.

Hang động trong phố núi

.

Chiếc xe dừng lại trước cửa Chùa Tam Thanh. Nhìn từ bên ngoài thì thấy nơi này chẳng có gì khác lạ, trông giống như cổng của một ngôi chùa bình thường dựa vào vách núi. Bên ngoài là hàng quán, bán từ chai rượu đặc sản cho đến các lọai thuốc nam cho khách mua về tự ngâm rượu để trị bệnh. Nhưng khi bước chân vào chùa là gặp một không gian khác, hang động ngay trong lòng thị tứ của phố núi Lạng Sơn. Có thể nói, không có một hang động nào mà du khách có thể dừng lại ở bên vệ đường, thong dong bước chân vào tham quan như động Nhị Thanh.

Chùa Tam Thanh. (Ảnh tư liệu)

Bước qua cổng, khách bắt gặp những bậc cấp bước lên ngôi chùa có tên là chùa Tam Giác. Chùa khác lạ bởi nằm trong lòng núi, bao quanh là cây cỏ che phủ. Ngôi chùa nằm trong một hang đá, nhang khói lúc nào cũng tỏa bay. Chùa thờ ba vị: Phật Thích Ca, Khổng Tử và Lão Tử. Những bài vị có từ thời mới lập chùa và phát hiện ra động Nhị Thanh. So với những ngôi chùa khác ở cả nước thì chùa Tam Giác tương đối đơn giản hơn nhiều.

Thắp vài nén hương xong, tiếp tục bước xuống các bậc cấp, rẽ qua phía trái là bắt đầu bước vào động Nhị Thanh. Tục truyền tên động do Ngô Thì Sĩ đặt trong một chuyến đi khi ông được cử lên làm quan đốc trấn Lạng Sơn từ năm 1777-1780. Vào thuở ấy, động còn nằm ở một địa thế hoang vu, cỏ cây lau lách mọc che khuất. Ngô Thì Sĩ đã cho phát quang, mở rộng cho lộ hang động ra và tu sửa, tô điểm tạo nơi này thành một điểm tham quan.

Muốn vào động phải bước ngang một hồ nước được gọi là hồ Nhất Bình mà nguồn nước ở hồ là từ con suối trong động có tên suối Ngọc Tuyền chảy ra tạo thành. Khá bất ngờ vì khi vào động Nhị Thanh, ta có cảm giác chẳng khác gì đang bước vào khu vực động ở Hạ Long, có khác chăng là nơi này đường đi tương đối dễ, và chỉ cần bước chân qua đường là vào động. Động Nhị Thanh dài chừng 500 mét, ngoằn ngoèo nhiều ngõ ngách. Cảnh hang với nhiều nhũ đá tự nhiên rũ xuống chẳng khác chi bước chân vào cảnh tiên.

Dọc theo động có một con suối nhỏ len vào làm cho không khí trở nên dịu mát. Nếu thính tai có thể nghe tiếng cá bơi lội vẫy vùng trong suối. Những chiếc cầu bằng xi-măng băng qua suối, rồi đi tiếp con đường vào trong lòng động lại càng như đi không đến tận cùng vì ngõ ngách biến hóa. Trong động có khoảng 20 bài văn của các danh nhân, văn thi sĩ thời xưa, trở thành một kho tàng văn học bất hủ cho đời nay. Bất chợt gặp một khoảng đất rộng ngay giữa động.
 
Nơi đây nhận ánh sáng từ trên cao gọi là cửa Thông Thiên trộn vào, soi rõ các bài văn trên đá của Ngô Thì Sĩ khiến cho khách phải dừng chân lâu hơn để nhìn ngắm. Cửa hang phía trái động tạc hình rồng, phía phải tạc hình hổ như chúng đang canh giữ động. Phía cao nhất đối diện với cửa hang là tượng Ngô Thì Sĩ bằng đá do ông sai người tạc vào khi ông bắt đầu mở rộng động Nhị Thanh.

Trong cuộc hành trình đến Lạng Sơn, không thể nào không ghé động Nhị Thanh. Một tuyệt phẩm của tạo hóa, lạ lùng và tạo cho bất cứ ai tìm đến một cảm giác lạ.

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG

.

;
.
.
.
.
.