Cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp: Lợi bất cập hại

.

LTS: Sau khi Báo Đà Nẵng số ra ngày 24-9-2020 đăng bài viết “Nên hay không nên để học sinh sử dụng điện thoại trong lớp?” đề cập Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học để phục vụ học tập với sự đồng ý của giáo viên, chúng tôi tiếp tục nhận được các ý kiến, bài viết của bạn đọc bày tỏ quan điểm về vấn đề này.

Nếu được phép sử dụng điện thoại, học sinh dễ ỷ lại, giảm tương tác.  Ảnh: KHÁNH QUYÊN
Nếu được phép sử dụng điện thoại, học sinh dễ ỷ lại, giảm tương tác. Ảnh: KHÁNH QUYÊN

Sự phát triển không ngừng của khoa học mang lại cho nhân loại nhiều tiện ích, trong đó có điện thoại thông minh (smartphone). Chỉ với một chiếc điện thoại nhỏ xíu trong lòng bàn tay, bạn có thể nắm bắt được cả thế giới. Không chỉ nghe - gọi - nhắn tin, mà tất cả thông tin đều có trong chiếc smartphone được kết nối với mạng internet.

Những tiện ích của smartphone thì không cần bàn cãi. Trong việc học tập, chiếc smartphone trở thành vật bất ly thân của khá nhiều học sinh, đặc biệt là học sinh THPT và sinh viên. Bài giảng của thầy cô, nếu ghi chưa kịp, các em có thể “chụp” lại. Có trường cho phép sinh viên thu bài giảng để nghe lại, giúp nắm vững kiến thức hơn.

Các em, qua việc tra cứu, sẽ bổ sung kiến thức cho mình. Trong lớp, khi các em có điện thoại (được cho sử dụng) thì thầy cô càng phải đầu tư nhiều hơn cho giảng dạy. Smartphone sẽ buộc giáo viên phải cập nhật thông tin, học hỏi không ngừng để nâng cao chuyên môn. Đây cũng là cách để giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy, đồng thời giúp học sinh có nhiều cơ hội tiếp cận thông tin...

Đó là những tiện ích không nhỏ của smartphone. Thời gian qua, báo chí và mạng xã hội đề cập Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT về điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học, có hiệu lực từ ngày 1-11, trong đó có quy định học sinh sẽ được sử dụng điện thoại di động khi đang học tập trên lớp nếu phục vụ cho việc học tập và được giáo viên cho phép.

Thiết nghĩ, nên tìm hiểu vấn đề này cho thấu đáo, nếu không sẽ dẫn đến lợi bất cập hại. Trong suy nghĩ của nhiều người, nhất là phụ huynh, việc cho học sinh THCS và THPT sử dụng điện thoại trong giờ học chưa hợp lý và chưa cần thiết. Lý do là trong giờ học, các em sẽ ỷ lại vào điện thoại, không nghe thầy cô giảng bài, không thể vận dụng tư duy...

Có điện thoại trong tay, được sử dụng thoải mái, ai biết các em đang làm gì ở dưới lớp? Liệu thầy cô có quản nổi không? Không lẽ nào thầy cô vừa dạy, vừa trông coi kỷ luật, vừa quan sát từng em xem có sử dụng điện thoại (khi chưa được cho phép) hay không? Chưa kể cảm giác khó chịu khi mình đang dạy, lại có thể có vài em (thậm chí nhiều em) đang bật camera ở dưới. Rồi chưa kể học sinh mở những thông tin gì? Các em đang kết nối với ai?

Hiện tại, nhiều học sinh không đọc hoặc rất ít đọc sách. Giờ đây, nếu cho phép sử dụng điện thoại, việc đọc sách càng trở nên xa vời. Chưa kể những bài tập (hầu như tất cả đều có trên mạng), học sinh chỉ cần mở máy ra và chép vào vở. Sự tương tác với thầy cô vốn đã ít thì rồi sẽ không còn nữa. Sự giao lưu tương tác cùng bạn bè sẽ vô cùng hiếm hoi. Mỗi em một chiếc điện thoại, các em sẽ dán mắt vào màn hình và chìm đắm trong... thế giới riêng tư…

Về nhà, các em sẽ mặc nhiên sử dụng điện thoại vì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho phép thì cha mẹ nào cấm cản! Mà cha mẹ cũng không thể ở nhà hoài để... theo sát con cái. Chỉ cần một động tác cực nhẹ lướt trên màn hình, những thông tin bí mật (độc hại) sẽ không còn dấu vết. Chưa kể sẽ sinh ra ngó qua ngó lại với nhau. Điện thoại của em này xịn, của bạn kia như... cục gạch! Rồi phân biệt. Rồi đòi hỏi cha mẹ phải sắm điện thoại cho bằng bạn bằng bè...

Mạng xã hội có rất nhiều cái hay nhưng cũng tiềm ẩn những hiểm họa khó lường. Nếu học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học, không biết những gì sẽ xảy ra?
Ở vùng quê, vùng sâu vùng xa, không có điều kiện sắm smartphone, nhiều học sinh vẫn học tốt. Thực tế, qua các kỳ thi, có biết bao học sinh sống ở vùng quê, thiếu thốn nhiều thứ mà vẫn vào đại học với số điểm cao ngất ngưởng...

Vì vậy, nên chăng, muốn cho học sinh sử dụng smartphone trong giờ học thì hãy chờ năm ba năm nữa, đời sống kinh tế dần ổn định, nhận thức của học sinh cao dần, ý thức tự giác của các em phát triển... Lúc đó, việc áp dụng quy định này cũng chưa muộn, nhưng cũng chỉ nên áp dụng cho học sinh THPT và sinh viên mà thôi.

HUỲNH THỊ THANH VÂN

;
;
.
.
.
.
.