.

Hoàng Sa biển đảo mến yêu - Kỳ I: Tổng quan địa lý hành chính Hoàng Sa

.

Hoàng Sa là quần đảo quan trọng của Tổ quốc trên Biển Đông, gắn liền chủ quyền khai thác và quản lý qua nhiều chế độ tại Việt Nam kể từ thế kỷ XV đến nay. Biển đảo Hoàng Sa thật mênh mông và chứa đựng vô vàn những điều chưa biết hết. Nhưng có một điều rất rõ là lòng mến yêu tha thiết và sự gắn bó thường xuyên, hợp pháp của người Việt Nam đối với Hoàng Sa đã có từ lâu đời, được thế giới thừa nhận và đến nay vẫn không hề thay đổi. Từ số báo này, ĐNCT sẽ đăng tải loạt bài viết của tác giả Nguyễn Quang Trung Tiến - ĐHKH Huế - nhằm giới thiệu những nét tổng quát về địa lý hành chính và các sự kiện lịch sử của quần đảo. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Bản đồ bờ biển Việt Nam và quần đảo Hoàng Sa
năm 1747 (Nguồn: www.thuvienkhoahoc.com)

Trong hệ thống biển đảo Việt Nam, Hoàng Sa là quần đảo san hô gồm trên 40 đảo, đá, cồn san hô và bãi cạn ở khu vực biển Đông (1), đáy biển ở đây có độ sâu từ 40-100 mét nước, bao phủ bằng một lớp vỏ san hô sống, cát và sỏi san hô, vị trí tọa độ xác định khoảng giữa 15o45"-17o15" vĩ độ bắc và 111o-113o kinh độ đông, trên diện tích tự nhiên rộng khoảng 16.000km2.

Vùng biển này có khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, thường có sương mù và nhiều bão tố đi qua. Trên một số đảo có nguồn nước ngọt, cây cối um tùm, vô số chim và đặc biệt nhiều rùa biển sinh sống. Khu vực biển đảo Hoàng Sa có tiềm năng lớn về hải sản và trữ lượng dầu khí. Việc di chuyển bằng hàng hải giữa các quốc gia thuộc vành đai Thái Bình Dương với vùng Đông Nam Á, Ấn Độ, Tây Á, Địa Trung Hải và cả châu Úc cũng đều thường xuyên đi qua vùng biển này.

Điểm gần nhất của quần đảo Hoàng Sa cách đảo Lý Sơn thuộc tỉnh Quảng Ngãi của Việt Nam 123 hải lý (228 km), điểm gần nhất từ quần đảo Hoàng Sa cách đảo Hải Nam của Trung Quốc khoảng 140 hải lý (254 km) (2).

Quần đảo Hoàng Sa gồm hai nhóm đảo chính là Nguyệt Thiềm và An Vĩnh; đồng thời có rất nhiều đá, cồn, bãi cạn, bãi ngầm. Nhóm đảo Nguyệt Thiềm gồm 7 đảo chính là Hoàng Sa, Hữu Nhật, Duy Mộng, Quang Ảnh, Quang Hòa, Bạch Quy, Tri Tôn. Nhóm đảo An Vĩnh gồm các đảo chính là Phú Lâm, Cây, Linh Côn, Trung, Bắc, Nam, Tây, Hòn Đá.

Các đá, cồn, hòn, bãi trong quần đảo Hoàng Sa gồm Đá Nam, Đá Tây, Đá Tháp, Đá Bông Bay, Đá Chim Yến, Đá Lồi, Bãi Addington, Bãi ngầm Sơn Dương, Bãi Balfour, Bãi Vọng Các, Bãi Bassett, Bãi ngầm Bremen, Bãi Carpenter, Bãi Cathay, Bãi Cawston, Bãi Egeria, Bãi Hand, Bãi Hardy, Bãi Ốc Tai Voi, Bãi Howard, Bãi Learmonth, Bãi Xiêm La, Bãi Smith, Bãi ngầm Bắc, Bãi Quan Sát, Bãi Quảng Nghĩa... Ngoài ra, còn có hai bãi ngầm rất rộng cũng liên quan khu vực quần đảo Hoàng Sa là Macclesfield và Scarborough.

Tài liệu cổ của Việt Nam (3) cho biết, từ thế kỷ XVII trở về trước người Việt đã gọi quần đảo này là Bãi Cát Vàng hoặc Cồn Vàng. Theo nhiều nhà nghiên cứu, tên gọi này xuất phát từ đặc điểm chung quanh các đảo, nhất là đảo Quang Hòa, bãi cát thường có màu vàng, thậm chí có thể nhìn thông suốt đến đáy các nền lòng chảo san hô và thấy cát vàng ở dưới vào những ngày biển lặng. Tên Hán-Việt của Bãi Cát Vàng được dùng nhiều về sau là Đại Trường Sa, Hoàng Sa Châu, Hoàng Sa Chử, Hoàng Sa (4).

Trên các hải đồ quốc tế, Bãi Cát Vàng của Việt Nam được các nhà vẽ bản đồ của phương Tây ghi là Pracel, Paracel islands hay Paracels. Tên Pracel/Paracel đã được dùng trong bản đồ của Diego Ribeiro năm 1527, Bartholomeu Velho năm 1560, Liveo da Marinharia năm 1560, Lazaro Luis năm 1563, Frères Van Langren năm 1595, Plancius năm 1604, Mercator năm 1613... Theo Pierre Yves Manguin, chữ Parcel (cũng ghi là Pracel) là tiếng Bồ Đào Nha cổ, nghĩa là đá ngầm (récif) hay cao tảng (haut-font). Còn A. Brébion lại cho rằng một thương thuyền Hà Lan thuộc Công ty Đông Ấn tên Paracelsse bị đắm tại vùng biển này vào thế kỷ XVI, nên người phương Tây gọi quần đảo này là Paracel (5).

Đối với người Trung Quốc, do ít có sự gắn bó với vùng biển này, nên họ gọi quần đảo Hoàng Sa bằng rất nhiều tên, thay đổi một cách bất nhất và chỉ mới gần đây, họ gọi là Hsisha hay Xisha Qundao (Quần đảo Tây Sa) (6).

Các đảo và bãi ngầm chính ở hai nhóm Nguyệt Thiềm và An Vĩnh trong quần đảo Hoàng Sa.
(Nguồn: www.vnafmamn.com)

 

Vào các thế kỷ XVI-XVIII, hằng năm, dân binh ở khu vực Nam - Ngãi được thay mặt chính quyền Xứ Đàng Trong của Chúa Nguyễn đi khai thác nguồn lợi và kiểm soát quần đảo này thông qua đội Hoàng Sa. Đến vương triều Nguyễn, từ năm 1816 triều đình Huế chính thức xác lập chủ quyền quốc gia ở Hoàng Sa và cử thêm quân đội chính quy trực tiếp đo đạc hải trình, phối hợp dân binh đội Hoàng Sa kiểm soát và quản lý quần đảo, vẽ bản đồ.

Thời Pháp thuộc, ngày 15-6-1932 Pháp bắt đầu thiết lập một đơn vị hành chính ở quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên, lấy tên là Đại lý hành chính Hoàng Sa (Délégation des Paracels) (7), do đại diện chính quyền thực dân ở Trung Kỳ phối hợp với quan đại diện chính quyền Trung ương Nam triều ở Huế chịu trách nhiệm quản lý, chế độ phụ cấp và kinh phí quản lý trích từ ngân sách xứ Trung Kỳ (8).

Đến 30-3-1938, Hoàng đế Bảo Đại của Nam triều ký Dụ sáp nhập quần đảo Hoàng Sa vào địa hạt tỉnh Thừa Thiên và giao cho quan tỉnh trực tiếp quản lý (9). Tiếp đó, ngày 5-5-1939, Pháp chia Hoàng Sa thành hai đơn vị hành chính gồm Đại lý hành chính Nguyệt Thiềm và phụ cận và Đại lý hành chính An Vĩnh và phụ cận. Trụ sở của hai đại lý hành chính này đóng tại các đảo Hoàng Sa và Phú Lâm (10).

Sau Cách mạng Tháng Tám, vào tháng 4-1946, phiên họp đầu tiên của Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã ra Nghị quyết phân chia địa giới hành chính thành phố thành 7 khu, và đảo Hoàng Sa là một đơn vị xã trực thuộc thành phố Đà Nẵng (11). Nhưng đến 20-12-1946, khi Pháp chiếm đóng trở lại thì chính quyền cách mạng tổ chức thành 3 khu như cũ để tiện việc chỉ đạo.

Sau Hiệp định Genève, ngày 13-7-1961, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa chuyển quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên để thành lập đơn vị hành chính lấy tên là xã Định Hải, trực thuộc quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam (12). Ngày 21-10-1969, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa sáp nhập xã Định Hải vào xã Hòa Long cùng thuộc quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam (13).

Khi đất nước thống nhất, dù quần đảo Hoàng Sa đã bị quân đội Trung Quốc chiếm đóng hoàn toàn từ 19-1-1974, Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam vẫn tiếp tục xem Hoàng Sa là một đơn vị hành chính của quốc gia, và thành lập huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng vào ngày 9-12-1982 (14). Từ 1-1-1997, Đà Nẵng tách khỏi Quảng Nam, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, huyện đảo Hoàng Sa được đặt dưới sự quản lý của chính quyền thành phố Đà Nẵng.

Hiện nay, huyện đảo Hoàng Sa cách bờ biển thành phố Đà Nẵng 170 hải lý (khoảng 315 km), với diện tích toàn bộ phần nổi của quần đảo khoảng 10km2 trong tổng số 305 km2 diện tích tự nhiên của huyện quản lý, chiếm khoảng 23,77% diện tích thành phố Đà Nẵng (15)

(Còn nữa)

NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN

---------------------

(1) Các đảo, đá, cồn, đụn, bãi... chìm nổi theo mực nước thủy triều, nên cách tính số lượng đảo trong các tài liệu có khác nhau. Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn cuối thế kỷ XVIII mô tả quần đảo này có nhiều đảo và nhiều núi linh tinh với hơn 130 ngọn.

(2) Vũ Hữu San, Địa lý Biển Đông với Hoàng Sa và Trường Sa, In lần thứ ba, Đại học Stanford, Hoa Kỳ, 2007, tr. 134 và 205.

(3) Như Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư do nho sinh Đỗ Bá biên soạn ở thế kỷ XVII.

(4) Theo Nguyễn Q. Thắng, Hoàng Sa, Trường Sa lãnh thổ Việt Nam nhìn từ công pháp quốc tế (Tái bản), Nxb. Tri Thức, thành phố Hồ Chí Minh, 2008, tr. 218.

(5) Dẫn theo Thái Văn Kiểm, Những sử liệu Tây phương minh chứng chủ quyền của Việt Nam và quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa từ thời Pháp thuộc đến nay, Tập san Sử Địa, số 29 - Đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa, Sài Gòn, 1-3/1975, tr. 36.

(6) Vũ Hữu San, Sách đã dẫn, tr. 253.

(7) Nghị định Toàn quyền Đông Dương (TQĐD) số 156-SC ngày 15-6-1932 về thiết lập tổ chức hành chính ở quần đảo Hoàng Sa.

(8) Nghị định của TQĐD ngày 28-12-1934.

(9) Dụ số 10 của Hoàng đế Bảo Đại ký vào 30-3-1938 (nhằm ngày 29 tháng 2 năm Bảo Đại thứ 13).

(10) Nghị định số 3282 do TQĐD là J.Brévié ký ngày 5-5-1939.

(11) Dẫn theo http://www.danang.gov.vn/dpdn/SuKien.asp.

(12) Sắc lệnh số 174 – NV ngày 13-7-1961 của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa (VNCH).

(13) Nghị định số 709-BNV/HCĐP/26 ngày 21-10-1969 của Tổng trưởng Nội vụ VNCH.

(14) Quyết định số 194/HĐBT ngày 9-12-1982 của Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

(15) Theo số liệu thống kê năm 2007 của thành phố Đà Nẵng (http://www.danang.gov.vn).

;
.
.
.
.
.