Nắng nóng gay gắt, cắt điện liên tục đã gây rất nhiều khó khăn trong việc tưới tiêu vụ hè thu năm nay ở Đà Nẵng, đặc biệt là những diện tích ruộng nằm ở cuối kênh thủy lợi
Thiệt đơn thiệt kép vì khô hạn
Phần các trắng giữa mặt nước và rìa cây xanh cho thấy năm nay mực nước hồ Đồng Nghệ xuống thấp dưới trung bình các năm trước. |
Chủ nhiệm HTX Dịch vụ sản xuất kinh doanh tổng hợp Hòa Tiến 1 Phan Văn Nhiên không giấu được niềm vui: “Đổ ải là đổ nước lần đầu cho ải đất trước khi xuống mạ. Trận mưa hôm đó quá đích đáng, nó bằng 10 ngày bơm nước thủy lợi liên tục. Hai ngày 2 và 3 tháng 6 vừa rồi thêm hai trận mưa nữa, ruộng các nơi xăm xắp nước, mạ lên xanh mướt. Nếu không có tiếp hai trận mưa này thì khoảng 150 ha ruộng cuối kênh sẽ bị nứt nẻ do không nhận đủ nước từ Trạm Thủy nông An Trạch”.
Nước cho nông nghiệp hiện đang là nỗi lo hàng đầu của những người làm công tác thủy lợi ở Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Đà Nẵng (tên cũ là Công ty Quản lý khai thác công trình thủy lợi Đà Nẵng), khi nắng nóng ở miền Trung thời gian qua có khi lên đến 45-490C. Với 3 trạm thủy nông và 2 hồ chứa nước, công ty hiện đảm nhận việc tưới tiêu mỗi vụ 2.320 ha đồng ruộng ở Đà Nẵng và 150 ha ở xã Điện Hòa, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. 3 trạm thủy nông lệ thuộc vào điện, 2 hồ chứa nước thì lệ thuộc hoàn toàn vào nước trời.
Báo cáo tình hình tưới vụ hè thu 2010 của công ty cho thấy, đến ngày 2-6, Hòa Tiến có 8 ha ở đội 4 thôn Dương Sơn cuối kênh bị khô hạn cục bộ, nước từ hồ Đồng Nghệ vẫn chưa kịp thời tưới 10 ha ở Phú Sơn 1 và Phú Sơn 2 (xã Hòa Khương), 9 ha ở Bồ Bản (Hòa Phong), 1 ha ở xã Đại Hiệp chưa đổ ải.
Hiện lúa ở Hòa Tiến đang bắt đầu đẻ nhánh. Với tình hình điện 1 đỏ 1 tắt (1 ngày đỏ, 1 ngày cắt) ở Trạm An Trạch như hiện nay thì, theo ông Nhiên, sẽ khó tránh tình trạng khô hạn diễn ra trong khoảng 1 tháng nữa, đúng vào thời kỳ lúa đẻ nhánh hữu hiệu (đẻ nhánh có bông). Ruộng không nước bao giờ cũng gây nên những thiệt hại mà nông dân thường không thấy được. Thứ nhất, mất tác dụng thuốc diệt cỏ: 3 ngày sau khi bơm thuốc diệt cỏ mà không đưa nước vô ruộng là cỏ sẽ chen chân với lúa. Thứ hai, lúa giảm năng suất: lẽ ra phải đạt 65 tạ/ha, nhưng do thiếu nước, chỉ còn 50 – 55 tạ/ha.
Khóc ròng vì… điện
Trạm Thủy nông Bích Bắc, ngoài việc tưới tiêu cho hơn 800 ha ruộng các xã Hòa Châu, Hòa Phước (huyện Hòa Vang) và các phường Hòa Thọ Đông, Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ), còn “gánh” thêm hơn 150 ha ruộng ở xã Điện Hòa (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Thế nhưng, theo Trạm trưởng Nguyễn Dõi, Chi nhánh Điện lực Điện Bàn vẫn cắt điện “không thương tiếc”, làm điêu đứng việc cấp nước cho nông dân. Cụ thể, trong 5 ngày cuối tháng 5 điện đã bị cắt theo lịch một có một không, dân la làng quá, chi nhánh mới tăng lên ba có một không, nhưng vẫn ưng đâu cắt đó.
Tình hình điện đóm ở Trạm Thủy nông An Trạch cũng không hơn gì. Nếu bơm hơn một ngày thẳng thừng thì mới đưa được nước từ đầu đến cuối kênh dài 5km, nhưng điện từ ngày 8-5 là hai có một không, từ ngày 1 đến 9-6 theo thông báo của Chi nhánh Điện lực Đại Lộc (Điện lực Quảng Nam) là một có một không, thì thiếu nước là cái chắc. Trạm phó Văn Bá Nhĩ than vãn: “Điện thiếu, mực nước sông An Trạch năm nay lại kiệt hơn so với mấy năm trước, buổi tối mực nước từ 1,6m – 1,9m, sáng ra chỉ còn 1,4m, trong khi mấy năm trước bình quân là 1,8m”.
Ở Trạm Thủy nông Túy Loan, việc cấp nước có sáng sủa hơn, do có nguồn điện từ Điện lực Cẩm Lệ. Trạm trưởng Trần Văn Trọng phấn khởi: “Cho tới ngày 5-6, Trạm Túy Loan vẫn chưa bị cắt điện ngày nào, trừ một buổi sửa chữa đường dây điện hôm 26-5 có thông báo trước. Nhờ đó, hơn 100 ha ruộng lúa xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, và hơn 50 ha khác ở phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ, nhận được đầy đủ nước do trạm cung cấp”.
Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Đà Nẵng Trương Văn Lân tỏ ra lo lắng vì tình trạng mất điện liên tục mà nắng nóng sẽ kéo dài, sau mấy ngày dịu mát tuần trước. Hiện có một trạm biến áp của Nhà máy Nước Cầu Đỏ đặt ở An Trạch, cách Trạm Thủy nông An Trạch khoảng 100m. Trao đổi với chúng tôi, ông Lân cho hay sẽ trực tiếp làm việc với lãnh đạo Điện lực Cẩm Lệ (Công ty TNHH một thành viên Điện lực Đà Nẵng) để xin đấu nối điện dùng cho Trạm An Trạch vào trạm biến áp này. Còn ở Trạm Bích Bắc, sẽ phải đề nghị lãnh đạo Sở NN&PTNT thành phố Đà Nẵng can thiệp với Điện lực Quảng Nam, vì dù sao ở đó cũng có 150 ha ruộng của người Quảng Nam sống nhờ vào thủy lợi của Đà Nẵng – ông Lân hy vọng.
Sáng ngày 3-6, hồ Đồng Nghệ có cao trình mực nước thấp thua năm ngoái 5,75m; hồ Hòa Trung thấp thua 5,10m. Theo tính toán của ông Phạm Tác, Trưởng phòng Quản lý nước và Công trình (Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Đà Nẵng), ở hồ Đồng Nghệ, lấy cao trình mực nước hiện tại 26,50m trừ đi cao trình đáy cống 19,10m thì cái hồ chịu trách nhiệm tưới cho 600 ha ruộng các xã Hòa Khương, Hòa Phong (huyện Hòa Vang) và Đại Hiệp (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) này chỉ còn chứa một lượng nước có chiều cao đúng 7,40m. Hồ hình lòng chảo, càng xuống thấp nước càng ít và áp lực càng thấp. Với mức xả nước như hiện nay, nếu trời không mưa, thì chỉ khoảng hơn 1 tháng nữa là hồ Đồng Nghệ còn nước nhưng không thể xả được. Và, mọi sự lúc đó chỉ trông vào... nước trời!
VĂN THÀNH LÊ