Mặc dù các ngành chức năng đã tăng cường công tác truyền thông cùng với việc tuần tra, truy quét bảo vệ rừng Sơn Trà, nhưng vẫn có tình trạng các đối tượng bất chấp quy định để bẫy bắt các loài động vật hoang dã.
Một đối tượng mang súng và đạn đi vào rừng Sơn Trà để săn bắt động vật hoang dã trái phép bị lực lượng kiểm lâm kịp thời phát hiện, bắt giữ. |
Theo ông Trần Thắng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn, trong năm 2017 qua 61 đợt kiểm tra, truy quét ngăn chặn chặt phá rừng, bẫy và săn bắt động vật rừng… tại 63 điểm thuộc rừng Sơn Trà, hạt đã phát hiện, tháo gỡ và thu giữ 458 dây bẫy bằng ruột phanh xe đạp, 5 lồng bẫy bằng sắt, 30 chuồng bẫy bằng cây… và thả lại rừng 1 con chồn hương bị dính bẫy, đưa ra khỏi rừng 9 đối tượng.
Ngoài ra, hạt phối hợp với các đơn vị, lực lượng chức năng tổ chức 319 đợt tuần tra trên các tuyến đường xung quanh bán đảo Sơn Trà, đẩy đuổi ra khỏi rừng 15 đối tượng và nhắc nhở nhiều du khách không ở lại đêm, sử dụng lửa ở các điểm dừng chân, khu vực gần rừng, ven rừng…
Qua đó, hạt đã xử lý hành chính 10 vụ vi phạm, bàn giao cho Công an phường Thọ Quang 305 viên đạn bi, 1 súng tự chế của một đối tượng mang vào rừng để săn bắt động vật hoang dã trái phép; tiếp nhận và thả vào rừng 1 con trăn đất, 1 con khỉ đuôi lợn, 1 con khỉ vàng và 1 con khỉ mặt đỏ.
Dịp sau Tết Mậu Tuất 2018, rừng Sơn Trà xuất hiện nhiều người vào đặt lồng bẫy chim, giăng lưới không màu có diện tích rộng và cao để bẫy, bắt động vật hoang dã. Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn đã xử phạt một số trường hợp và tịch thu dụng cụ vào rừng để bẫy bắt chim, đồng thời thả về môi trường tự nhiên các con chim bị mắc bẫy.
Từ đầu năm 2018 đến nay, hạt đã tổ chức hơn 10 đợt kiểm tra, truy quét để bảo vệ rừng, phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức hơn 100 đợt tuần tra quanh bán đảo Sơn Trà, phát hiện, tháo gỡ hơn 300 dây bẫy cùng một số lồng sắt, kẹp bằng sắt để bẫy, bắt động vật rừng.
Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cho biết, công tác bảo vệ rừng được các lực lượng chức năng triển khai tích cực, quyết liệt và đã ngăn chặn, hạn chế đến mức mức thấp nhất tình trạng bẫy, bắt động vật hoang dã trái phép. Tuy nhiên, vẫn còn một số đối tượng lén lút vào rừng để lấy mây, đốt than, săn bắt động vật hoang dã với hành vi ngày càng tinh vi.
Trước tình hình này, UBND quận Sơn Trà đã chỉ đạo các phường hỗ trợ, tạo việc làm và chuyển đổi ngành nghề cho các đối tượng vi phạm; phối hợp quản lý các hoạt động du lịch tại bán đảo Sơn Trà và tuyên truyền, hướng dẫn, không để xảy ra tình trạng khách du lịch có hành vi xâm hại rừng.
Phía quận cũng đề nghị UBND thành phố quan tâm lắp đặt hệ thống camera ở bán đảo Sơn Trà; tổ chức quản lý chặt các hoạt động du lịch, khách du lịch tại bán đảo Sơn Trà và quy hoạch các điểm dừng chân tại chân núi Sơn Trà để bán vé, sử dụng các loại xe chuyên dụng vận chuyển khách tham quan theo các tuyến, nhằm bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ rừng và động vật hoang dã.
Theo thống kê chưa đầy đủ, trong 10 năm qua, các cơ quan chức năng của thành phố đã kịp thời can thiệp, xử lý, bảo đảm an toàn cho hơn 20 cá thể voọc chà vá chân nâu. Trong đó, khoảng 1/3 số cá thể voọc chà vá chân nâu bị bẫy, bắt và buôn bán trái phép trên địa bàn các xã Hòa Bắc, Hòa Phú, Hòa Ninh, Hòa Phong, Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) và phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) và được tái thả vào Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà.
Có 3 cá thể voọc chà vá chân nâu trưởng thành bị bẫy, bắt tại rừng Sơn Trà được chuyển giao cho Vườn Quốc gia Cúc Phương để cứu hộ, 7 cá thể bị bẫy bắt tại Sơn Trà được tái thả ngay lại khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà.
Ngoài ra, có 4 cá thể voọc sơ sinh bị nuôi nhốt trái phép trong nội thành được chuyển giao cho Thảo Cầm Viên Sài Gòn để cứu hộ. Đến nay, các cá thể voọc chà vá chân nâu được Thảo Cầm viên Sài Gòn nuôi dưỡng thành công, đủ điều kiện để sinh sản trong môi trường có kiểm soát.
Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP