.

Vẫn còn mãi “mùa xuân trong mùa hạ”

.

Mấy lần ra Hà Nội, tôi vẫn hằng mong, có dịp tìm thăm nhà thơ Xuân Tâm - một tác giả người Quảng Nam rất nổi tiếng với bài thơ về tuổi học trò “Nghỉ hè” (trong tập Lời tim non), và là người duy nhất có tên trong Thi nhân Việt Nam hiện còn sống. Thế nhưng, hầu như, ngoài dăm ba bài báo trên mạng, thì những thông tin về ông thật vô cùng ít ỏi.

Xuân Tâm - nhà thơ cuối cùng của Thi nhân Việt Nam, 95 tuổi vẫn rất minh mẫn tiếp chuyện nhà thơ Tân Linh. 

Cùng chia sẻ với tôi trong việc này, nhà thơ Tân Linh đang sinh sống tại Hà Nội, phải vất vả lùng sục dăm ba lần mới tìm được địa chỉ gia đình ông. Bởi vì, ngay tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam không một ai trong cơ quan biết rõ về ông. Họ khẳng định, danh sách hội viên không có tên Xuân Tâm. Mặc dù, tại Đại hội sáng lập Hội Nhà văn năm 1957, ông tham gia với tư cách là một nhà thơ, tức hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam.

Trong căn nhà cấp bốn cũ kỹ ở ngõ nhỏ số 234 Thụy Khê, nhà thơ Xuân Tâm đã bước vào tuổi 95, song còn khá minh mẫn. Ông cho biết, mỗi ngày ông vẫn đọc và viết đều đặn.

Hỏi chuyện vì sao ông không làm đơn vào Hội Nhà văn, thì ông nói rằng, mình là người tham gia sáng lập thì nghiễm nhiên là hội viên rồi, còn làm đơn chi nữa. Tuy nhiên, quả thật, suốt một thời gian dài, bận rộn với cuộc đời công chức (nguyên ông là cán bộ ở Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, nay là Bộ KH&ĐT), ông cũng chẳng mấy quan tâm đến việc viết lách. Đến chừng về hưu, từ hơn ba mươi năm nay, ông mới trở lại với văn chương, dù rất lặng lẽ, viết một mình, viết để mà viết.

Ông khởi đầu làm thơ gửi đăng báo từ khi còn học ở Trường Quốc học Huế. Đến năm 1941, sau khi về làm ở Sở Kho bạc Tourane (Đà Nẵng), ông đã gửi tập bản thảo “Lời tim non” gồm 35 bài thơ qua bưu điện tới một nhà xuất bản ở Hà Nội. Được nhà xuất bản đồng ý in, ông bỏ tiền túi mua 500 cuốn, với 250 đồng bạc Đông Dương, đem gửi bán ở Đà Nẵng, Hội An, còn một ít chủ yếu tặng bạn bè. Qua tập thơ này, ông được Hoài Thanh và Hoài Chân chọn 2 bài “Nghỉ hè” và “Xa lạ” đưa vào giới thiệu trong “Thi nhân Việt Nam” cùng với hơn 40 nhà thơ của phong trào Thơ mới. Nhiều người biết đến thơ ông từ đó.

NGHỈ HÈ

Xuân Tâm

Sung sướng quá, giờ cuối cùng đã đến
Đoàn trai non hớn hở rủ nhau về
Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê
Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ.

Một nét mặt trăm tiếng cười rộn rã
Lời trên môi chen chúc nối nghìn câu
Chờ đêm nay, sáng sớm bước lên tàu
Ăn chẳng được, lòng nôn nao khó ngủ.

Trong khoảnh khắc sách bài là giấy cũ
Nhớ làm chi – Thầy mẹ đợi, em trông
Trên đường làng huyết phượng nở thành bông
Và vườn rộng nhiều trái cây ngon ngọt.

Kiểm soát kỹ có khi còn thiếu sót
Rương chật rồi khó nhốt cả niềm vui
Tay bắt tay hôn không chút bùi ngùi
Các bạn hỡi, trời mai đầy ánh sáng.

(1941) 

Cuốn Lời tim non là một trong số vài cuốn sách ông lưu giữ cẩn thận. Sách in trên giấy dó, nét chữ sắc đậm trông như vừa mới ấn hành. Tập thơ đầu tay cũng phần lớn viết về mối tình đầu tiên của ông - thời hoa niên ở Huế. Hình ảnh cô nữ sinh Đồng Khánh thướt tha trong tà áo dài tím mỗi lần đạp xe hay ôm cặp vở đi bộ qua cầu Trường Tiền trở thành dấu ấn sâu đậm trong Lời tim non. Chàng thi sĩ trẻ đã dành mấy bài thơ hay nhất tặng nàng, ghi hẳn bên dưới đầu đề dòng chữ: Tặng em Tâm. Và cũng chính nàng thơ ấy đã đồng hành chia sẻ ngọt bùi cùng cuộc đời ông đến tận hôm nay. Đó là cô giáo Phạm Thị Mua, từng làm Hiệu trưởng trường Bưởi (nay là trường Chu Văn An, Hà Nội).

Những ngày mùa hạ gần kề. Gần tròn 70 năm qua những dòng thơ “Nghỉ hè” của Xuân Tâm vẫn trong sáng, tươi trẻ, xao xuyến đến lạ lùng: “Chín mươi ngày nhảy nhót ở đồng quê/Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ”

Trong tập sách “Bảo An Đất và người” (NXB Đà Nẵng 1999), nhà thơ Xuân Tâm được dành một số trang viết khá trân trọng, như một trong những tác giả thơ văn điển hình của làng Bảo An - vùng đất học Quảng Nam, bên cạnh Phan Khôi, Lương Khắc Ninh, Lương Văn Nhã, Phan Thao, Nguyễn Đình... Sách nêu rõ: “Trong những năm 30, cả miền Trung chỉ có 3 trường trung học là Huế, Vinh và Quy Nhơn. Ở Bảo An lúc bấy giờ, rất ít nhà đủ khả năng cho con đi học trung học tại các trường ấy, vì xa xôi và tốn kém”. Chính vì vậy, thân phụ của Xuân Tâm là nhà giáo Phan Diêu, đã quyết tâm bán nhà và đất đai ở quê, đưa vợ con ra Huế, làm nhà tranh ba gian gần trường Quốc Học, nấu cơm tháng cho học trò trọ và thuận tiện cho con cái học hành. Tại một đoạn khác: “Mặc dù không sống ở làng quê Bảo An, thời còn trẻ, Xuân Tâm thường về thăm nơi chôn nhau cắt rốn của mình, quan sát cuộc sống lam lũ của nhà nông, trong đó có chú bác anh em của tác giả. Và những cảnh đời thường đó, đã gợi lại cho tác giả bao nhiêu xúc cảm chân thật trong thơ ông...”.

Trước khi hoàn thành bài viết, tôi gọi điện nhà thơ Tân Linh, hỏi thăm tình hình sức khỏe “nhà thơ cuối cùng của thi nhân Việt Nam” ra sao. Tân Linh nói rõ: Cụ hơi yếu so với trước kia, nhưng vẫn còn rất minh mẫn, hằng ngày theo dõi báo chí đều đều. Và điều mà cụ nóng lòng chờ đợi nhất bây giờ là tin tức của mùa Bóng đá Quốc tế ...

Nhà thơ Xuân Tâm, tên thật là Phan Hạp, sinh ngày 1-1-1916 tại làng Bảo An, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay là xã Điện Quang, huyện Điện Bàn). Trong phong trào Thơ mới, Xuân Tâm xuất hiện với những lời thơ thật trẻ trung, đặc biệt là bài Nghỉ hè. Bài thơ được “Thi nhân Việt Nam” in lại và cũng là bài ông đã đoạt giải nhất trong cuộc thi thơ của báo “Bạn Đường”, hè năm 1941. Những câu thơ của ông trong Nghỉ hè đã trở nên quen thuộc với bao thế hệ học sinh yêu đời và yêu thơ khắp trong Nam, ngoài Bắc.

Năm 1990, Xuân Tâm cho ra đời tiếp tập thơ “Dòng thời gian”(NXB Văn học). Ông có tên trong các tuyển tập: Thi nhân tiền chiến của Nguyễn Tấn Long (ở Sài Gòn 1968), Văn học Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám (NXB Văn học, 1992), Thơ miền Trung thế kỷ 20 (NXB Đà Nẵng, 1995)... 

TRẦN TRUNG SÁNG

;
.
.
.
.
.