề nghị các địa phương xem xét và chỉ đạo thực hiện các biện pháp phù hợp. Cụ thể, bệnh nhân không có triệu chứng có thể cho xuất viện vào ngày thứ 10 khi bảo đảm 2 mẫu bệnh phẩm liên tiếp (cách nhau tối thiểu 24 giờ) cho kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 hoặc tải lượng virus thấp (giá trị CT ≥ 30) và tiếp tục theo dõi, giám sát y tế tại nhà trong 14 ngày.
Với ca bệnh phát hiện tại cộng đồng, nếu có tải lượng virus thấp (giá trị CT ≥ 30) thì đưa vào cơ sở y tế cách ly và theo dõi, sau 24 giờ làm lại xét nghiệm nếu tiếp tục có tải lượng virus thấp (giá trị CT ≥ 30), hoặc kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 thì cho bệnh nhân xuất viện, thực hiện giám sát y tế tại nhà.
Với người đủ tiêu chuẩn xuất viện, trong thời gian lưu trú 14 ngày, nếu tái dương tính sẽ không cách ly điều trị tại cơ sở khám chữa bệnh, không thực hiện các biện pháp cách ly tập trung mà được y tế theo dõi, chăm sóc tại nhà.
Phân loại và cách ly người nhiễm, nghi nhiễm, tiếp xúc với người nhiễm, nghi nhiễm Covid-19 - F0: Điều trị theo chỉ định của bác sĩ; điều trị và cách ly tại các bệnh viện được điều trị người bệnh dương tính theo quy định của Bộ Y tế; tự phục vụ để hạn chế lây cho mọi người, đồng thời báo cho F1 về tình trạng của mình. - F1: Đeo ngay khẩu trang; báo cho cơ sở y tế nơi sinh sống; cách ly tại khu vực được quy định của Bộ Y tế theo cập nhật trong từng giai đoạn phòng dịch, đồng thời báo cho F2 về tình trạng của mình. - F2: Đeo ngay khẩu trang; báo cho cơ sở y tế nơi sinh sống; cách ly tại nhà theo quy định của Bộ Y tế. Trong trường hợp F1 âm tính, F2 có thể giải phóng và tự theo dõi sức khỏe, đồng thời báo cho F3 về tình trạng của mình. - F3: Đeo ngay khẩu trang; báo cho cơ sở y tế nơi sinh sống; tự theo dõi sức khỏe và báo cáo nếu có triệu chứng ho, sốt, khó thở, mệt mỏi..., đồng thời báo cho F4 về tình trạng của mình. - F4, F5: Đeo ngay khẩu trang; không cần cách ly, tự theo dõi sức khỏe. (Nguồn: Bộ Y tế) |
Đà Nẵng dự kiến thí điểm cách ly F1 tại nhà Đối với việc thí điểm cách ly y tế F1 tại nhà, quản lý điều trị bệnh nhân Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế, bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, đơn vị đang xây dựng kế hoạch chi tiết, trình Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố. Sau khi được thông qua, dự kiến thí điểm tại 1 hoặc 2 phường trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, tại gia đình có điều kiện về không gian nhà ở để rút kinh nghiệm, hoàn thiện quy trình trước khi áp dụng rộng rãi trên địa bàn thành phố. |
H.LÊ