Ở vào tuổi bảy mươi, tám mươi, tóc bạc, da mồi, nhiều người vẫn hai buổi mưa nắng tới văn phòng làm việc, nhận bậc lương công chức hằng tháng, bởi không ít xã, phường có nhiều vị trí công tác chưa tìm được người thay thế, đặc biệt là những người làm công tác nhân đạo. Họ làm vì một chữ tâm.
Chữ “tâm” của người làm từ thiện
Ông Nguyễn Hữu Tùng đang kiểm tra lại số tiền quyên góp từ thiện. |
Đã nhiều năm làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, gắn với công tác từ thiện, ông Tùng tâm sự: Công việc từ thiện diễn ra thường xuyên như cơm bữa, hết tổ chức quyên góp ở các trường đại học đến tìm trợ giúp của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, từ ủng hộ những nạn nhân chất độc da cam đến hiến máu nhân đạo, từ gây quỹ vì người nghèo đến tấm lòng vàng cho người khuyết tật… Chuyện giúp người không thể kể hết, ông Tùng chỉ nhắc lại một kỷ niệm khó quên, đó là sau trận lụt 1999, Hội Chữ thập đỏ của phường lên xã Hòa Phú dựng lại 10 ngôi nhà tình thương cho các hộ nghèo neo người. Lội trong bùn nước ngập đến đầu gối, nhiều hội viên cao tuổi phải chung vai cõng từng bao xi-măng, từng thanh dầm sắt qua khe suối, rồi chỉ có thể ăn mì gói khi không có nước để pha chế... Với ông, làm việc thiện là cảm thấy mình được hạnh phúc nhân đôi, tấm huy chương “Vì sự nghiệp nhân đạo” của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trao tặng cho ông đã nói lên điều đó.
Nói về công việc làm từ thiện của mình cũng như anh em trong hội, ông Tạ Bảy, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Chính Gián, quận Thanh Khê cho rằng, làm từ thiện thì phải có chữ tâm. Cái tâm mà ông Bảy bày tỏ chính là niềm tin. Mỗi khi các đoàn thể, cá nhân trao tiền quyên góp và hàng cứu trợ cho mình thì cũng có nghĩa là họ đã đặt trọn niềm tin vào công việc đó. Ông kể: Khi xuống Công ty Minh Toàn để xin tài trợ, lần đầu họ đưa 50 nghìn, lần sau đưa 100.000 nghìn. Nhưng lần sau nữa thì họ quyên góp cả hàng tấn gạo để giúp đỡ người nghèo trong những dịp lễ Tết, họ nói: “Nhìn công việc của các anh đang làm chúng tôi tin tưởng”. Rồi ông nhấn mạnh: “Làm công tác này phải kiên trì và thuyết phục thì mới làm được”.
Ông Tạ Bảy tham gia công tác Hội “Tình thương” từ hồi còn niên thiếu, năm nay trên tuổi lục tuần, ông vẫn nhiệt tình với công tác nhân đạo. Nhiều chương trình do Hội phát động như “Hiến máu nhân đạo”, “Ống gạo tình thương” luôn được các đoàn thể, cá nhân thường xuyên quyên góp ủng hộ.
Chữ “nhân” đeo đẳng tuổi già
Ông Tạ Bảy (bên trái), Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Chính Gián vẫn chuyên tâm làm việc dù tuổi đã bước vào đoạn “xưa nay hiếm”. |
Nhiều đợt cụ Nhân đứng ra tổ chức liên hoan văn nghệ để gây quỹ từ thiện, có lúc còn mời cả đoàn ca kịch Quảng Nam về biểu diễn ở địa phương, người dân tới xem đã đóng góp hàng chục triệu đồng ủng hộ. Hay những lần đi xuống cơ sở và các doanh nghiệp, nhìn cốt cách và phong thái của cụ Nhân, các nhà hảo tâm đều vui vẻ quyên góp rất nhiệt tình.
Làm công tác từ thiện thì không ai muốn kể công, những người như ông Nguyễn Hữu Tùng, ông Tạ Bảy, cụ Nguyễn Nhân cùng rất nhiều những người cao tuổi khác đều có chung ý nguyện đó. Số tiền lương họ nhận hằng tháng chỉ vừa đủ để đổ xăng, ăn sáng và họ sẵn sàng bỏ tiền túi của mình hỗ trợ những gia đình khó khăn đột xuất. Dù đã bước vào tuổi xưa nay hiếm, họ vẫn đi sớm về hôm nắm tình hình từng gia đình, cá nhân còn gặp khó khăn trên địa bàn, để trợ giúp kịp thời. Ở những người cao tuổi còn gắn với công tác từ thiện, tình nguyện tại địa phương, chữ tâm đã hòa vào dòng chảy nhân nghĩa của toàn xã hội, tinh thần tự nguyện của họ là tia lửa nhỏ thổi bùng lên những ngọn lửa lớn, ngọn lửa nồng ấm tình yêu thương con người...
LÊ GIA THỤY
Bữa cơm đạm bạc của cụ Nguyễn Nhân, 80 tuổi, Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ phường Thọ Quang.