.

CỬA SỔ TRI THỨC

.

* “Dĩ bất biến ứng vạn biến” nghĩa là gì? Triết lý này có giá trị thế nào đối với nền triết học phương Đông? (Nguyễn Văn Hưng, Hải Châu, Đà Nẵng).

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Cụ Huỳnh Thúc Kháng (mang kính, hàng trước). (Ảnh tư liệu). 

- “Dĩ bất biến ứng vạn biến” là câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 31-5-1946, trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Paris làm thượng khách của Chính phủ Pháp, Cụ Bộ trưởng Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng đến hỏi Chủ tịch nếu ở nhà xảy ra những chuyện phức tạp thì nên xử sự như thế nào. Chủ tịch trả lời: Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ cậy ở Cụ cùng anh em giải quyết cho. Mong Cụ “Dĩ bất biến ứng vạn biến”.

Trong bài viết Từ triết lý “Dĩ bất biến ứng vạn biến” đến triết lý hành động Hồ Chí Minh đăng trên Tạp chí Cộng sản số 23 (191) năm 2009, GS.TS Nguyễn Hùng Hậu, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh giải thích vấn đề này như sau:

“Thực ra câu “Dĩ bất biến ứng vạn biến” chỉ là một vế trong đôi câu đối hoàn chỉnh mà vế thứ hai là “Dĩ chúng tâm vi kỷ tâm” (Lấy tâm chúng sinh làm tâm của mình) trong nền văn hóa, triết học phương Đông.

Như chúng ta đã biết, mối quan hệ giữa bất biến và vạn biến, giữa cái không thay đổi và cái thay đổi, giữa bản thể và hiện tượng, giữa cái nhất (cái một) và cái đa (cái nhiều),... là vấn đề trung tâm của triết học xuyên suốt từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây. Dĩ bất biến ứng vạn biến tức là lấy cái bất biến (không thay đổi) mà ứng phó với cái vạn biến (cái luôn thay đổi). Ý nghĩa triết lý trên là ở chỗ dù mọi sự vật hiện tượng thiên sai vạn biệt, phong phú, đa dạng, thay đổi khôn lường nhưng đều xoay quanh trục của nó, đó là bản thể, cái mà Trang Tử gọi là “Chốt của đạo”.

Trong mối quan hệ giữa bản thể và hiện tượng thì bản thể là bất biến, không sinh không diệt; còn các hiện tượng biến chuyển không ngừng nay còn mai mất. Trong mỗi nền triết học, cái bất biến - bản thể không thêm không bớt này được gọi bằng những cái tên khác nhau, chẳng hạn như “Brahman” trong triết học Ấn Độ, “Đạo” trong học thuyết Lão Trang, “Thái cực” trong Kinh dịch, “vật chất” trong chủ nghĩa duy vật, “tâm” trong chủ nghĩa duy tâm...

Trong chủ nghĩa duy vật biện chứng, bản thể là vật chất, nhưng nó luôn vận động biến đổi, luôn chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác; nó vĩnh viễn, vô cùng, vô tận; nó bất biến so với hiện tượng luôn luôn thay đổi. Mọi sự vật hiện tượng đều là những dạng cụ thể của vật chất, có kết cấu hoặc nguồn gốc vật chất, do vật chất sinh ra. Trong thế giới không có gì khác ngoài những quá trình vật chất đang vận động, chuyển hóa lẫn nhau, là nguồn gốc, nguyên nhân, kết quả của nhau.

Tóm lại, ở Hồ Chí Minh, từ triết lý “Dĩ bất biến ứng vạn biến” dẫn đến triết lý hành động, triết lý sống “Dĩ chúng tâm vi kỷ tâm”; hai cái đó quyện chặt vào nhau, gắn liền mật thiết, chặt chẽ với nhau, không tách rời nhau; triết lý hướng đến hành động, hành động nói lên triết lý, trong triết lý đã bao hàm xu thế hành động, trong hành động có triết lý, triết lý và hành động gắn chặt với nhau tạo nên triết lý hành động Hồ Chí Minh mà không phải vĩ nhân nào cũng có được”.

Nói thêm, trong võ học, có một triết lý gọi là “Dĩ nhất biến ứng vạn biến” (lấy một cái biến đổi mà ứng phó với hàng vạn cái biến đổi), đó là khi võ sư đánh không cần phải chuẩn bị trước đòn thế gì, bất kể đối thủ ra đòn như thế nào thì đều có thể tìm ra chỗ sơ hở để ứng phó lại. Điều này được ví như dòng nước len lỏi để chảy qua một bãi đá, không cần biết bãi đá sắp xếp và hình dạng như thế nào, nước đều có thể tìm thấy kẽ hở để chảy qua.

ĐNCT

;
.
.
.
.
.