.

Sóng nước Đà giang - Kỳ 2: Những con sông rót nước qua Hàn

.

Sông Hàn là một hệ thống sông nước đan xen dày đặc và liên thông với nhau bởi nhiều dòng chảy; vì vậy, không riêng gì sông Hàn, sông Cẩm Lệ, sông Cầu Đỏ, sông Vĩnh Điện, còn có rất nhiều con sông khác ở Đà Nẵng rót nước qua cửa sông Hàn.

        >> Sóng nước Đà giang - Kỳ 1: Muôn dặm sông Hàn

Sông Yên

Sông Yên là một chi lưu của sông Cầu Đỏ, nằm về phía hữu ngạn, nhưng đồng thời cũng là phân lưu từ sông Vu Gia ở Quảng Nam. Tọa độ tại khu vực hạ lưu sông Yên là 15°59’42” vĩ độ bắc và 108°09’45” kinh độ đông.

Nguyên sông Vu Gia từ Kon Tum khi chảy đến Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam thì có phân lưu là sông Quảng Huế chia nước đổ vào sông Thu Bồn; còn sông Yên thì tách ra ở chỗ giáp ranh giữa xã Đại Hòa và Đại Nghĩa chảy lên phía bắc, qua các xã Đại Hiệp (huyện Đại Lộc), Điện Tiến và Điện Hồng (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), rồi chảy vào huyện Hòa Vang thuộc thành phố Đà Nẵng qua các xã Hòa Khương, Hòa Phong và hợp lưu với sông Túy Loan ở xã Hòa Tiến, tạo thành sông Cầu Đỏ.

Sông Yên còn có tên là sông Thạch Bồ, với nghĩa là loại cỏ dược liệu có hương thơm, đồng thời cũng là tên làng Thạch Bồ ở ven sông (nay là thôn Thạch Bồ thuộc xã Hòa Tiến và thôn Thạch Bồ ở xã Hòa Phong). Dòng sông trước đây sâu khoảng 3-4 mét và rộng chừng trăm mét, nhưng nay có nhiều đoạn đã rộng gần 200 mét và sâu hơn trước rất nhiều.

Trên sông Yên, giữa địa phận hai xã Hòa Khương và Hòa Tiến có đập thủy lợi An Trạch được xây dựng từ thời Pháp thuộc, thường gọi là Ba-ra An Trạch.

Không chỉ có phong cảnh hết sức hữu tình, mà hằng năm sau Tết Âm lịch, cá từ các vùng nước lợ ngược dòng sông Yên đẻ trứng, đặc biệt là cá mòi, rồi cá từ thượng nguồn về sinh sản, tạo thành nguồn lợi đặc sản của con sông. Đó là món quà thiên nhiên ban tặng cho cư dân quanh vùng thêm nguồn sinh kế, là thú vui cho tao nhân mặc khách thưởng thức vào mùa du lịch.

Sông Túy Loan

Một đoạn sông Túy Loan mùa lễ hội Nguồn: phunuonline.com.vn)

Túy Loan cũng là một chi lưu của sông Cầu Đỏ, nằm về phía tả ngạn, tọa độ tại khu vực hạ lưu sông Túy Loan là 15°59’42” vĩ độ bắc và 108°09’45” kinh độ đông.

Sông Túy Loan bắt nguồn từ sườn phía đông núi Bà Nà, hoàn toàn nằm trong địa phận huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, dài chừng 30km, diện tích lưu vực 160km2, chiều dài lưu vực là 25km, chiều rộng bình quân lưu vực 10,3km, lưu lượng nước trung bình năm của sông là 6,47m3/s, chảy theo hướng tây-đông, đến xã Hòa Tiến thì hợp lưu với sông Yên tạo thành sông Cầu Đỏ.

Thời Pháp thuộc, đoạn sông Túy Loan uốn quanh từ ngã ba đường 14B và đường 604 xuống hạ lưu phía dưới cầu Giăng có lạch Vũng Gạch nối tắt sông, nay con lạch đã bị lấp bằng.

Thượng nguồn sông Túy Loan có rất nhiều loài cá sinh sống, đặc biệt là cá khứu, cá sứt môi, cá bám đá. Con sông này còn có các chi lưu ở phía hữu ngạn là sông Lỗ Đông (xã Hòa Phú), phía tả ngạn là sông Lỗ Trào (xã Hòa Ninh) và sông Hội Phước (các xã Hòa Phú và Hòa Nhơn).

Sông Lỗ Đông

Lỗ Đông là một chi lưu của sông Túy Loan, nằm ở địa bàn xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, diện tích lưu vực 68km2. Trên sông có hồ chứa nước Lỗ Đông với lòng hồ là thung lũng sông dài 4km, qua các thôn Phú Túc, Hòa Hải, Đông Lâm, rộng trung bình 150m.

Đầu nguồn sông Lỗ Đông có rất nhiều các loài cá khứu, cá sứt môi, cá bám đá sinh sống. Sông Lỗ Đông có một chi lưu nhỏ là sông Đồng Nghệ.

Sông Lỗ Trào

Lỗ Trào cũng là một chi lưu nhỏ của sông Túy Loan, có diện tích lưu vực 16km2, trên sông có hồ chứa nước Lỗ Trào, lòng hồ qua các thôn Trung Nghĩa, Hòa Trung thuộc xã Hòa Ninh, rộng chừng 2km2.

Sông Quá Giáng

Quá Giáng cũng là một phân lưu của sông Vu Gia như sông Yên, nhưng tách ra ở vùng hạ lưu, chảy theo hướng tây-đông bắc, ra địa phận Đà Nẵng rồi hội lưu với sông Vĩnh Điện ở xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, giáp với phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn.

Sông Quá Giáng là nguồn tiếp nước quan trọng cho sông Vĩnh Điện và sông Hàn, nhưng đang ngày càng lâm vào tình trạng sạt lở thường xuyên, sông mở rộng ra và ăn sâu vào khu dân cư ở ven bờ, ở mức báo động.

Sông Cổ Cò

Một đoạn sông Cổ Cò ở Ngũ Hành Sơn (Ảnh KLS 8-2009) 

Cổ Cò là con sông nổi tiếng từ xưa, nối sông Cẩm Lệ thông vào cửa Đại ở Hội An, dài chừng 27km. Trên đất Đà Nẵng ngày nay, sông Cổ Cò chạy dài từ Đập Quan qua các vùng Sơn Thủy, Đông Hải, Tân Trà, An Nông thuộc hai phường Hòa Hải, Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, dài khoảng 13km, rộng chừng 200m và độ sâu trung bình gần 3m.

Trong các thế kỷ XVII, XVIII, khi Đà Nẵng chỉ mới giữ vai trò tiền cảng, đây là đường thủy thông thương huyết mạch giữa Đà Nẵng với Hội An, tàu thuyền nước ngoài thường xuyên ra vào Hội An mua bán theo đường sông này. Từ thế kỷ XIX, sông bị bồi lấp dần, đến nay chỉ còn từng đoạn.

Sông Cổ Cò có tên chữ là Lộ Cảnh Giang, còn tên nôm là Cổ Cò, vì hình dáng con sông uốn lượn giống cổ con cò. Đoạn sông Cổ Cò chảy qua giữa phường Hòa Hải về phía tây nam được dân địa phương gọi là sông Bãi Dài; đoạn sông nằm ở đầu phường Hòa Hải về phía tây bắc được ví là bụng cò, dân gian gọi là sông Ba Chà.

Con sông này rất quan trọng đối với môi trường sinh thái của quận Ngũ Hành Sơn, đồng thời cũng phục vụ đắc lực cho việc phát triển kinh tế nông nghiệp, du lịch trên địa bàn. Hiện nay, mỗi khi mùa Lễ hội Quán Thế Âm ở Ngũ Hành Sơn vào 19 tháng Hai Âm lịch hằng năm diễn ra, trên sông Cổ Cò thường có hội hoa đăng, hội múa rồng, múa lân.

NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN

;
.
.
.
.
.