Từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, tiểu thuyết đầu tay Thế giới xô lệch (TGXL) của Bích Ngân xoay quanh những nhân vật đời thường và bất thường, song lột tả được những góc khuất sâu thẳm của thân phận .
TGXL chinh phục cả người đọc nghiêm túc lẫn phổ thông. Lẽ thường, bạn đọc chú ý đến tiểu thuyết đầu tiên của tác giả (từng thành danh với truyện ngắn) bằng tâm lý chung bao gồm cảm giác hồi hộp, hiếu kỳ, so sánh, xăm xoi... Lần này, TGXL đã tạo một hiệu ứng thật đặc biệt ở cảm xúc, khiến người đọc ám ảnh với thân phận của những con người. Bích Ngân thành công trong việc phá vỡ não thức chung này.
Điểm chung của TGXL nằm ở chỗ: Cách khai thác đề tài và nhất là sự thể hiện đề tài. Mô tuýp trong tiểu thuyết gần gũi, nhưng bút pháp và chất liệu đã khiến ta ngạc nhiên, suy nghĩ. Tranh giấy Đông Hồ chúng ta không lạ, nhưng vẽ đám cưới chuột bằng chất liệu sơn dầu, hẳn phải là nét phá cách rất riêng, trong TGXL, cũng vậy, Bích Ngân tìm được cách thể hiện riêng biệt.
TGXL được triển khai từ một truyện vừa; song, phiên bản tiểu thuyết không hề loãng, vốn thường thấy khi chuyển từ một truyện ngắn hay một truyện vừa sang tiểu thuyết. Ngược lại, TGXL như tấm ảnh chụp kỹ thuật số 12 mega-pix, khi phóng to, không hề bị lõa, nhòa; càng giúp người xem nhìn vấn đề ở một chiều kích mới, chi tiết hơn. Người yêu mến văn phong Bích Ngân qua truyện ngắn sẽ trân trọng những thông điệp tình người trong cuốn sách.
Với bố cục đầy kịch tính, phối cảnh chuẩn xác, ngôn ngữ điện ảnh trong TGXL xuất hiện rất rõ. Với kho từ vựng phong phú, cô đọng, khả năng phân tích tâm lý tế nhị sâu sắc, lối hành văn tự truyện sắc sảo, chân dung nhân vật được khắc họa rõ nét, gần gũi, chân thực, có cả mặt trái, mặt phải, xô quật, vấp ngã, tự trách, tự tôn, tự ti, đánh mất, phản tỉnh, tìm lại… Ở những điểm này, TGXL rất gần với Viên ngọc trai hay Của chuột và người (John Steinbeck) - Những chân dung nhân bản, vốn xen kẽ nhiều lớp vỏ tốt xấu của một củ hành; khi bóc ra, vừa hăng cay nơi mũi, vừa đỏ hoe nơi tròng mắt.
Ngoại trừ vài chi tiết có thể gọt giũa để tác phẩm được hoàn thiện hơn (điệp ngữ và điệp ý chưa tăng thêm hiệu ứng ấn tượng như mong muốn; bố cục đôi chỗ cần thêm dữ kiện để tạo sự cân đối, tránh cho người đọc như có cảm giác thiếu hụt...), TGXL là một thành công của tác giả, một tác phẩm văn học đáng đọc, đáng chia sẻ, xét cả về phong cách lẫn nội dung.
NG.TH.S
(*) Đọc tiểu thuyết “Thế giới xô lệch” của Bích Ngân, NXB Hội Nhà văn, tháng 12-2009.