Đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp xúc cử tri chính là tăng cường mối liên hệ giữa Quốc hội, HĐND, đại biểu dân cử với cử tri. Tiếp xúc cử tri là việc đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp thể hiện vai trò đại diện của mình thông qua gặp gỡ cử tri để lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của cử tri; đồng thời báo cáo với cử tri các kết quả hoạt động đã được đại biểu thực hiện. Tuy nhiên, hoạt động tiếp xúc cử tri vẫn bộc lộ những tồn tại: việc tiếp xúc giữa đại biểu với cử tri chưa thường xuyên, hình thức tiếp xúc chưa nhiều, vẫn là tiếp xúc định kỳ trước và sau mỗi kỳ họp; còn tiếp xúc chuyên đề, theo giới, nhóm cử tri… thì rất ít.

Theo bà Nguyễn Thị Hiệp, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hòa Vang, thành phần tham dự tiếp xúc cử tri chưa mang tính toàn diện, chưa tập hợp rộng rãi nhân dân đến dự; tình trạng “cử tri chuyên nghiệp”, “cử tri đại diện” vẫn khá phổ biến. Trong các đợt tiếp xúc, cử tri chủ yếu là cán bộ quân dân chính ở các thôn hoặc người “lợi khẩu” nói thay cho cử tri, chứ ít thấy cử tri tham dự phản ánh những vấn đề bức xúc. Vì vậy, những tâm huyết, nguyện vọng của cử tri cũng chưa được thể hiện chính xác qua người trình bày; buổi tiếp xúc cử tri cũng vì thế chưa “thu nạp” được nhiều ý kiến tâm huyết mang tính xây dựng.

Theo ghi nhận của chúng tôi tại các đợt tiếp xúc cử tri ở huyện Hòa Vang, thời gian, địa điểm tiếp xúc vẫn chưa linh hoạt, chủ yếu trong giờ hành chính nên không phải mọi cử tri đều có thể tham dự. Nội dung báo cáo của các đại biểu Quốc hội chưa phong phú, chưa hấp dẫn, chủ yếu đọc lại đề cương báo cáo và việc này chiếm rất nhiều thời gian, trong khi cuộc tiếp xúc cử tri thường diễn ra chỉ một buổi, không đủ để cử tri phát biểu, góp ý. Ngoài ra, việc giải quyết, trả lời những ý kiến, kiến nghị của cử tri tại buổi tiếp xúc chưa thấu đáo, đại biểu chủ yếu ghi nhận, tiếp thu và hứa trả lời ở lần tiếp xúc sau. Bên cạnh đó, các ý kiến, kiến nghị của cử tri được tập hợp gửi đến các cơ quan chức năng nhưng công tác giám sát việc giải quyết chưa thường xuyên, đầy đủ và hiệu quả nên việc trả lời của các cơ quan có thẩm quyền thường kéo dài, gây tâm lý bức xúc cho cử tri ở những lần tiếp xúc sau đó.

Để hoạt động tiếp xúc cử tri đúng ý nghĩa, bản chất, thiết nghĩ, ngoài việc tiếp xúc cử tri theo định kỳ trước và sau mỗi kỳ họp, cần quan tâm đến các hình thức và nội dung tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn, nhóm cử tri mà đại biểu lựa chọn… Bên cạnh đó, cần công khai cho cử tri biết các hình thức tiếp xúc tại nhà riêng, qua điện thoại, thư điện tử (email) của đại biểu Quốc hội…
Bà Nguyễn Thị Hiệp cho rằng, để hoạt động tiếp xúc cử tri hiệu quả, cần thông báo rộng rãi, công khai và thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng về thành phần đại biểu, thời gian, địa điểm, nội dung tiếp xúc để mọi người dân quan tâm đều có thể tham dự, tránh tình trạng đại biểu chỉ gặp “cử tri chuyên trách”.

Tiếp xúc cử tri là dịp đại biểu Quốc hội, HĐND “nghe dân nói” và “nói cho dân nghe”; là cơ hội phổ biến, tuyên truyền pháp luật cho cử tri và cũng là dịp để giải tỏa những bức xúc của cử tri đối với các vấn đề mà họ quan tâm. Vì vậy, người đại biểu dân cử cần quan tâm việc đổi mới phương thức hoạt động này.

PHƯƠNG TẤN

;
.
.
.
.
.
.