.

Đôi lời phản biện

.

Xem xét tiến độ xây dựng công trình thủy điện Sơn La; thảo luận về dự án thủy điện Lai Châu, Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận; nghe báo cáo về Nhà máy Lọc dầu Dung Quất… qua chương trình nghị sự tuần thứ 3 của kỳ họp Quốc hội lần này đã thấy tầm quan trọng của vấn đề năng lượng trong quá trình phát triển. Những công trình lớn và siêu lớn trong lĩnh vực năng lượng là hình ảnh cụ thể về sự lớn mạnh của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa hướng tới một nền kinh tế các-bon thấp, phù hợp với xu hướng của thế giới hiện đại, được nhân dân cả nước đồng tình và chờ đợi.

Thủy điện Yaly.

Nhưng nhiều tiếng nói trên hội trường Quốc hội và trong dư luận cử tri cũng rất đáng được ghi nhận để những công trình trên và những công trình khác nữa an toàn, hiệu quả và tiết kiệm hơn.

Thủy điện Lai Châu là công trình cuối cùng trên hệ thống sông Đà và có thể coi là công trình thủy điện lớn cuối cùng của cả nước. Về lợi ích của các công trình Hòa Bình, Yaly, Sơn La, Lai Châu, Trị An, Hàm Thuận và hàng loạt công trình thủy điện khác ai cũng rõ, nhưng độ an toàn cho hàng chục triệu con người trước sự bất thường về thời tiết, động đất và nhiều vấn đề chưa thể tính trước buộc ta phải tính toán thật kỹ.
 
Ngoài an toàn cho con người là an toàn cho môi trường. Nhà máy thủy điện mọc lên là diện tích rừng, diện tích đất trồng trọt bị thu hẹp, các dòng sông bị cắt khúc thành nhiều đoạn, nhiều loài động thực vật và cảnh quan thiên nhiên sẽ biến mất. Nhà máy điện hạt nhân vận hành, lập tức vấn đề rác thải hạt nhân, xác nhà máy sau khi hết hạn sử dụng chôn ở đâu được đặt ra, chưa kể nước thải sẽ làm vịnh biển ấm lên, vận hành không an toàn có thể gây sự cố, chưa kể đến những tai họa như chiến tranh, bão lụt, biến đổi khí hậu, động đất đe dọa.

Nhiều người lập luận làm thủy điện, làm điện hạt nhân rẻ. Thiết nghĩ nếu khi phê duyệt dự án, người ta biết Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nhà máy Thủy điện Sơn La mà đội giá đến mức như hiện nay thì chắc khó có ai yên tâm đặt bút ký. Nhưng không chỉ những dự án trên, hầu hết các dự án xây dựng lớn khác đều trong tình trạng tương tự. Và đội vốn trong xây dựng cũng chưa phải là tất cả. Cần tính đến khả năng khai thác công suất thiết kế, tuổi thọ công trình, những tốn kém khác như đất đai trồng trọt bị mất đi vĩnh viễn. Hãy cộng hàng vạn héc ta đất, hàng trăm làng mạc, hàng triệu người phải thay đổi cuộc sống để đưa những tổn thất đó vào giá thành, ta sẽ làm thủy điện thận trọng hơn, không xảy ra tình trạng một tỉnh nhỏ có đến 42 nhà máy thủy điện, một dòng Thu Bồn bị cắt thành 10 khúc.

Cuối cùng, làm thủy điện, làm điện hạt nhân là cần thiết nhưng có nên làm ồ ạt, nhanh chóng nâng tỷ lệ thủy điện lên 40%, thậm chí lên 62% trong tổng công suất điện quốc gia không? Vẫn biết mình còn nghèo, chưa đủ sức đi vào phát triển các nguồn năng lượng khác nhưng một đất nước nhiệt đới nhiều nắng, nhiều gió, nhiều bờ biển, nhiều nguồn địa nhiệt như nước ta mà cho đến nay, những nguồn năng lượng tái tạo ấy vẫn gần như hoàn toàn vắng bóng trong đời sống con người thì cũng đáng phải suy nghĩ.

Nhân Quốc hội thảo luận, từ bên ngoài xin nói mấy lời phản biện không phải để can ngăn mà chỉ mong những người có trách nhiệm trước khi quyết làm phải tính toán kỹ lợi hại, phải chọn bước đi hợp lý vì lợi ích trăm năm của đất nước.

Vũ Duy Thông

;
.
.
.
.
.