Người tham gia bảo hiểm y tế: Khám đâu cũng được

.

ĐNO - “Không phân biệt nơi khám, chữa bệnh ban đầu” và “người dân có thể làm thủ tục đổi thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) ở bất cứ địa phương nào thuận tiện nhất”, đó là 2 sự đổi mới cơ bản vừa được điều chỉnh liên quan trực tiếp đến quyền lợi người sử dụng thẻ BHYT.

Trong bối cảnh dịch bệnh, đặc biệt một số địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, cơ quan Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã đưa ra các chính sách mới hỗ trợ người tham gia BHYT.

Không phân biệt nơi khám, chữa bệnh ban đầu

Người bệnh khám chữa bệnh trái tuyến vẫn được hưởng quyền lợi như đúng tuyến. Ảnh T.V
Trong tình hình dịch bệnh, người bệnh khám, chữa bệnh trái tuyến vẫn được hưởng quyền lợi như đúng tuyến. Ảnh T.V

Để người bệnh ở những nơi đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là Chỉ thị 16) có thể đến khám, chữa bệnh BHYT trái tuyến vẫn được hưởng như đúng tuyến, BHXH Việt Nam đã ban hành Công văn số 2259/BHXH-CSYT (ngày 29-7-2021) về thanh toán khám, chữa bệnh BHYT giai đoạn dịch bệnh Covid-19.

Theo đó, người bệnh BHYT được khám, chữa bệnh tại tất cả cơ sở y tế thuận tiện nhất trên địa bàn, không phân biệt nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu và vẫn được bảo đảm mọi quyền lợi.

Ngoài ra, công văn này nêu: Người bệnh BHYT được làm các xét nghiệm chẩn đoán Covid-19 theo hướng dẫn và được quỹ BHYT hoặc ngân sách Nhà nước chi trả theo quy định. Các bệnh nhân mắc bệnh mãn tính như: tăng huyết áp, tiểu đường, basedow, ung thư đang điều trị tại các bệnh viện Trung ương, tuyến tỉnh được BHXH tỉnh phối hợp cơ sở y tế khám, cấp thuốc tại các bệnh viện tuyến dưới đủ năng lực.

Đà Nẵng đang áp dụng giãn cách xã hội nên BHXH thành phố và Sở Y tế Đà Nẵng phối hợp triển khai công văn trên để thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT giai đoạn Covid-19.

Ông Nguyễn Hùng Anh, Phó Giám đốc BHXH thành phố cho biết, việc áp dụng quy định mới này tại Đà Nẵng đến nay khá thuận lợi, bởi từ năm 2016, thành phố đã triển khai việc khám, chữa bệnh thông tuyến cấp quận, huyện (người bệnh có thể đến khám, chữa bệnh không đúng nơi đăng ký ban đầu tại các bệnh viện, trung tâm y tế quận, huyện) nhằm tạo thuận lợi cho bệnh nhân đi khám, chữa bệnh theo địa bàn nơi sinh sống thay vì bắt buộc phải đi đúng tuyến BHYT đăng ký.

Theo ghi nhận của BHXH thành phố, do tình hình dịch bệnh phức tạp nên gần đây hầu như chỉ có người mắc bệnh nặng mới đi khám và đa số là trường hợp cấp cứu nên bệnh nhân đã được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT. Một số ít người đi khám ngoại trú ở bệnh viện tuyến tỉnh không đúng nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu, không có giấy chuyển viện và cũng được hưởng đúng quyền lợi trên thẻ BHYT.

Cụ thể, số liệu từ các cơ sở khám, chữa bệnh cập nhật trên Hệ thống giám định của BHXH thành phố cho thấy, tạm tính (do chưa hết tháng quyết toán) trong tháng 8-2021 có 20 trường hợp đến khám tại Bệnh viện Đà Nẵng và 47 trường hợp khám tại Bệnh viện C Đà Nẵng.

Với kinh nghiệm ứng phó 2 đợt Covid-19, đến nay, BHXH thành phố và Sở Y tế Đà Nẵng cho biết chưa có vướng mắc lớn nào trong việc giải quyết quyền lợi BHYT của người bệnh.

Được xin cấp lại thẻ BHYT ở bất cứ đâu

Nhiều giải pháp hỗ trợ người dân được cấp lại thẻ bảo hiểm y tế trong trường hợp không tiện đi lại. Ảnh: T.V
Nhiều giải pháp hỗ trợ người dân được cấp lại thẻ bảo hiểm y tế trong trường hợp không tiện đi lại. Ảnh: T.V

Để hỗ trợ người dân có thể làm lại thẻ BHYT khi bị mất, rách, hư hỏng… trong trường hợp không thể đi lại thuận tiện, BHXH Việt Nam đã ban hành Quyết định số 811/QĐ-BHXH (ngày 16-8-2021) với nội dung bổ sung: BHXH huyện, tỉnh có thẩm quyền cấp lại, đổi thẻ BHYT không thay đổi thông tin theo mẫu mới cho người tham gia ở huyện, tỉnh khác.

Tại Đà Nẵng, BHXH thành phố cho biết vẫn đang thực hiện cấp thẻ BHYT theo mẫu cũ vì chưa sử dụng hết phôi thẻ cũ; dự kiến đầu tháng 12-2021 sẽ cấp thẻ BHYT theo mẫu mới.

Điều đáng nói là người dân tại đây không chỉ thực hiện theo Chỉ thị 16 mà còn nghiêm ngặt hơn khi ai ở đâu phải ở yên đó, nên việc đi làm thủ tục hành chính trực tiếp là điều gần như không thể. Để giải quyết vấn đề này, BHXH thành phố đã triển khai các giải pháp tháo gỡ.

Ông Nguyễn Hùng Anh cho hay, đối với hồ sơ cấp lại thẻ BHYT nhận qua giao dịch điện tử và Cổng dịch vụ công quốc gia, BHXH thành phố xử lý dữ liệu cấp lại thẻ BHYT trước, giao thẻ BHYT cấp lại sau khi hết thực hiện giãn cách xã hội.

Đối với trường hợp người tham gia phải đi khám, chữa bệnh BHYT mà thẻ BHYT bị mất, hỏng, sai thông tin cá nhân, mã quyền lợi hưởng…, sau khi tiếp nhận thông tin từ người nhà bệnh nhân hoặc nhân viên bệnh viện, cơ quan BHXH của thành phố sẽ đề nghị chụp hồ sơ gửi qua Zalo (đối với trường hợp thay đổi thông tin cá nhân và mã quyền lợi hưởng…) để kiểm tra dữ liệu, xử lý cấp lại thẻ; hướng dẫn việc sử dụng hình ảnh thẻ BHYT qua ứng dụng VssID.

Trường hợp người tham gia không có điện thoại thông minh thì chụp hình ảnh thẻ BHYT gửi qua Zalo cho người nhà bệnh nhân hoặc phối hợp với cơ sở khám, chữa bệnh để bảo đảm quyền lợi cho người tham gia.

BHXH thành phố cũng đã ban hành văn bản gửi các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên địa bàn, cung cấp thông tin, thông báo về việc phối hợp, tổ chức làm việc trực tuyến trong thời gian giãn cách xã hội, không để ảnh hưởng đến quyền lợi cho người tham gia BHYT…

TOÀN VÂN

;
;
.
.
.
.
.