.
Giới thiệu sách

Đọc tâp thơ “Chạm bóng” của Đinh Tấn Phước

.

Gặp trong “Chạm bóng”(*) câu thơ nói về khu đền tháp Mỹ Sơn, Quảng Nam “Rớt giọt đìu hiu/ thung lũng buồn/ tháng Chạp” (Điệu Chăm) có thể liên tưởng đến câu thơ của Văn Cao “Từ trời xanh/ Rơi/ Vài giọt tháp Chàm”. Lại đọc mấy câu “Đêm nay ngủ với mộ bia/chợt nghe như đã xa lìa thế gian/ cờ cao lọng dựng hàng hàng/ru ta giấc mộng thiên đàng nẻo chơi” (Lời thưa) có thể thấy chút gì chịu ảnh hưởng từ phong cách của các nhà thơ mới giai đoạn trước 1945.

 

Nhưng đó có thể là không cố ý! Đọc suốt tập thơ, ta thấy tác giả đã không muốn đi theo cái hình hài phù du của lối thơ tả chân mà nhiều nhà cách tân, hết thế hệ này đến thế hệ khác, muốn chối bỏ. Để mong đạt tới cõi thâm sâu của “rêu nhạt gót chân/ gió phai đầu ngõ” (Và em) tác giả “Chạm bóng” đã bỏ công đi tìm những cách thể hiện thật khác - không chỉ ở ngữ ngôn mà còn trong cấu tứ. Và ta gặp một trong rất nhiều cố gắng:

“Con bướm nhụy và hoa mướp vàng buổi sáng/ cánh dơi đêm hút xa nhớ hương ổi trong vườn/ đâu chỉ thế- chẳng qua một thoáng/ giao cảm/ là trong hơi thở của anh em có mặt bình thường” (Giao cảm). Có vẻ như ý thơ đã đằm và lời đã bớt đi phần nào cái vẻ chân phương - cái chân phương dù không cố ý mà dường như đã thành cố hữu.

Mạch chảy cổ điển của truyền thống đã thành thâm căn cố đế trong hành trình thể hiện cảm xúc của nhiều nhà thơ và họ đã không dễ gì thoát ly nó trong cố gắng tạo cho mình một bản sắc. Đã từng có vô vàn thể nghiệm, nhưng quả là khó khăn đối với sự háo hức tìm đến cái mới; bởi, “phút linh cầu mãi không về”! Suốt hành trình nửa thế kỷ sau phong trào thơ mới không dễ gì có được những nhà thơ đạt được những thành tựu cách tân, mà trong số đó có thể kể như Thanh Tâm Tuyền trong Nam và Đặng Đình Hưng ngoài Bắc.

Vì thế, khi đọc những câu sau “Biên giới là sợi chỉ/ anh đặt ba ngón tay để bắt mạch em/ở hai bờ biên giới/ ngọn gió thì thầm - không xẻ làm đôi” (Biên giới) ta hiểu được nỗ lực đến bất lực của Đinh Tấn Phước trong hành trình đi từ truyền thống đến phá cách: Phần đầu mở ra sự chờ đợi một cái gì mới lạ; nhưng tiếc là, phần sau lại không thoát ly khỏi lối thể hiện quen thuộc. Suốt tập thơ, tác giả luôn đuổi theo ảo ảnh của chữ nghĩa mà hình như đã không ít lần gần “chạm” tới nó.

Trong “Chạm bóng” những câu đạt nhất lại là những câu hết sức bình thường “Có một thời ta nghèo đến vậy/ chiếc áo được khâu đi vá lại nhiều lần/ em xúng xính trước gương tìm bóng dáng/ vải đã sờn nhưng áo đẹp bâng khuâng” (Chiếc áo). Chính cái dung dị hiện diện bất chấp cố gắng chối bỏ nó của tác giả đã làm nên hồn vía của tập thơ. Bài thơ “Chim dồng dộc” là một thành công của sự hài hòa giữa dung dị và bứt phá. Ước mơ thơ ấu “treo ngược lên trời” như tổ của loài chim dồng dộc “vàng cánh vàng chân vàng tiếng hót” đeo đuổi số phận của bọn trẻ mà “thời chinh chiến tuổi thơ qua rất sớm”.

Rồi kẻ mất người còn. Ngoảnh lại, chợt nhận ra “cuộc vui xưa một nửa cũng đang già”. Rồi trở lại chốn quê xưa “lòng thấy buồn như đất/ tưởng một bóng ma trưa/ mà bầu bạn/ những đọt tre/ cứ quất vào gió/ quất vào ước mơ và hoài bão/ những tổ chim cứ treo ngược lên trời” (Chim dồng dộc). Bài thơ quen mà lại lạ! Vẫn là những hình ảnh và ngôn ngữ hết sức đời thường vậy mà sao cứ như man mác một vẻ lạ lùng nào?

Giống như cái bóng lẽo đẽo theo người trong luồng ánh sáng rạng ngời của ngôn ngữ, sự dung dị đến hồn nhiên luôn là một sự định hình trong hành trình đầy khó nhọc của kẻ làm thơ. Cố gắng thoát ly khỏi nó là một điều tuyệt đối khó khăn giống như ao ước không tưởng là được chạm tay vào cái bóng của đời mình. May ra chỉ có những bậc thần thông của thơ mới có khả năng làm được điều đó!

Phú Bình

(*) Chạm bóng, thơ của Đinh Tấn Phước, NXB Văn học, tháng 5-2009.

;
.
.
.
.
.