Ngược dòng thời gian, khi miêu tả về sự phồn thịnh của nền thương mại Hội An, trong các thư tịch cổ đều nói đến mối giao thương bằng hai con đường, đó là từ Cửa Đại (Hội An) và Cửa Hàn (Đà Nẵng). Riêng Hội An, trong sự phồn thịnh và suy yếu của nền thương mại tại cảng thị này, sông Cổ Cò (“Đại Nam nhất thống chí” chép là Lộ Cảnh Giang – ĐNCT) giữ một yếu tố rất quan trọng.
Một khúc sông Cổ Cò, đoạn đi qua Ngũ Hành Sơn. (Ảnh: T.C) |
Sự thịnh vượng của cảng thị Hội An được ghi lại trong các cuốn nhật ký hành trình của những người nước ngoài như Hòa thượng Thích Đại Sán (Trung Quốc), Giáo sĩ Cristophoro Borri (Ý), họa sĩ Pierre Poivre (Pháp), đại úy hải quân Le Floch de la Carrière (Pháp)…
Hòa thượng Đại Sán, trong Hải ngoại kỷ sự (Viện Đại học Huế phiên dịch, 1963, tr.145 -146), đã viết về cảnh tàu thuyền nước ngoài tấp nập trên sông: "Hội An là mã đầu lớn, nơi tập họp khách hàng các nước... Thẳng bờ sông, một con đường dài ba bốn dặm gọi là Đại Đường Nhai. Hai bên đường, hàng phố ở liền nhau khít rịt. (...) Cuối đường là cầu Nhật Bản tức Cẩm Phố, cách bờ biển bên kia là Trà Nhiêu, nơi thuyền ghé bến của các tàu ngoại quốc. (…) Xa xa trông cách bờ, cột buồm như rừng tên xúm xít, hỏi ra mới biết đoàn thuyền chở lương đậu chờ gió tại Hội An”.
Trong nước, học giả Lê Quý Đôn đã mô tả trong Phủ biên Tạp lục rằng hàng hóa của Hội An nhiều đến nỗi “Hàng trăm tàu to chở một lúc cũng không hết”. Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc Sử quán triều Nguyễn cũng đã viết: “Trên bờ hai bên phố ngói liên tiếp liền hai dặm, bến sông thuyền ghe tấp nập đi như mắc cửi, có nhiều khách buôn người Thanh trú ngụ…, có đình, chợ và hội quán, buôn bán tấp nập, làm nơi đô hội lớn xưa nay”.
Sự phồn thịnh của Hội An, qua các thư tịch, người ta nhận thấy có sự đóng góp đáng kể của sông Cổ Cò trong vai trò quan trọng là tuyến giao thông đường thủy thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa qua lại giữa hai hải cảng sầm uất trong gần 3 thế kỷ trước khi sông bị bồi lấp, dân gian còn nhắc: Đi Phố: Hội An, đi Hàn: Đà Nẵng.
Tuy nhiên, không hẳn sự bồi lấp của sông Cổ Cò là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự suy thoái của nền thương mại Hội An mà cần xét đến bối cảnh chính trị và chính sách của nhà nước lúc đó. Dẫu sao, con sông vẫn là chứng nhân cho sự thịnh suy của một nền thương mại.
Sự bồi lấp của sông Cổ Cò đã bắt đầu như thế nào? Câu trả lời đã ít nhiều hé lộ sau khi các nhà nghiên cứu tìm thấy một tấm bia đá trong đợt khảo sát những dấu vết của sông vào năm 2002. Bia cao 85cm (kể cả diềm bia), rộng 60cm, dày 20cm, được dựng tại xã Hòa Hải (xưa thuộc xã Hóa Khuê Đông), ngay trên bờ sông. Tấm bia đá ghi lại sự việc đắp đê ngăn sông Cổ Cò rất đáng quan tâm.
Bia đá được dựng ngày 6 tháng 6 năm Khải Định thứ bảy (1922). Bản lược dịch của tác giả Nguyễn Văn Thanh cho biết, từ khoảng 30 năm trước đó, việc nước biển tràn vào đã làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, mười phần chỉ thu không được ba phần. Vậy, thử hỏi sao không cải tạo để biến thành đất đai màu mỡ (để phát triển nông nghiệp). Việc nhà nông không thuận lợi thì lấy gì để sung vào ngân khố quốc gia và lo cho lương thực trong nhà. Các năm trước đó, nhân dân đã huy động tiền của để xây dựng con đê ngăn mặn ngay đầu con sông.
Tiếp đó, tấm bia ghi lại những người chủ trì và những người góp tiền của đắp con đê ngăn mặn này. (Hiện nay, có thể do người dân thấy tấm bia đá lớn, viết chữ Hán, lại dựng dưới gốc cây nên nghĩ về một tình huống linh thiêng nào đó nên đã lập bát nhang để thờ trong nhiều năm qua).
Như thế, phải đến hơn 1 thế kỷ sau khi nền thương mại Hội An gần như mất hẳn vai trò là thương cảng trung chuyển quốc tế thì “cửa” từ Đà Nẵng vào Hội An mới chính thức bị “đóng”, đơn thuần chỉ vì lý do phát triển nông nghiệp. Thiết nghĩ chúng ta cũng cần lưu tâm đến tấm bia nói trên khi nghiên cứu về vùng đất này, đặc biệt là phát triển du lịch vùng Ngũ Hành Sơn.
LÊ TIẾN CÔNG