.

Như dòng sông kia vẫn chảy

.

Cầm tập sách Dòng sông di sản (*) được tặng, thực lòng, quả thấy ngần ngại, đọc trường ca dễ bị ngán. Thơ dài đã vắng dần trong công việc của chính nhiều nhà thơ: thơ đang “ngắn lại” cho kịp với đà quay hối hả của nhịp sống! Vậy mà, Lê Anh Dũng vẫn bền chí với thể loại này: chín năm, ba tập trường ca.

 

Miễn cưỡng đọc, rồi, bị lôi cuốn bởi cái nhiệt thành đầy ắp của tác giả. Bởi cái lối “nói bụi” này:

buông chèo

cá quẫy câu hò

mặc ai cà rịch

tôi chờ Cà Tang

Chưa thơ. Rồi, tiếp nữa:

lỡ nhịp qua cầu

ta đành cởi áo cho... ta

Vẫn chưa… chịu là thơ.

Nhưng, rấn thêm một chút nữa, thơ hiện ra:

Linga khóc

Yoni cười

âm dương cách trở

đất trời khóc nhau.

Vì sao vậy? Vì, Lê Anh Dũng không cố ý làm văn chương. Anh cứ để cho mình tự do bay lượn trong tình yêu đối với người và đất nơi anh sinh ra - lớn lên mà không chú ý đến những quy thức của nghề thơ. Qua hơn 120 trang thơ, gồm tám chương (dài nhất là chương Phố Hội - Sông Hoài: 28 trang), với rất nhiều địa danh, tên người, tên huyền thoại, thần tích…, nhà thơ đã dẫn người đọc “đi ” gần khắp địa giới tỉnh Quảng Nam; và đáng nói hơn, đi ngược thời gian trong mong muốn chạm được vào tinh thể của lịch sử: hồn thiêng sông núi.

Có làm được khát khao ấy không? Tôi nghĩ là được, trong một chừng mực, tất nhiên. Bởi, cũng ở mức độ nào đấy, nhà thơ đã “cho máu” của mình đối với cuộc đời. Trước hết, ở sự chân thành: chương 4, Bến đò Điện Hồng, là một tự bạch hồn nhiên, không có sự làm dáng ngôn ngữ. Ở chương này, hiện lên những nhân chứng rực rỡ mà đau thương (hay, tủi buồn trong vinh dự, thì cũng đúng):

Bám giặc giữ làng

để ngày hòa bình

xóm làng vang tiếng hát, cười

còn mình

thành người ít nói

nói lắp

nói cà lăm.

Đấy là mảnh đất và những con người trong cuộc chiến tranh vừa qua và của lịch sử hàng trăm năm cơ cực:

đói giơ xương

đói lòi con mắt

người chết rồi mắt còn trố lố

miệng còn ngậm cỏ thay cơm.

Ác liệt thế, đau thương đến vậy, mà sao vẫn để lại cái bóng êm lạ lùng:

ai ngờ

tắm sông Thu thời tuổi thơ

mà mát một đời người.

Có phải chính vì cái “sự mát” này (vốn là quà tặng của Trời dành cho tình yêu của anh đối với Đất) mà tác giả không chú ý đến những đặc điểm truyền thống của thể loại trường ca: sự hài hòa và liều lượng cân đối giữa tính tự sự và tính trữ tình. Trong chương 3, Một góc vùng B, chính nội dung của những gì anh muốn diễn tả đã quy định hình thức thể hiện: sự khốc liệt của chiến tranh đã đòi hỏi những con chữ bước đi theo nhịp điệu thơ tự do… Anh cứ buông cương, cứ cho phép trái tim mình hát lên những câu lục bát, chen vào giữa những đoạn thơ hợp thể, thơ tự do...

Ở các chương khác, cũng có nét tương tự: dường như quá trình viết tập trường ca này diễn ra theo một trình tự tâm lý trước khi là một trình tự thẩm mỹ. Có thể, chính điều này đã đem lại cho tập thơ những ánh lấp lánh có trong các chương sách mà sau đây là vài dẫn trưng về câu và chữ:

- đền xưa khói ngóng chiều đau

- nắng dờn dợn / bóng nắng rêu

- có phải sống trong làng nhiều rau trái / mặt ai cũng hiền

- Linga, Yoni phập phồng / Ápsara gửi nỗi niềm chi em...

Tình yêu, ở tuổi này rồi, nên điềm đạm hơn một tí. Và dẫu, như danh nho - học giả Lê Quý Đôn đã ghi trong Phủ biên tạp lục - dẫu Lê Anh Dũng đã viết về cái chất Quảng Nam: biết thiệt cho mình / mà vẫn nói, thì, đằng sau nét thô hào của những cư dân trên vùng đất “chưa mưa đà thấm” này, sâu xa vẫn là:

nhà nhỏ

vách chung

mở cửa

chào nhau cười.

Nụ cười ấy vẫn thầm lặng đằng sau mọi náo nhiệt. Như một chỗ dựa vô hình mà bền chặt. Như thơ. Như dòng sông Thu Bồn kia vẫn lặng lẽ chảy qua mọi niềm hưng phế, thịnh suy...

NGUYỄN ĐÔNG NHẬT
……………………………………
(*) Dòng sông di sản (trường ca), Lê Anh Dũng, Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân, 9-2009.

;
.
.
.
  • Định vị điểm đến
    Ẩm thực không chỉ là món ăn mà còn là câu chuyện của văn hóa và con người, nhằm từng bước nâng cao sản phẩm du lịch, thời gian qua thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá cũng như từng bước định vị các phân khúc ẩm thực cao cấp, ẩm thực vùng miền và đường phố.
    .
  • 'Hộ chiếu ẩm thực'
  • Dư vị của ký ức
.
.
  • Sơ học Yếu lược thời Pháp thuộc
    * Tham quan Phòng truyền thống Trường Tiểu học An Phước (huyện Hòa Vang), tôi thấy có tấm ảnh chụp một văn bằng có tên là "Bằng cấp Sơ học Yếu lược", cấp cho học sinh Lâm Quang Thạnh vào năm 1937. Tấm bằng này có ý nghĩa như thế nào trong hệ thống giáo dục thời đó? Học sinh Lâm Quang Thạnh về sau có đóng góp gì cho xã hội? (Trương Văn Tài, Hòa Vang, Đà Nẵng).
    .
  • Tháp Bánh Ít
  • Giếng "mắt rồng" trong nhà ba anh em Tây Sơn
.
.

Đọc nhiều

.
.