Ông Đinh La Thăng: 'Tôi có cảm giác càng nói, tội càng nặng'

.

Ông Đinh La Thăng cho rằng đang bị tòa án "quy chụp" phải gánh mọi trách nhiệm to nhỏ tại Tập đoàn Dầu khí trong khi có những việc không làm.

Hôm nay, ngày làm việc thứ năm, phiên phúc thẩm xét kháng cáo của ông Đinh La Thăng cùng đồng phạm bước vào phần tranh luận.

Tự bào chữa trước tòa, ông Đinh La Thăng (cựu chủ tịch HĐQT PVN) để chồng giấy tờ ở bên cạnh, chống tay vào bục gỗ, nói chậm, nhấn nhá câu từ. Ông cho hay khi nhận bản án 13 năm tù đã rất đắn đo "có nên kháng cáo hay không?", bởi nghĩ "ra tòa nếu càng nói, tội càng nặng, lại bị coi là quanh co, không thành khẩn".

Dù vậy sau khi cân nhắc, ông nhận thức kháng cáo là "cơ hội làm sáng tỏ những quy kết chưa thỏa đáng của cấp sơ thẩm" và có niềm tin về việc này.

Cầm tài liệu đọc, ông Thăng nhắc lại nội dung kháng cao với mong muốn được cấp phúc thẩm xem xét rõ hành vi, vai trò trách nhiệm... Ông Thăng cũng xin tòa xem xét giảm án tối đa cho các thuộc cấp của mình.

Trước đánh giá của VKS Cấp cao nêu vào hôm qua khi đề nghị không giảm án cho mình, ông Thăng nói chưa thấy VKS cập nhật diễn biến, tình tiết mới tại phiên tòa, nhiều nhận định đưa ra cũng không khách quan. Phần buộc tội với ông gần như giữ nguyên bản án sơ thẩm.

"Tôi cảm nhận có những việc dù không phải trách nhiệm của mình song đều bị quy chụp do Đinh La Thăng chỉ đạo. Dù tôi đã nhận trách nhiệm của người đứng đầu nhưng không có nghĩa việc từ lớn tới bé đều buộc tôi phải chịu trách nhiệm".

Cựu chủ tịch PVN mong HĐXX xem xét khách quan việc kết tội chứ không phải nghĩ rằng ông đã cố tình chỉ định thầu một cách "vô tội vạ".

Ông Đinh La Thăng. Ảnh: N.A.
Ông Đinh La Thăng. Ảnh: N.A.

Ông Thăng không đồng tình với cách tính thiệt hại, đề nghị hủy trách nhiệm dân sự với mình. Ông ví von cách tính được tòa sơ thẩm áp dụng như kiểu vợ chồng có thu nhập từ nguồn bán lợn, bán gà… sau đó không phân định ra được tiền nào của vợ, tiền nào của chồng hay tiền nào bán lợn, bán gà…

Bản án sơ thẩm xác định ông Thăng đã chỉ đạo chỉ định thầu trái luật với Tổng công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) trong thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, chỉ đạo ký hợp đồng thi công dự án (EPC33) khi chưa đủ điều kiện, tạm ứng hơn 1.000 tỷ cho PVC không đủ điều kiện khiến tiền bị sử dụng sai mục đích, gây thiệt hại 119 tỷ đồng.

Bị phạt 13 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (điều 165 Bộ luật Hình sự 1999) và bồi thường 30 tỷ đồng, ông Thăng kháng cáo xin được xem xét lại. 

Luật sư: Lời khai của 10 người không bằng một nhân chứng

Trước đó, là người đầu tiên bào chữa cho ông Thăng, luật sư Phan Trung Hoài cho hay từ năm 2007 đến 2010 có nhiều văn bản, Nghị quyết của Chính phủ cho phép PVN chỉ định công ty con của mình cung cấp dịch vụ cho các dự án trọng điểm quốc gia.

Theo luật sư, Chính phủ không chỉ đạo PVN làm sai. Tinh thần này đã phản ánh trong nghị quyết của Hội đồng thành viên PVN và các văn bản chỉ đạo của ông Thăng trong thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. "Có thể hiểu dự án có cơ chế đặc thù vừa triển khai vừa thiết kế, trình các cấp thẩm quyền phê duyệt nhà đầu tư", luật sư Hoài nói.

Theo luật sư, dù án sơ thẩm đánh giá PVC gặp khó khăn, không đủ năng lực làm tổng thầu, tuy nhiên thực tế PVC vẫn là tổng thầu duy nhất của dự án này, tiến độ đã hoàn thành 93%.

Ông Hoài cho rằng VKSND Cấp cao khi đánh giá vụ án tại phiên phúc thẩm đã gần như giữ nguyên cáo trạng cũng như bản án sơ thẩm. Chứng cứ để đánh giá hành vi của ông Thăng được VKS căn cứ lời khai của ông Vũ Huy Quang (Tổng giám đốc PVPower) , Vũ Hồng Chương (nguyên trưởng ban quản lý dự án điện lực dầu khí Thái Bình 2). Nhưng theo luật sư, lời khai của ông Quang, Chương bị ông Thăng và nhiều bị cáo khác phủ nhận.

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp sau đó tiếp tục bảo chữa cho ông Thăng, cho rằng việc dùng lời khai của ông Quang để buộc tội ông Thăng là không khách quan vì ông Quang "buộc phải loại trừ" trách nhiệm của mình trong việc ký hợp đồng số 33 với PVC.

Luật sư cho rằng trong cuộc họp 31-3-2011 có hàng chục người mà mọi người mà đều không biết, không nghe không thấy ông Quang có báo cáo "can gián" việc ký hợp đồng, duy nhất ông Quang khẳng định là có.

“Vậy chứng cứ vật chất lời khai của hàng chục người lại không bằng lời khai một người? Đây là sự vi phạm nghiêm trọng trong đánh giá chứng cứ”, ông Thiệp nói. 

Theo VnExpress

;
.
.
.
.
.
.