.

Ăn theo mùa nóng

.

Nắng nóng, nhiệt độ tăng cao cũng đồng nghĩa với việc nhu cầu sử dụng điện, các thiết bị phục vụ cho việc làm mát tăng theo. Và những khi ngành điện lực cắt điện ở một số khu vực, một dịch vụ “ăn theo” chuyện cúp điện khác là các cơ sở sản xuất mì, bún tăng gần gấp đôi lượng hàng bán ra so với ngày thường.

Cúp điện để tiết kiệm điện

Sản xuất mì lá ở tiệm bún-mì Thanh Nữ. 

Giữa trung tuần tháng 5, Chủ tịch UBND thành phố đã chỉ thị yêu cầu giảm 50% lượng đèn chiếu sáng công cộng tại các đường phố, đường nội bộ, kiệt hẻm trong các khu dân cư, quảng trường, công viên; tắt 100% đèn chiếu sáng trang trí tại các nút giao thông, điểm nhấn trên các tuyến đường; yêu cầu hạn chế tối đa việc sử dụng các thiết bị tiêu hao nhiều năng lượng điện trong giờ cao điểm... nhằm tiết kiệm điện, đối phó với sự thiếu hụt nguồn điện trong mùa khô năm nay.

Ông Lê Ngọc Chính, Trưởng phòng Tổ chức Công ty TNHH một thành viên Điện lực Đà Nẵng cho biết, hiện nay nhu cầu tiêu thụ điện ở Đà Nẵng đã tăng 20-25% so với cùng kỳ năm 2009. Có ngày lượng điện tiêu thụ lên đến 4,6 triệu kW, trong khi sản lượng được Tập đoàn Điện lực Việt Nam phân bố chỉ có 3,9 triệu kW/ngày. Việc thiếu lượng điện thường xuyên khoảng 700kW/ngày, theo ông Chính là một thực trạng không thể kéo dài, buộc ngành điện lực phải thực hiện cắt điện luân phiên. Ngoài ra, công ty còn yêu cầu các nhà máy lớn, tiêu thụ nhiều điện năng bố trí lại giờ sản xuất, phân bổ lại phụ tải cho phù hợp, tránh sản xuất trong giờ cao điểm; hệ thống đèn đường thực hiện “không bật quá sớm, không tắt quá trễ”, nhằm tiết kiệm tối đa việc tiêu thụ điện năng trên toàn thành phố.

Và cũng tùy theo tình hình phụ tải, Công ty Điện lực sẽ lên kế hoạch cắt điện luân phiên ở các địa bàn, khu dân cư (lịch cắt điện được thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng trước 7-10 ngày).

Các mặt hàng “ăn theo” nắng nóng

Ăn theo nắng nóng, các mặt hàng như điều hòa nhiệt độ, quạt điện, quạt tích nước trở nên đắt khách. Theo một chủ tiệm bán đồ điện máy trên đường Lê Duẩn, những ngày cao điểm nắng nóng, số lượng quạt điện bán ra tăng 20-30% so với những tháng trước đó; số lượng máy điều hòa nhiệt độ, quạt chạy đá; quạt, đèn tích điện... bán ra cũng tăng từng ngày. Các loại quạt tích điện xuất xứ từ Trung Quốc trước đây có giá từ 400.000 – 800.000 đồng/chiếc, thì nay đều đồng loạt tăng giá lên đến 20-40%.

Vào buổi sáng và chiều, các bãi biển từ khu vực đường Phạm Văn Đồng vào đến Non Nước đầy ắp người đi tắm biển. Đi kèm với mùa tắm biển là một dịch vụ khác cũng khá đắt khách nhờ nắng nóng là thị trường cung cấp đồ bơi. Các sản phẩm như quần, áo, kính, phao bơi với kiểu dáng, mẫu mã phong phú được sản xuất trong nước, ngoại nhập rất hút hàng. Các loại phao bơi hình thú có giá 50.000-150.000 đồng/loại, là những sản phẩm bình dân bán rất chạy, thì mỗi gia đình không ngại sắm cho những đứa con của mình chiếc phao bơi, quần bơi đẹp mắt. Ngoài ra, nhu cầu mua sắm quần áo mùa hè cũng thật sự cuốn theo sức nóng của thời tiết. Các loại áo chống nắng, các sản phẩm sản xuất bằng chất liệu cotton thoáng mát bán khá chạy.

Các dạng đá cây và đá tinh khiết đang được tiêu thụ một cách tối đa và gần như lâm vào tình trạng “cháy hàng”. Chị Nga, chủ một tiệm đá cây trên đường Nguyễn Phan Vinh cho biết, thời gian trước, trung bình chỉ bán được 3-4 cây đá/ngày, tại thời điểm những ngày nắng nóng, nếu có sẵn vài chục cây cũng bán hết.

Dịch vụ đồ ăn lên ngôi

Người dân ở một số khu vực phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ cho biết, từ đầu mùa nắng nóng đến nay, Điện lực Cẩm Lệ thực hiện cắt điện theo giờ khoảng 10 lần, cắt cả ngày khoảng 5 lần. Những lần cắt điện đều có thông báo trước, nên mỗi gia đình đều chủ động trong chuyện sử dụng đồ điện, dùng điện nấu nướng... Tuy nhiên, khi đời sống người dân tăng cao, chuyện nấu cơm phụ thuộc hoàn toàn vào nồi cơm điện, bếp từ... thì những khi cắt điện, hầu như gia đình nào cũng ngại nấu cơm bằng bếp gas, bếp củi, nên chọn giải pháp thay món cơm bằng bún, mì. Anh Nguyễn Văn Thanh, chủ tiệm bún-mì Thanh Nữ ở tổ 13 phường Khuê Trung cho biết, bình thường cơ sở sản xuất của anh mỗi ngày cho ra lò khoảng 500kg bún, 200kg mì lá. Những hôm mất điện, mặt hàng bún sản xuất ra tăng từ 30-50%, mì lá thì chỉ tăng khoảng 10-20%. Anh Thanh đã đầu tư một máy phát điện công suất 20kg, chỉ ưu tiên phục vụ cho việc sản xuất. Bạn hàng của tiệm bún-mì Thanh Nữ tập trung chủ yếu ở khu vực chợ Cẩm Lệ và một số quán ăn dọc đường, nên theo anh Thanh, lượng khách hàng vẫn chưa phải là nhiều; nhưng vì ảnh hưởng bởi chuyện cắt điện nên cơ sở sản xuất một lượng hàng khá lớn như vậy.

Bà Năm, chuyên bán bún ở chợ Hàn cho biết, trung bình mỗi ngày quầy của bà bán khoảng 100kg bún, những hôm cúp điện, người ở tiệm sản xuất phải tăng lượng hàng cho bà lên khoảng 1,5 lần. Nhưng, bà Năm nhấn mạnh: “Vì trời nắng nóng, nhiều gia đình ngại nấu cơm nên họ thường xuyên đổi sang ăn bún, mì... đổi món để bữa ăn hấp dẫn hơn. Nên dù nhiều nơi ở trung tâm thành phố ít cắt điện, thì các hàng bán đồ phục vụ ăn uống ở chợ Hàn vẫn bán được hàng hơn ngày thường”.

HIỀN LƯƠNG

 

;
.
.
.
.
.