Tuần phim Nga tại Việt Nam diễn ra vừa qua tại Hà Nội đã giúp cho khán giả có dịp thưởng thức lại không khí của điện ảnh Nga – nền điện ảnh một thời gắn bó với Việt Nam với rất nhiều những tác phẩm điện ảnh Xô-viết đã đi vào lịch sử điện ảnh thế giới như “Khi đàn sếu bay qua” (Cành cọ vàng LHP Cannes 1958), Matxcơva không tin vào nước mắt (Giải Oscar 1983)….
“Tinh cầu” |
Với 2 tác phẩm lấy đề tài chiến tranh “Tinh cầu” (tên gọi khác là Ngôi sao) và “Chúng tôi đến từ tương lai”, điện ảnh Nga đã thể hiện được thế mạnh của một nền điện ảnh có lịch sử từ lâu đời khi khai thác những vấn đề của quá khứ, thuộc về quá khứ. Bằng những cảnh quay hoành tráng và cốt truyện phim lôi cuốn, điện ảnh Nga đã thực sự thành công khi thực hiện những bộ phim với đề tài chiến tranh vệ quốc.
“Tinh cầu” (đạo diễn Nikolai Lebedev) được chọn mở màn cho tuần phim. Bộ phim đã giành được giải thưởng trong nước và quốc tế, từng đoạt giải Ngọn đuốc vàng tại Liên hoan phim quốc tế Bình Nhưỡng. Mặc dù đã sản xuất khá lâu và từng lên sóng của Đài THVN cách đây 5 năm nhưng khán giả sẽ không thể thoát khỏi sự ám ảnh và ấn tượng về bộ phim. Những chàng trai trẻ được cử làm nhiệm vụ trinh sát đột nhập vào hậu phương của quân thù. Hy sinh cả tuổi trẻ, vận dụng sự tinh tế và khéo léo đến tuyệt vời để làm nên những chiến thắng vang dội cho Tổ quốc.
“Chúng tôi đến từ tương lai” (đạo diễn Andrey Malukov) là bộ phim chiến tranh - giả tưởng nhưng không cho cảm giác nặng nề. Diễn biến trong phim diễn ra trong hai khoảng thời gian của: hiện tại, quá khứ, của hòa bình và chiến tranh. Những trận đánh ác liệt của những ngày tháng 8 năm 1942 được tái dựng một cách cụ thể, sinh động.
Nhân vật chính của phim là 4 thanh niên chuyên đi đào bới, săn lùng vũ khí, huy chương… ở những vùng hẻo lánh và rồi ở nơi mà trước kia đã từng diễn ra những trận đánh, họ phát hiện ra những quyển sổ đăng ký bộ đội của những người lính Hồng quân năm xưa mà ảnh của họ chính là gương mặt của bốn chàng trai.
“Chúng tôi đến từ tương lai” |
|
“Kuka” (đạo diễn Yaroslav Chevazhevskiy) và “Spartak và Kalashnikov” (đạo diễn Andrey Proshin) là bức tranh hiện thực về số phận của những đứa trẻ mồ côi. 2 bộ phim là thế giới tình người ấm áp. Tình yêu đã giúp những con người xa lạ trở nên gần gũi và kề vai sát cánh bên nhau. Một em bé mồ côi trong phim “Kuka” sống cô đơn, trơ trọi trước cuộc đời.
Em lém lỉnh nhưng thông minh và vô cùng đáng yêu. Sau khi bà chết em đã tự làm tất cả mọi công việc sinh hoạt trong nhà. Cái chết của bà cũng là một bí mật mà em giấu kín với tất cả mọi người xung quanh chỉ vì em sợ em sẽ bị đưa vào trại trẻ mồ côi. Một người phụ nữ trẻ khác với trái tim nhân hậu đã che chở cho em, trải qua khó khăn họ thành một gia đình. Giữa cuộc sống bộn bề, tình người vẫn tỏa sáng.
“Spartak và Kalashnikov”
“Spartak và Kalashnikov” cũng là số phận của một bé trai mồ côi 13 tuổi. Bộ phim là cuộc hành trình đầy khó khăn và bấp bênh của cậu bé, trải qua rất nhiều công việc, nhiều biến cố cùng chú chó thân yêu để mưu sinh. Cuộc sống không may mắn như bé Kuka trong bộ phim cùng tên, mà tất cả là do Kalashnikov nỗ lực vươn lên trong cuộc sống và cuối cùng Kalashnikov và chú chó Spartak đều gia nhập quân đội.
Mỗi bộ phim cũng như một trang đời, đem đến một cảm nhận, một cái nhìn, một bài học riêng trước cuộc sống. Những ngày trình chiếu tuần phim Nga, khán phòng ở Hà Nội đã không còn chỗ trống. Phát biểu tại buổi khai mạc tuần phim, Đại sứ LB Nga tại Việt Nam A.G. Kovtun khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ về văn hóa – tinh thần giữa hai nước, nếu thiếu đi sẽ không thể chuyển giao cho thế hệ mới những di sản đã có. Ông cũng không quên việc nhiều nhà điện ảnh nổi tiếng của Việt Nam được đào tạo ở Liên Xô/Nga. Được biết, 4 bộ phim này sẽ được để lại Việt Nam để công chiếu rộng rãi.
THẢO VI
* Tuần phim diễn ra tại Hà Nội từ ngày 24 đến 28-10-2009.