Nguyễn Dục (hay còn gọi là Nguyễn Văn Dục), tự Tử Minh, là một danh thần, một nhà giáo dục triều Nguyễn. Ông sinh vào năm 1806 tại làng Chiên Đàn, huyện Hà Đông, tỉnh Quảng Nam (nay là xã Tam An, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam). Ông được vua Tự Đức ca ngợi là “bậc mô phạm tốt đẹp hợp với vũ nghi, cố gắng mọi việc đều xong, không lười nhác”.
Mộ Phó bảng Nguyễn Dục. (ảnh: A.T) |
Năm 1847, ông bị bệnh xin về nghỉ dưỡng và mở lớp dạy học ở quê nhà. Trong 14 năm dạy học ở quê, ông đã đào tạo, dạy dỗ được nhiều người thành tài, đỗ đạt cao. Trần Văn Dư, một lãnh tụ của phong trào Nghĩa hội Quảng Nam chống Pháp cuối thế kỷ XIX, đậu Tiến sĩ kỳ thi Hội năm Ất Hợi (1875), vừa là học trò vừa là con rể quý của ông. Hiện nhà thờ Tiến sĩ Trần Văn Dư đặt cạnh nhà lưu niệm ông tại xã Tam An, huyện Phú Ninh. Con trai ông là Nguyễn Thích, đậu Tiến sĩ khoa thi Giáp Thân (1884), học tính cương nghị của cha, thà chết chứ nhất định không chịu đầu hàng giặc Pháp trong ngày thất thủ kinh đô Huế…
Mãi đến năm Tự Đức thứ mười bốn (1861), sau nhiều lần có chiếu chỉ bổ nhiệm, ông mới ra nhận chức Giáo thọ ở phủ Điện Bàn (Quảng Nam), rồi làm Đốc học ở Quảng Ngãi. Ba năm sau, ông được triệu về kinh đô Phú Xuân (Huế) giữ chức Viên ngoại, lĩnh Lang trung bộ Lại. Năm 1868, ông được thăng Thị độc Đại học sĩ, rồi Đốc học ở Quảng Nam.
Chẳng bao lâu sau, ông cáo bệnh về quê, nhưng lúc bấy giờ sinh viên ở Quốc tử giám phần nhiều vắng thiếu nên vua Tự Đức hỏi Tham tri bộ Lại là Phạm Phú Thứ (quê Điện Bàn, Quảng Nam) rằng: “Ở Quảng Nam có người nào phẩm hạnh đoan chính không?”. Phạm Phú Thứ thưa: “Có Dục” (tức Nguyễn Dục). Ngay sau đó Nguyễn Dục được vua cất nhắc lên chức Tế tửu (tương đương với Hiệu trưởng của Đại học Quốc gia ngày nay). Năm 1872, ông được phong Thị lang bộ Lễ sung Giáo đạo ở Dục Đức đường, dạy các hoàng tử. Ông vốn tác phong đạo mạo, tính tình nghiêm nghị nên các hoàng tử luôn kính sợ mỗi khi ông lên lớp dạy…
Năm 1876, do bị bệnh, ông xin từ quan. Vua chấp thuận và dụ rằng: “…Năm nay đã ngoại 70 cho thăng thự Lễ bộ hữu Tham tri, lại cho chi nửa bổng lộc ở làng, hễ chữa bệnh thấy lui, chóng vào cung chức, để toàn ân ngộ, sau trước và thỏa ý trẫm tôn trọng đạo thầy chăm chú người ngay”. Nhưng với tấm lòng trung quân và thanh bạch, ông liền dâng sớ nói: “Ghi đức thịnh ngôi thứ, nhân công bao hậu lộc, triều đình đã có thành pháp, mà bề tôi chỉ có đức vong, công lao sự nghiệp như Đông các Đại học sĩ Vũ Xuân Cẩn mới đáng được đặc cách gia ơn. Đến như thần vốn không có tài đức công trạng, nay vì ốm xin về, lại được chức Phó khanh, chi cho nửa bổng lộc, đâu dám tái lạm như thế”. Vua không bằng lòng, cho đặc cách bảo rằng: “Không phải là lạm”…
Suốt đời, chung thủy là một nhà giáo dục chân chính, dù ở bất cứ một cương vị nào ông đều làm tròn sứ mạng và giữ vững nhân cách của một nhà sư phạm. Trong chiếu khen thưởng ông, vua Tự Đức phê: “Nguyễn Dục vốn giữ Thị lang, sung làm Giáo đạo Dục Đức đường là hoằng tài trong hàng phụ phát, là rường cột vĩ đại, từng đi lên qua những chức trọng yếu trong nhiều quận, kết giao với những bạn bè tốt đẹp cả trong lúc gian nan ở chốn miếu đường, lắm phen được ca ngợi là bậc mô phạm tốt đẹp hợp với vũ nghi, cố gắng mọi việc đều xong, không lười nhác, chăm chăm giữ ý cung kính, xếp đặt vỗ về làm cho những điều đoan chính càng tốt đẹp, được gần gũi, kiêng nể, ôm lòng trung nghĩa dồn vào bổn phận hoàn thành kế hoạch điều hành. Nay đặc cách thăng thụ Trung phụng Đại phu, giữ chức Hữu Tham tri bộ Lễ, ban cho cáo mệnh…”.
Mùa đông năm 1877, ông mất tại quê nhà, hưởng thọ 71 tuổi. Quan quân địa phương tâu lên triều đình, vua Tự Đức chiếu lệ cấp tiền tử tuất và truy tặng chức Tham tri. Hiện nay phần mộ của ông nằm trên một khoảnh đất nhỏ với diện tích khoảng 60m2 tại thôn Thạch Hòa 1, xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, được trùng tu khá khang trang vào năm 1991. Ngôi mộ đã được UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng và cấp bằng Di tích Lịch sử - Văn hóa vào năm 2005.
AN TRƯỜNG