Giữa ánh sáng nhập nhòa của ánh đèn đêm, hình ảnh một cụ bà gầy gò, lưng còng, lụi cụi đi sau lưng một bé trai, trên tay cầm xấp vé số dày. Nhiều người đi đường nhìn thấy cảnh này đều không khỏi thương cảm, nghĩ suy…
Đôi chân chưa nghỉ
Giữa cái nắng mùa hè gay gắt, cụ bà Nguyễn Thị Ba vẫn cần mẫn bóp nhặt từng đồng, tự lo cho cuộc sống của mình bằng gánh ve chai. |
Sinh hoạt của một người mù lòa đã khó, nay bước vào tuổi già, bà Thiềm vẫn chưa có một ngày được nghỉ ngơi đúng nghĩa. Bà cho biết, mỗi tấm vé số bán ra bà lời 500 đồng. Những khi đắt khách, thu nhập của hai bà cháu cũng được gần 50.000 đồng. Đôi lần, trong cái nắng gay gắt giữa trưa, những căn bệnh của tuổi già làm bà đau nhức, nhưng thương chồng bệnh tật, thương con gái cũng vất vả như mình, thương thằng cháu trai đang tuổi ăn tuổi lớn, bà lại phải gồng mình bước đi. Còn lúc trở trời, mưa to gió lớn, chân tay đau nhức, bà Thiềm ngồi ở nhà không đi bán được. Ngày đó đối với bà thật dài và chi tiêu trong nhà trở nên túng thiếu.
Cùng hoàn cảnh ấy, bà Nguyễn Thị Chữ sống tại tổ 19, phường Thạch Thang, quận Hải Châu có 6 người con, cuộc sống của họ cũng lo toan tứ bề nên ít có điều kiện chăm sóc, phụng dưỡng mẹ già. Mỗi sáng, bà Chữ phải đi bưng bê, rửa chén bát cho một quán bún gần nhà để kiếm thêm tiền chợ cho hai mẹ con với 10.000 đồng/buổi. Nhưng số tiền còm cõi chẳng thấm vào đâu so với khoản chi phí cho người con trai tên Nguyễn Mạnh Hùng (1964) mắc bệnh tâm thần.
Những người dân sống tại tổ 38, phường An Hải Đông nhiều năm nay đã rất quen thuộc với hình ảnh bà Nguyễn Thị Ba, 82 tuổi, dáng người nhỏ thó, ngày ngày gánh đôi quang gánh đi mua ve chai về bán. Bà Ba sống một mình trong căn nhà tình thương do một công ty tư nhân xây tặng. Chị Nguyễn Thị Xí, một người dân sống gần đó cho biết: “Trời nắng cũng như trời mưa, bà Ba đều đặn sáng sớm ra khỏi nhà, trưa gần 12 giờ mới về, 1 giờ chiều đã thấy bà đi lại đến tối mịt. Thương bà Ba tuổi già vất vả, neo đơn nên chúng tôi thường gọi và cho bà mỗi khi có đồ phế thải”.
Nhiều nỗi buồn không người chia sẻ
“Giờ mình còn sức khỏe, còn lượm lặt kiếm ăn được thì vẫn phải ráng mà đi. Người có số con ơi…”. Bà Trương Thị Ngọ (70 tuổi), nói rất thật lòng mình khi tuổi già đến vẫn phải vất vả mưu sinh. |
Ai cũng mong khi sinh con ra, sẽ được nương nhờ khi con cái đã vào tuổi trưởng thành. Nhưng không nhờ vả được con khi tuổi xế bóng, lưng còng, chân mỏi, không thể tự mình kiếm miếng ăn, đó là nỗi buồn của nhiều người già vẫn cần mẫn trên con đường mưu sinh. Có người con cái đủ điều kiện nhưng thường mặt nặng mày nhẹ khi trợ giúp bố mẹ, đối xử với bố mẹ như người ăn bám trong nhà, điều này dễ làm người già tự ái và muốn tự kiếm sống nuôi thân, không muốn phụ thuộc vào con cái. Có người vì thương con quá khó khăn trong cuộc sống gia đình nên muốn tự lo cho thân mình để con cái đỡ vất vả. Nhưng dù với lý do gì, trong họ vẫn có những nỗi buồn không phải ai cũng chia sẻ được. Buồn vì con cái bất hiếu, buồn vì thương con cháu vất vả, buồn vì tuổi già không được thảnh thơi, buồn vì sự cô đơn, hiu quạnh trong căn nhà trống trải, thiếu người bầu bạn… Đó là chưa kể những khi đau ốm, không bán buôn gì được, trong lòng họ lại tràn ngập cảm giác tủi thân, buồn nản.
Ông Nguyễn Văn Tánh, Phó ban thường trực Hội Người cao tuổi thành phố cho biết, hiện nay Đà Nẵng có khoảng 72.000 người cao tuổi, chiếm 8,23% dân số. Trong đó có khoảng 68.000 người vào hội. Từ lâu Đà Nẵng không còn diện người cao tuổi nào lang thang cơ nhỡ, sống trong những ngôi nhà dột nát. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh, nhiều người vẫn còn vất vả mưu sinh khi tuổi đã lên chức ông, chức bà. Công tác chăm sóc người già được giao về các cấp, hội ở khu dân cư như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ, Hội Người cao tuổi quản lý, nhưng sự giúp đỡ này có hạn so với nhu cầu cuộc sống hằng ngày của mỗi gia đình có người già.
Dù biết rằng, người già nghèo, neo đơn hiện nay đã nhận được sự quan tâm của Nhà nước trong việc chăm lo đến sức khỏe, xây tặng nhà tình thương, tặng quà vào dịp lễ, Tết… Điều này giúp họ có thêm nghị lực để sống. Thế nhưng, đằng sau sự vất vả ấy là cả một câu chuyện buồn mà không phải ai cũng biết và chia sẻ được. “Giờ mình còn sức khỏe, còn lượm lặt kiếm ăn được thì vẫn phải ráng mà đi. Người có số con ơi…”. Nghe bà Trương Thị Ngọ (70 tuổi), tổ 47, phường Hòa Cường Nam nói như sự cam chịu, tôi chợt chạnh lòng. Càng chạnh lòng hơn khi biết, bà đi từ sáng đến tối mịt mới về, những ngày buôn bán được, bà Ngọ lại mua gạo để dành phòng khi đau ốm. Bà kể, nhà có 3 người con, 2 trong số đó cuộc sống quá khó khăn, một đứa khá hơn nhưng cũng không thể giúp được mẹ. Không muốn làm phiền con cháu nên dù tuổi đã cao, bà vẫn bán vé số dạo mong kiếm đủ tiền nuôi thân. “Dù phải vất vả mưu sinh, nhưng mình không bị ức chế trở thành gánh nặng của con cháu. Bà chỉ lo những khi trở trời…”.
Cũng như bà Ngọ, còn rất nhiều người già khác đang phải kiếm sống bằng việc bán đậu phụng, vé số, ve chai ở khắp nơi trên đất Đà thành, họ cũng mang nỗi lo lắng thường trực như thế. Nhưng nỗi lo có thấm vào đâu, vì chỉ tự bản thân mỗi người già phải tự giải quyết lấy, vất vả mưu sinh trong những ngày còn sống trên đời, trước khi nhắm mắt để được nhận những ngày thanh thản...
Ghi chép của TIỂU YẾN