.

Hai nghìn, hai trăm năm mươi bộ

.

Minh hoạ: Hoàng Đặng 

Đó là khoảng cách giữa nhà chúng tôi và nhà Khima.

Đến chín giờ thì Lim đã uống xong sữa (bằng cốc hẳn hoi!), ăn xong một ít bánh mì và một ít trứng, đã chơi xong với Tàu hỏa xình xịch (Dậy thôi! Dậy thôi, Tàu hỏa!), Xe ô-tô tím, và Xe buýt vàng, đã đánh răng, uống một ít nước, và nhai một viên vi-ta-min (hẳn phải là một viên màu tím, màu ưa thích của cu cậu).

Tôi thì đã chuẩn bị xong một cái túi - một bình sữa, một bình nước và một hộp cháo. Ngăn trên túi thì phải có bốn cái tã mới và một hộp khăn ướt. Ngăn bên túi thì một cái áo liền quần, một hộp xà phòng sát trùng khô, và một tuýp kem arniflora (1), để phòng khi.

Thế và tôi sẽ nói, “Chúng mình đi nhà cô Khima đi!”. Và Lim sẽ nói, “Chúng mình đi nhà cô Khima đi!”.

Chúng ta sẽ đeo tất, đi đôi giày Cody (của anh họ Cody cho), và đội mũ. Lim háo hức đến mức sẽ kiễng chân lên để vặn nắm đấm mở cửa.

Khi cửa mở, chúng tôi sẽ bước vào luồng gió Mậu Dịch, và Lim sẽ chạy ùa vào hành lang ngập tràn ánh nắng. Tôi có thể nhìn thấy bầu trời trong veo, những sườn đồi lộng gió của Đỉnh Saint Louis, Thung Lũng Palolo, và Thung Lũng Manoa. Tôi có thể nhìn thấy cái bóng nắng lưng tưng của Lim trên tường khi chúng tôi chạy và đi đến thang máy.

Lim thích chạy vòng tròn trước cửa thang máy trong khi chờ thang máy lên, và tôi sẽ giả vờ đuổi theo nó. Buổi sáng thật là vui tươi.

Trong thang máy, có khi chúng tôi gặp một số người đi làm, có khi có cả trẻ con, có khi có các bà, các cô son phấn sực nức đến ngột thở, có các ông mặc áo mới giặt tinh tươm, và có mấy con chó nhảy chồm lên chồm xuống. Lim thường thích nói “Bye-bye” với người và chó, nhưng nó hay xấu hổ không thích nói “Hello”, trừ phi đó là một bác gái vui tính với nụ cười trong mắt. Các cô, các chú trẻ tuổi thì sẽ chỉ nhận được một cái nhìn tò mò, e lệ.

Lim thích chạy vụt ra khỏi thang máy khi chúng tôi đến tầng một. Nhưng nó biết phải cầm tay mẹ, vì đấy là khu vực có ô-tô. Đôi khi gió thổi tung mũ, và chúng tôi phải chạy đuổi theo chúng. Nhưng hầu hết thì Lim chỉ ngước mặt lên nhìn mẹ và mỉm cười một cách hiểu biết khi gió thổi tóc cu cậu bay dạt như cỏ xanh trên một cánh đồng mùa hè.

Ra khỏi tòa nhà, chúng tôi rẽ trái. Vỉa hè sạch bong, với những bồn cỏ cắt xén chu đáo. Đôi khi sẽ có một cái Xe rác màu đỏ to đùng ồn ào xúc rác từ tòa nhà của chúng tôi đem đi, và Lim sẽ đứng xem một lúc. Không hiểu tại sao cái gì to cũng thường hấp dẫn.

Thế rồi chúng tôi sẽ đi, dắt tay nhau, nắng ban mai lướt qua một bên má.

Điều thú vị đầu tiên là một cái cây to mấy hôm nay bắt đầu rụng nhưng trái nhỏ bằng hạt lạc trên vỉa hè xi-măng. Khi ta giẫm chân lên, chúng kêu lốp bốp. Thế là chúng tôi sẽ dừng lại để xem. Rồi chúng tôi sẽ nhìn lên cây, và Lim sẽ chỉ trỏ cùng với một ngôn ngữ hào hùng mà tôi không hiểu được, giải thích rằng cái hột rơi “chúp- chúp” từ tít trên kia xuống dưới này (điều này tôi đã giải thích cho nó từ trước). Và cu cậu sẽ diễn thuyết như thế vài lần, mỗi lần đều tràn đầy háo hức. Có lẽ chính niềm kinh ngạc thuần túy này cộng với một đầu óc khoa học đã khiến Newton “khám phá” ra trọng lực. Vậy thì tôi sẽ cho rằng Lim đã là một nửa Newton.

Khi chúng tôi đã đi qua cái cây, sẽ có một bầy chim sẻ để đuổi theo, và một đám đá sỏi bên đường để giẫm lên nghe lạo xạo. Dạo trước, Lim còn thích ngồi sà xuống để nghịch sỏi, nhưng giờ thì nó đã biết bỏ qua để tiếp tục đi. Có lẽ cũng như thế mà hàng triệu triệu con người đã bỏ qua trọng lực, cho đến khi có Newton níu chúng ta lại.

Rồi chúng tôi sẽ đi đến điều thú vị thứ hai, vẫn trên cùng một đoạn đường. Và đấy là cái Cửa-tự-động. Lim mê cái cửa biết tự chuyển động một mình. Một lần chúng tôi đứng lại để xem vì thấy có một chiếc xe đang nổ máy bên trong, hy vọng là xe sẽ đi ra và cửa sẽ tự mở. Nhưng cái ông ngồi trong xe chỉ tắt máy (ông ấy đang đỗ xe), và thế là Lim biết là đã đến lúc tiếp tục đi.

Ngã tư đầu tiên là một ngã tư hiền lành, nhưng không có đèn giao thông. Lim thích đi trên bậc vỉa hè (giả vờ làm Tàu xình xịch!) cho đến tận ngã tư. Rồi chúng tôi sẽ nhìn sang trái, nhìn sang phải, rồi chúng tôi sẽ cùng nói, “Không có ô-tô, Đi mau mau! Đi mau mau!”.

Chúng tôi sẽ đi qua một đoạn phố ngắn nhưng nhiều rác (khi rác nhiều quá tôi sẽ bế Lim lên để đi qua, cu cậu không hề phản đối), nhưng gần đây thì đoạn đường này khá sạch. Rồi chúng tôi sẽ rẽ trái một lần nữa để đi vào một phố chính nhộn nhịp. Lim rất khoái khi thấy một chiếc xe buýt to hay một cái xe tải dài chạy qua.

Điểm dừng thú vị đầu tiên là ở ngay chỗ rẽ. Lim sẽ thấy một cái ghi-ta và một cái trống qua cửa kính của một quán bar nhạc sống, và nó sẽ đập đập tay trong không khí và nói, “Trống, trống, con đánh trống”.

Sau đó, có một cửa hàng xăm hình với những pho tượng gỗ kỳ quái bên trong, khiến Lim trầm trồ. Nhưng chủ yếu là cu cậu thích xem mấy cái xe máy đậu bên ngoài cửa hàng. Nó sẽ bảo, “Tư thế xe máy” (đấy là một tư thế Lim yêu thích trong băng video yoga của nó), và đứng thán phục những cái bánh xe.

Rồi chúng tôi đi qua một quãng đường bên cạnh một bãi đất bỏ hoang ngập cỏ dại, có vài bông hoa vàng bên bờ rào. Ở đấy, chúng tôi sẽ thấy mấy con bọ trên vỉa hè (“Gớm, gớm!”), một cái điện thoại vỡ, và mấy con kiến. Lim rất tò mò về cái điện thoại và băn khoăn tại sao nó không kêu “reng, reng”. Tôi nhớ một câu hát nhạc Jazz, “Tôi bơ vơ như chiếc điện thoại không một hồi chuông” (2).

Ở cuối bãi đất hoang có mấy cái cây xanh trên vỉa hè, và Lim thích chạy vòng quanh gốc cây. Đôi khi cu cậu chạy một lúc ba vòng quanh một gốc cây, vừa chạy vừa cười như nắc nẻ.

Đi hết dọc bãi đất hoang thì có một bậc thấp dài bằng đá. Lim thích leo lên và lại giả vờ làm Tàu hỏa xình xịch. Hết đoạn tường thấp, chúng tôi khám phá có một cái cây con tí mọc ra từ một kẽ nứt trên mặt tường đá, cách mặt đất chừng một mét. Lần đầu tiên chúng tôi thấy cái cây là sau một đợt mưa lớn, và kể từ đấy, chúng tôi đã quan sát cái cây mọc thêm lá, rồi ra hoa, những cái hoa bé tí tẹo teo với cánh trắng, đôi khi điểm phớt một chút màu hồng. Cả cái hoa cũng chỉ to bằng ba hạt vừng, và cả cái cây thì cao chừng bốn xăng-ti-mét. Nhưng lần nào chúng tôi cũng dừng lại, ngắm nhìn cái cây, và sờ nhẹ vào những cái lá be bé, pha màu đỏ tía của nó.

Một hôm, khi đến xem cái cây của mình, chúng tôi thấy nó đã bị ai phạt ngay giữa thân - cả lá cả hoa cả ngọn. Tất cả. Chỉ còn trơ lại một cái gốc với vài ba cái lá già cuối thân. Lim nói “Ôi thôi rồi!” đến mấy lần. Nó có vẻ rất lo lắng.

Kể từ đấy, chúng tôi vẫn dừng lại để xem cái cây. Mỗi lần như thế, trước khi leo lên bậc tường đá để làm Tàu xình xịch và đi xem cái cây, Lim đã bảo, “Ôi thôi rồi!” ngay từ ban đầu. Đấy là cách nó diễn đạt tiên đoán của nó về điều sắp thấy.

Thế rồi hôm ấy, Lim lại bảo “Ôi thôi rồi!”. Nhưng bằng cách nào đó, nhờ đợt mưa thứ hai, cái cây bây giờ đã có thêm lá mới, và cả hoa nữa! Thế đấy, từ một cái kẽ nứt trong đá. Tôi tự hỏi nó sẽ sống được bao lâu. Cái cây có vẻ sung mãn lắm, không hề biết rằng nó đang mọc trên một bức tường đá, cách xa mặt đất, và cái ngày mà nước và chất dinh dưỡng nuôi nó sẽ cạn kiệt là tất yếu. Nhưng phải chăng tất cả chúng ta đều cũng chỉ như cái cây kia.

Khi Lim nhảy xuống khỏi Tàu xình xịch thì nó sẽ lại phải cầm tay mẹ. Nhưng đôi khi nó không chịu, vì có một điều thú vị mới, đó là chạy vòng tròn trên đám sỏi gần vỉa hè, và leo lên một cái gờ thấp rồi nhảy xuống, và kêu “Binh!” khi nhảy.

Nhưng một khi chúng tôi đi qua lối xe ô-tô ra vào bãi đậu xe, chúng tôi sẽ lại có một điều vui thú mới. Trong dãy cửa hàng cũ kỹ ấy có một tiệm bánh mỳ hạ giá, và có lẽ người ta hay đổ bánh mỳ thừa ra sân cho chim, bởi vì ở đấy luôn có một bầy chim sẻ túm tụm dưới gốc của một bụi cây nhỏ. Thế là Lim sẽ chạy thật nhanh ào tời chỗ lũ chim, và cười như nắc nẻ khi chúng bay túa lên. Hình như bản năng con người là thích được điều khiển kẻ khác. Và Lim thì biết rõ cách điều khiển lũ chim.

Sau lũ chim, chúng tôi sẽ thấy mấy gờ vỉa hè cấm đậu xe sơn vàng tươi, mà thực chất chúng lại là những đoàn Tàu xình xịch. Lim sẽ leo lên, và tưởng tượng tàu đang Leo lên núi, trượt xuống đồi, và vòng qua khúc quanh. Nó cũng sẽ chỉ cho mẹ biết là một số đường tàu có hình Tam giác.

Sau mấy đoàn Tàu xình xịch, chúng tôi sẽ thấy một số đồ vật thú vị mà người ta vẫn gọi là đồ đạc bỏ đi. Nhưng một hôm, chúng tôi thấy một cái quạt máy hỏng, và hôm đó là một ngày đầy gió. Mà Lim thì khoái quạt lắm. Cu cậu ngẩn tò te đứng xem cái quạt tự quay, không hề rời bước. Thỉnh thoảng, gió lặng đi và tôi thầm mừng là cái trò xem quạt này sẽ kết thúc. Nhưng rồi gió lại nổi lên, và thế là chúng tôi lại đứng đấy thêm mấy phút, xem một cái quạt hỏng đùa với gió, hay ngược lại, gió đùa với cái quạt.

Khi chúng tôi đã đi qua một vài ngõ nhỏ, chúng tôi sẽ thấy mấy cửa hàng kỳ lạ, tự xưng là cửa hàng “đồ cổ”. Nhưng điều đó không phiền hà Lim. Nó thích chỉ trỏ cái xe tắc xi (mô hình), con mèo (bằng sứ), một ông mặc com-lê (hình nộm), quả cam to đùng (bằng nhựa), và quả bóng (cũng bằng nhựa) bên trong cửa kính.

Trước khi chúng tôi băng qua đường một lần nữa, chúng tôi sẽ lại đi trên một cái Tàu xình xịch. Đây là đoàn tàu dài nhất và đẹp nhất trong tất cả các đoàn tàu. Đó là một bậc tường đá thấp dưới bóng một cái cây to, cành lá sum suê. Lim sẽ leo lên, và kêu "xình xịch, xình xịch, tu tu!”. Cu cậu cũng nói, “Cẩn thận, ngã đấy” (bắt chước mẹ), và cầm tay mẹ suốt dọc chuyến tàu.

Khi chúng tôi nhảy xuống khỏi tàu (và kêu “Bích!”), chúng tôi sẽ phải đợi đèn để qua đường. Lim sẽ nhìn đèn hiện hình bàn tay nhấp nháy và nói, “Không được đi! Không được đi!”. Khi đèn hiện hình người đi bộ, chúng tôi cầm tay nhau, và chạy thật nhanh qua đường, vừa chạy vừa nói, “Đi mau mau! Đi mau mau!”.

Khi qua đến bên kia, Lim sẽ ngồi trên một bậc tường xi măng thấp, và kiên nhẫn đợi đèn giao thông tiếp theo. Chúng tôi lặp lại quy trình qua đường, và ngay khi chúng tôi vừa sang đến bên kia là Lim chạy phi về phía trước.

Nó biết tự rẽ phải để đi lên một cái dốc nhỏ, có một khúc vỉa hè gập ghềnh. Những miếng đá mấp mô làm đôi chân cu cậu buồn cười, và lần nào Lim cũng khúc kha khúc khích khi dẫm lên quãng đường ấy.

Chúng tôi lại băng qua đường một lần nữa. Đây là một đoạn đường dễ thương, có nhà và vườn hướng lên một cái dốc con con. Có một lần chúng tôi thấy một con bướm ngủ trên những chùm hoa giấy màu hồng và vàng cam. Thế là mỗi lần đi qua qua ngôi nhà đó, Lim lại bảo, “Con bươm bướm ngủ trên cái hoa”, kể cả khi không thấy con bướm nào. Không biết nó hiểu cái câu “Con bươm bướm ngủ trên cái hoa” là để chỉ con bươm bướm, hay cái hoa, hay việc con bươm bướm ngủ, hay là việc chúng tôi đã nhìn thấy con bươm bướm ngủ trên cái hoa.

Dạo này chúng tôi hay nhìn thấy mấy con Tắc Kè tắm nắng. Lim vừa tò mò vừa sợ mấy con Tắc Kè. Nó sẽ đứng yên để xem một lúc, rồi đột nhiên hô, “Chạy!” và chạy biến. Hình như nó muốn giải quyết nỗi tò mò trước, và nỗi sợ sau.

Chúng tôi tiếp tục đi lên dốc, khi thì đi xuôi, khi thì đi giật lùi. Chúng tôi có thể thấy thêm mấy con tắc kè nữa, và sẽ lại đi thêm một cái Tàu xình xịch - lần này là những viên gạch trước lối đi vào nhà ai đó.

Rồi chúng tôi sẽ dừng lại bên một cây hoa sứ để tìm một bông hoa mới rụng còn thơm ngát. Chúng tôi sẽ nhặt hoa, Lim sẽ cầm bông hoa trên tay, và chúng tôi sẽ băng qua đường một lần cuối cùng, để chạy ùa vào sân nhà Khima.

Ở cửa, Lim sẽ đưa bông hoa cho Khima (đôi khi cu cậu không đợi được và buông ngay bông hoa xuống bậc thềm). Nó sẽ nói “Bye!” với mẹ mà không nhìn lại, và chạy vào trong nhà để tham gia trò chơi với các bạn nhà trẻ của nó.

Tôi thường trở về nhà trên vỉa hè đối diện với bên đường mà chúng tôi đã cùng nhau đi. Trên đường về, tay và vai tôi nhẹ hơn, nhưng ánh nắng thì hình như đã gắt hơn một tí, mặt trời chói chang hơn, và không khí cũng khô hơn. Buổi sáng hình như bớt tươi mới đi một chút, bớt trẻ trung đi một chút, bớt tinh khiết đi một chút. Và trên đường về nhà, tôi thường nhìn sang bên kia đường qua dòng xe cộ, kiếm tìm hình ảnh của chính mình và Lim khi chúng tôi đi hai nghìn, hai trăm, và năm mươi bước chân từ nhà đến cái nơi ngoài đời đầu tiên của nó.

Có phải người Hy Lạp cổ đã nói rằng, người ta không ai tắm hai lần trong cùng một dòng sông?

Truyện ngắn của Nguyễn Thị Hạnh (*)

(*) Nguyễn Thị Hạnh, sinh năm 1972 tại thành phố Huế. Nguyên là sinh viên - Giảng viên Trường Đại học Ngoại ngữ Huế. Làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Mỹ. Hiện giảng dạy tại Trường Đại học Thái Bình Dương Hawaii (Hawaii Pacific University) - Mỹ.

(1) Kem dược thảo, bôi ngoài da khi va đập cho bớt sưng.

(2) I’m lost, like a phone without a ring. (Nat King Cole)

;
.
.
.
.
.