Tôi nghe dân tình kháo nhau, ca sĩ ngày nay là tầng lớp giàu có. Mỗi người là một sao. Lại có ca sĩ không bằng lòng với sao mà phải là mặt trời kia. Cát-xê một bài hát lên tới vài ba triệu, dăm bảy triệu. Lại nghe nói, không ít ca sĩ lên sân khấu chỉ hát đớp để còn sức chạy sô. Tôi bỗng nhớ đến chị Tường Vi hồi nào...
Chân dung ca sĩ Tường Vi thời trẻ.
Ngày ấy chúng tôi hành quân qua nhiều ngọn núi của Kon Tum. Chiều đến dừng chân bên bờ con suối chảy xiết đổ ra sông Se Xan. Vậy là mấy anh lính trẻ chúng tôi vất bỏ hết mọi mệt nhọc đường trường xuống dòng nước, khoan khoái lên bờ lo bữa tối với mấy lon bắp, mấy nắm rau tập tàng. Tối đó nằm mắc võng dưới lùm cây. Giấc ngủ đến lúc nào không hay. Chắc là khuya lắm rồi, tôi thoáng nghe tiếng một con chim rừng hót xa xa. “Hơ hơ…hơ hơ…”, thoạt đầu tiếng chim thưa, trầm thấp giọng, rồi nhanh dần, vút cao đến lảnh lói. Nhưng sau đó tiếng chim nhỏ dần, hòa vào vô vàn âm thanh rừng khuya. Một tiếng vu vơ ở chiếc võng nào đó. “Nhớ chị Tường Vi quá…”.
Nghe tiếng chim khuya tôi cũng bất chợt nhớ tiếng hát chị Tường Vi hồi nào. Đó là một đêm sau Tết, trời lây phây mưa. Càng về đêm, mưa xuân như càng đậm hơn. Chúng tôi vừa ở khu tập luyện Hòa Bình về nghỉ Tết mươi ngày trước khi vào chiến trường miền Nam. Được tin có đoàn văn công quân đội mới ở Vĩnh Linh đất lửa về, chúng tôi hội quân ngay trước bậc thềm Nhà hát thành phố. Mê nhất là tiếng hát Tường Vi. Mấy anh bạn tôi và vô số khán giả hụt buổi tối đó dùng đủ mẹo vặt để tán tỉnh anh bảo vệ, đôi khi còn lăm le tấn công anh ta nữa, nhưng “không vé thì… nghỉ khỏe”. Kẻ đứng, người ngồi, áp sát vào hai cánh cửa. Quân nhạc rộn ràng, mạnh mẽ đầy ắp hơi hướng chiến trường. Tuy nghe câu được câu mất, lại không thấy mặt mũi diễn viên, nhưng ai cũng tự an ủi, không có vé mà được vậy là “đã” lắm rồi. Chúng tôi như lặng đi khi nghe tiếng hát Tường Vi.
Chị hát đúng bài mà chúng tôi đang chờ đợi: Cô gái vót chông. Hay nhất là khi chị luyến láy diệu nghệ ...hơ hờ…hờ hờ lanh lảnh như tiếng chim rừng rồi bất thần vút cao lên. Điện đóm lúc tắt lúc bật, micrô thỉnh thoảng lại rẹt rẹt như xé vải, nhưng từng lời ca như rót vào trong lòng. Chừng hơn mười giờ đêm, chương trình biểu diễn kết thúc. Khán giả lục tục đẩy cửa ra về. Chúng tôi như vẫn còn tiếc rẻ, đứng ngẩn ngơ nhìn các diễn viên mà mình yêu mến. Tường Vi trong bộ quân phục trẻ trung, có lẽ là người ra muộn nhất. Chị không giấu được vẻ mệt mỏi hiện trên khuôn mặt, dù nụ cười vẫn hé nở trên môi người ca sĩ. Trước mắt chị là cả một đám đông công chúng đã đứng vây quanh. Những chiếc áo bông xanh che kín từng khuôn mặt trẻ. Chị hiểu, đó là những người không vé, đang khao khát được nghe chị hát. Tường Vi lấy lòng bàn tay xoa xoa vào hai má một chút xíu rồi cất tiếng hát: “Ai nhanh tay vót bằng tay em / Cô gái vót chông đầu búi tóc thon / Tay vót chông miệng hát không nghỉ...
Dường như ai cũng im lặng chờ đợi giây phút tiếng chim rừng cất tiếng hót. Và con chim đang cất tiếng hót trong trẻo, yêu đời hơ hơ… hơ hơ…
Hết Cô gái vót chông đến Người chèo đò trên sông Pô Cô, Quảng Bình quê ta ơi, Cô gái mở đường…, chị hát liền liền có dễ tới bảy tám bài, mà bài nào cũng như bài tủ của chị. Chị hát say sưa quên mệt, quên cả đêm đã khuya. Cuối cùng, chị đưa một ngón tay ra hiệu, “ngày mai Tường Vi còn phải đi Quảng Ninh sớm”. Chị mỉm cười. Chúng tôi cũng mỉm cười, lòng tràn ngập biết ơn, yêu mến người ca sĩ của công chúng. Ra về, lòng chúng tôi cảm thấy thỏa mãn, quên cả cơn mưa về khuya càng trở nên nặng hạt.
Trong những năm ở chiến trường, mỗi lần nhớ về Hà Nội tôi lại nghĩ tới cái đêm kỳ diệu đó. Ngày ấy là chiến tranh, ban ngày bom đạn dội xuống cầu Long Biên. Đâu đó nhứng đoàn xe cơ giới ầm ào chuyển động. Vậy mà tối đến, Hà Nội vẫn có những khoảnh khắc bình yên.
Cách đây không lâu, tôi đến thăm một người bạn ở Mai Dịch. Tình cờ đi qua khu tập thể “Nhà Binh”. Tiếng hát của rất nhiều em nhỏ trong một ngôi nhà vang ra. Bạn tôi cho hay, mẹ Tường Vi đang luyện hát cho mấy chú chim non. Các cháu muốn được như mẹ Tường Vi hồi nào. Tôi dừng lại trước cổng, lắng nghe. Đúng là vô số các cháu nhỏ, mặt mày rạng rỡ, tròn miệng. Còn Mẹ của các cháu thì chăm chú đưa dần bàn tay lên cao và tiếng chim từ rất nhiều cái miệng hồng tươi vang lên hơ hơ… hơ hơ… Vậy là con chim vẫn hót.
NHƯ NGUYỄN
.
.
1.000 năm Thăng Long-Hà Nội
Tiếng chim tường vi
Chủ Nhật, 14/03/2010, 08:08 [GMT+7]
.
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.