.

Xin làm người chăm hoa

.

“Xin được mãi mãi làm ngọn hải đăng, rọi bước em đi đến những bến bờ. Xin được mãi mãi làm người chăm hoa, để những bông hoa thơm ngát giữa đời…”. Thầy Nguyễn Công Dũng, giáo viên dạy nhạc, Trường THCS Kim Đồng, TP. Đà Nẵng với cây đàn ghita đã viết nên những giai điệu ngọt ngào và đầy tình yêu thương như thế cho học trò mình. Thầy Dũng có giọng hát ấm, dứt khoát, đã từng đạt nhiều giải thưởng về sáng tác. Nhân ngày 20-11, ĐNCT đã có cuộc trao đổi nhỏ với thầy về “duyên nợ cầm ca” này.

* ĐNCT: Từng được mọi người biết đến như một ca sĩ chuyên nghiệp của Tỉnh Đoàn QN-ĐN (cũ), điều gì đã khiến thầy thay đổi sự nghiệp của mình?

Thầy giáo Nguyễn Công Dũng đang say sưa hát trong một chương trình ca nhạc từ thiện.

- Thầy Nguyễn Công Dũng (NCD): Cuộc đời người nghệ sĩ gặp không ít những khó khăn trên con đường sự nghiệp, nhất là khi muốn giữ được hình ảnh của mình trong lòng công chúng. Tôi cũng không ngoại lệ. Cứ tưởng mình sẽ theo nó suốt cuộc đời, nhưng rồi khi gặp khúc cua cần rẽ thì buộc mình phải rẽ. Từ ca hát rồi qua nghiệp nhà giáo, cứ như một cái duyên không nói trước được. Hai công việc này hoàn toàn khác nhau. Khi là ca sĩ, bạn có toàn quyền về thời gian của mình, còn khi là một nhà giáo, bạn phải sống vì học trò, bảo đảm những tiết dạy trên lớp và giữ cho được đạo đức của một người thầy.

Tốt nghiệp Trường Âm nhạc Huế vào năm 1980 rồi trở thành giáo viên dạy nhạc tại một trường cấp 2 ven bờ sông Hương. Thời ấy, sinh viên Huế biết đến tôi qua ca khúc “Nỗi nhớ hai dòng sông” với những lời ca khá mộc “… về con sông quê em, anh lại nhớ con sông Hàn quê anh. Về bên sông quê anh, bao nỗi nhớ sông Hương dịu dàng trôi…”.

Ca khúc trữ tình này đã đoạt Giải đặc biệt trong cuộc thi Tiếng hát ngành Giáo dục Thừa Thiên-Huế. Sau đó, khi chuyển về làm việc tại Trung tâm Văn hóa-Thông tin QN-ĐN (cũ), tôi đã có thời gian dài gắn bó trên sân khấu với cây đàn ghita. Thời gian này, tôi đã trải nghiệm mình trước khi quyết định gắn niềm đam mê âm nhạc với nghề giáo, một nghề cao quý được xã hội tôn vinh. Nghề giáo đã cuốn hút tôi qua những giờ giảng trên lớp. Từng thế hệ học trò đi qua đã để lại trong tôi những kỷ niệm khó quên.

* ĐNCT: Chính điều này đã tạo nguồn cảm xúc cho thầy viết bài “Xin làm người chăm hoa”?

- Thầy NCD: Là một thầy giáo và cũng là hội viên của Hội Nhạc sĩ Đà Nẵng, 2 tháng hè là khoảng thời gian tôi đi tìm hình ảnh đẹp trong cuộc sống để đưa vào tác phẩm của mình. Cũng thời gian này, tâm trạng nhớ trường, nhớ lớp cứ lởn vởn trong đầu mình.

Tôi có thời gian rỗi để nghĩ về nghề giáo. Với tôi, không mơ ước lớn lao như “Em đi trồng hoa cho đời trẻ mãi” hay “Em đi trồng người” mà chỉ “Xin làm người chăm hoa, để những bông hoa thơm ngát giữa đời”… Sự hồn nhiên, vô tư của học trò đã trao cho tôi nguồn cảm hứng cho ca khúc này. Đến bây giờ, niềm vui của tôi là nhiều học sinh của mình chọn ca khúc này để hát tặng thầy, cô giáo trong những giờ sinh hoạt lớp, liên hoan chia tay lớp.

* ĐNCT: Các em học sinh đã ảnh hưởng như thế nào đến công việc chuyên môn cũng như những sáng tác của thầy?

- Thầy NCD: Là một thầy giáo, điều tôi mong muốn nhất là các em được thừa hưởng một nền giáo dục tiên tiến, đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội. Cảm hứng sáng tác có được hay không còn do bản thân mỗi người nhìn nhận cuộc sống như thế nào.

Tôi là người có nhiều sở thích, khi còn là cầu thủ bóng đá, tôi ước rằng nếu chết tôi được chết trên sân cỏ. Khi còn là một nghệ sĩ, tôi ước rằng nếu chết tôi được chết trên sân khấu. Còn bây giờ, tôi xin được chết trên bục giảng. Nghề giáo, theo một nghĩa nào đó, đã mang lại cho tôi những góc nhìn nhẹ nhàng hơn với cuộc sống để viết lên những ca từ nhẹ nhàng mà sâu sắc.

* ĐNCT: Xin cảm ơn thầy. Chúc thầy 20-11 vui vẻ, hạnh phúc.

Huỳnh Lê

 

;
.
.
.
.
.