.

Sắc màu tuổi thơ

.

“Cáp treo Bà Nà” của em Nguyễn Ngọc Thanh Huyền. 

Gần 10 năm qua, tranh thiếu nhi Đà Nẵng luôn có mặt và đoạt nhiều giải thưởng các cấp thành phố, toàn quốc và quốc tế. Mỗi họa sĩ nhỏ tuổi, luôn thể hiện mỗi góc nhìn riêng biệt, phong phú mà vẫn đầy ắp hơi thở của nhịp sống trước biết bao thay đổi từng ngày, từng giờ của một thành phố trẻ trung, năng động.

Về giải thưởng toàn quốc, từ năm 2002 đến nay có 28 em đoạt giải. Tại thành phố, từ 2003 đến nay, hằng năm từ nhiều cuộc thi và các triển lãm qua các đề tài “Em vẽ thành phố quê em”, “Em lớn lên cùng thành phố anh hùng”, “Em vui học an toàn giao thông”... đã thu hút đông đảo các em tham gia và đoạt nhiều giải thưởng cao. Về giải thưởng quốc tế, từ năm 2003 đến 2007, có 13 em đoạt giải, trong đó, có 1 Bằng khen Châu Á-Thái Bình Dương (2002); 1 Huy chương Vàng tại Ba Lan (2003); 6 giải thưởng tại Đài Loan (2007) và 4 giải thưởng tại Nhật Bản (2007).

"Chân dung bà Rice" của em Nguyễn Thị Ngọc Anh, đoạt giải đặc biệt Cuộc thi “Em vẽ về con người và đất nước Hoa Kỳ”. 

Nhìn chung, trong thời gian qua, tranh thiếu nhi Đà Nẵng đã đem lại nhiều thành công, tạo nên những dấu ấn đặc trưng rõ rệt của một thành phố vốn được xem là cửa ngõ của các di sản văn hóa thế giới và là trung tâm vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Thế nhưng, nếu tiếp cận sâu hơn tác phẩm của các em, chúng ta sẽ nhận ra, với các đề tài gắn bó với thành phố quê hương, các em không chỉ đơn thuần phác nên những bức họa trời xanh, mây trắng, phố xá, công viên..., mà còn biết nêu lên những nghĩ suy, trăn trở của mình trước những vấn đề xã hội đáng quan tâm. Những bức tranh “Miền núi Hòa Bắc” (Phan Anh Hoàng Thắng, Trường tiểu học Tương Lai), “Thành phố quê em sau cơn bão số 6” (Phạm Phương Cát Minh, Trường tiểu học bán công Năng khiếu Đà Nẵng), “Ước mơ của những người dân chài Đà Nẵng” (Lê Hồng Vân, lớp 5/2 Trường Hermann Gmeiner), “Cây ơi! Bạn với mình hãy vì mái trường xanh” (Tập thể Khối lớp 2 – 3 Trường tiểu học Đinh Bộ Lĩnh) và các tranh vẽ về đề tài Hoàng Sa, Trường Sa đã đánh thức người xem những xúc động, tưởng dễ bị bỏ quên trong biết bao bận rộn thường ngày.

Nhiều em còn mạnh dạn bước vào những chủ đề mới lạ, ngộ nghĩnh, giàu sức tưởng tượng. Có thể nhắc đến một số bức tranh tiêu biểu như: “Chân dung bà Rice” (Nguyễn Thị Ngọc Anh, Trường tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ), “Thám hiểm đại dương” (Nguyễn Quỳnh Nhi, Trường tiểu học Phan Thanh), “Gia đình trên không” (Lương Lê Thăng, Làng Hy Vọng)...

“Giờ ra chơi trường em” của em Trần Nguyễn Thục Đoan, lớp 4 Trường tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ.  

Thế giới sắc màu của hội họa thực sự đã trở thành một ngôi nhà chung, mở rộng cánh cửa, đưa các em đến gần nhau thật bình đẳng, không phân biệt độ tuổi, không phân biệt giàu nghèo. Chính vì vậy, nhìn lại các Giải thưởng tranh thiếu nhi Đà Nẵng chặng đường 10 năm qua, chúng ta nhận ra: số lượng các tác giả giành được giải thưởng cao, không chỉ dành cho các em xuất thân từ các trường chuyên, trường năng khiếu, mà còn có các em ở những trường khuyết tật, làng SOS... chiếm được vị trí xứng đáng. Chẳng hạn các em Nguyễn Mạnh Cương (Trường Khuyết tật Tương Lai), giải thưởng Nhật Bản 2007; Phan Anh Toàn Thắng (lớp 4 Trường Tương Lai), Phan Ngọc Khánh (Trường mẫu giáo SOS), Lê Vũ Sinh (Trường SOS Đà Nẵng, quận Ngũ Hành Sơn) đều đoạt giải nhất thành phố 2007; Nguyễn Thị Thanh Thúy (Làng Hy Vọng), giải ba thành phố 2007...

Cùng với thời gian, những họa sĩ tí hon nay mai sẽ trưởng thành, trở nên những người lo toan gánh vác những trách nhiệm bộn bề của gia đình, xã hội. Có thể trong số các em, sẽ có người trở thành họa sĩ tài năng, góp phần làm rạng danh thành phố quê hương. Cũng có thể nhiều em sẽ chọn lựa những ngành nghề hấp dẫn khác, hoặc phù hợp với mình hơn. Nhưng chắc chắn, một lần nào đó, có dịp nhìn lại những bức tranh hồn nhiên, tươi sáng, vụng dại hôm nay, các em sẽ thấy tự hào và hạnh phúc biết bao. Bởi, đó là những bông hoa vĩnh cửu, ngát hương đã lặng lẽ đồng hành cùng các em, suốt chặng đường hướng về một tương lai tốt đẹp.

PHƯƠNG MAI

;
.
.
.
.
.