.
Thời sự và bàn luận

Hãy cứu lấy những dòng sông

Sẽ là ác mộng nếu một lúc nào đó, những con sông thơ mộng, đã trở thành biểu tượng của một vùng đất như sông Hàn (Đà Nẵng), sông Hương (Huế), sông Hồng, sông Cửu Long sẽ trở thành những dòng sông cá chết hàng loạt như đã xảy ra với sông Cầu, sông Thương, sông Nhuệ, sông Thị Vải và mới đây là sông Thu Bồn, sông Vu Gia, sông Trà Khúc, sông Đồng Nai…

Cá chết trắng trên sông Trà Khúc, gây ô nhiễm nhiều đoạn sông và làng mạc ven bờ. Chỉ sau một đêm, cá các lồng bè nuôi trên sông Đồng Nai chết hàng loạt trước vụ thu hoạch chỉ hơn một tháng, thiệt hại hàng tỷ đồng của người nuôi. Không đến nỗi khó phát hiện nguyên nhân. Hầu như thủ phạm đều do các nhà máy, cơ sở sản xuất của các doanh nghiệp hai bên bờ đã thải nước mang nhiều chất độc chưa qua xử lý xuống sông.

Càng ngày càng có nhiều thông tin hơn về tình trạng gây ô nhiễm dòng nước tương tự như Công ty Vedan đã hành sự với sông Thị Vải. Công ty Tungkuang ở Hải Dương thải xuống sông loại nước thải chứa nhiều kim loại nặng từ các bể mạ nhôm. Các nhà máy mía, đường, giấy, thuốc bảo vệ thực vật ở nhiều nơi đổ nước thải công nghiệp xuống sông từ nhiều chục năm nay nhưng hầu như chỉ bị nhắc nhở, phạt qua loa. Một cuộc điều tra cho thấy có trên 40 nhà máy, cơ sở sản xuất hai bên bờ đã giết chết dòng sông Nhuệ. Nhiều gia đình từng sống bằng nghề chài lưới trên sông Đáy, sông Châu đã phải giải nghệ vì không còn tôm, cá trên sông. Một dự án tầm quốc gia nhằm cứu sông Cầu đã được triển khai gần 5 năm nay nhưng hầu như chưa có kết quả. Tất cả đều do nạn nước thải công nghiệp chưa qua xử lý trút xuống sông. Bên cạnh nước thải từ các nhà máy, khu công nghiệp, các dòng sông còn bị nhiễm độc vì chất thạch tín (xianua), một chất phân kim do đào đãi vàng đổ xuống. Hầu như không còn dòng sông nào, ít nhất là ở miền Trung chưa bị nhiễm độc xianua. Chất này không những giết chết các loại thủy sản mà còn đe dọa trực tiếp tính mạng con người.

Vẫn biết để cứu sống một dòng sông là rất tốn kém và khó khăn. Xây dựng hệ thống xử lý nước thải thường rất đắt, nhiều khi đắt hơn cả xây nhà máy. Với rất nhiều nhà máy đã lạc hậu, cũ kỹ như của ta hiện nay thì chắc chắn đóng cửa nhà máy có lợi hơn xây dựng bổ sung hệ thống xử lý nước thải, chống khói bụi rất nhiều. Nhưng đóng cửa nhà máy là một vấn đề vô cùng phức tạp, không dễ thực hiện ngày một ngày hai. Vậy cứu dòng sông hay đành duy trì nhà máy, câu hỏi đặt ra dễ mà trả lời lại khó. Tuy vậy, điều trước mắt có thể làm ngay, đó là vận động, giáo dục, thực thi pháp luật thật nghiêm nhằm ngăn chặn những hành vi giết chết các dòng sông như đào đãi vàng, khai thác cát sỏi, đổ nước thải, kể cả nuôi tôm, cá trái phép trên các sông, hồ.

DUY VŨ

;
.
.
.
.
.