Những khu rừng nguyên sinh của Tây Nguyên đang lùi dần. |
Thốt nhiên tôi thấy cô giống con mối cái khổng lồ, cô đang ăn rừng. Giấc mơ sống của cô đang ăn hết cái màu xanh đậm tôi tối của những cánh rừng già Chư Sê, Kong Kloong, mảng đen còn lại của rừng cháy vừa tắt, mảng xanh non là của vạt cà phê hay tiêu mới trồng. Tôi như thấy cảnh cô nằm viện vì sốt rét ác tính. Cô đã tưởng đặt một chân vào cõi chết. Người thân phải khuyên cô nên trở về quê. Thế nhưng vừa khỏe lại là cô lại vác rựa vào rừng. Cô nói, không ai có thể bắt em rời khỏi đây, em sẽ không bao giờ rời khỏi đây.
Giấc mơ về Tây Nguyên, về một miền đất trù phú, rộng rãi đủ để cô thả sức trồng trọt những vạt cây có thể làm cho cô sống được một cuộc sống sung túc. Mỗi ngày cô dậy thật sớm để vào rừng, mỗi ngày chặt thêm vài cây khộp, rừng giãn ra để những cây cà-phê mới có thêm đất sống, để cuộc sống của chính cô gái ấy bám được vào một mảnh đất, giấc mơ dữ dội về đất đã từng không được thỏa mãn ngày cô còn ở đất quê.
Đoạn phim thật ngắn trong một trường đoạn ba chục tập phim tài liệu về Tây Nguyên đang phát sóng trên kênh VTV1 mỗi lúc đêm trở khuya. Đạo diễn Trương Vũ Quỳnh nói với tôi, khi quay đoạn phim này, anh thấy sợ hãi trước cái chết của những cánh rừng Tây Nguyên, anh đau nỗi đau cảm nhận từ giấc mơ dữ dội về đất đai của cô gái mảnh dẻ yếu ớt khao khát sống kia. Những đoàn người di cư đi tìm nguồn đất đai cho họ sự sung túc đã phải trải qua biết bao gian khổ, và để họ được sống thì những cánh rừng cứ lùi dần. Trương Vũ Quỳnh kết thêm vài lời anh không đưa vào kịch bản: “Không ai có thể ngăn giấc mơ ấy lại. Không ai có thể giữ chân đoàn nông dân khát đất đứng nhìn cánh rừng và bảo họ bỏ đi”. Hình ảnh cô gái ốm nhom nhách, da xanh tái sốt rét, đi tìm miền đất hứa trong rừng thẳm làm người xem đau nhói. Trong những cánh rừng cuối cùng còn sót lại ở Tây Nguyên, đoàn nông dân khát đất di cư ấy đang sinh sôi nảy nở .
Tôi nhớ cảm giác sống động như chạm vào sự háo hức của những người bạn Cơtu ở Tây Giang, một huyện miền núi tỉnh Quảng Nam (không thuộc Tây Nguyên) khi các bạn dẫn chúng tôi lên đỉnh cao 1.400 mét so với mực nước biển để ngắm một khu rừng nguyên sinh còn tồn tại. Bây giờ đã đến lúc người Cơtu sinh ra từ rừng, sống hạnh phúc giữa rừng, và rừng cũng đã trở thành “đặc sản”, hiếm hoi và chỉ còn giữ lại chút ít để làm sản phẩm du lịch.
Và chúng tôi gọi nó là giấc mơ dữ dội.
BÍCH HỒNG