Mới nghe ai cũng thấy buồn cười, nhưng đây lại là sự thật 100%: Muốn nuôi cá cảnh biển hay bán hải sản tươi sống, phải mua nước biển đúng chuẩn. Để bảo đảm cho cá và các món chuẩn bị lên bàn nhậu luôn bơi lượn hấp dẫn trong hồ, nước biển được khai thác ở tầng sâu nhất định thông qua một hệ thống ống lọc đặt ngầm dưới lòng biển.
Trong+không cát+không rác+đủ độ mặn = Tiêu chuẩn
Thực khách thích thú với cá, cua, ghẹ...còn tung tăng bơi trong nước biển. |
Không cần phải đi thuyền ra xa mới có thể tuyển được loại nước biển vừa trong sạch, vừa đủ độ mặn cần thiết cho cá cảnh hay hải sản, ông đặt luôn hệ thống hút nước biển nối với các hồ chứa nước ở nhà. Nếu tính từ bờ, vị trí đặt ống ngầm vào khoảng 70m. Qua kinh nghiệm và sự mày mò tìm hiểu, ông Hiền cho biết, chỉ với khoảng cách đó thì độ mặn của nước mới đạt 30-32/1.000 (32g/kg). Độ mặn sẽ giảm nhẹ tuỳ “ông Trời”: có thể giảm nhẹ vào mùa mưa với những cơn mưa lớn làm nước loãng đi, và có thể tăng lên trong những ngày nắng nóng cực điểm. Tuy nhiên, theo ông Hiền, sự xê xích nhỏ xíu này không mấy quan trọng. Chỉ với một bộ lọc được thiết kế vừa vặn để loại bỏ được rác, cát và những sinh vật trôi nổi không mong đợi, nguồn nước vẫn luôn đạt mức trong sạch nhất.
Ông Hiền cũng từng đi khảo sát chất lượng nước biển ở nhiều vùng khác của Đà Nẵng như Nam Ô, Thanh Khê, nhưng chỉ có ở Mỹ Khê, nước biển mới bảo đảm độ mặn cần thiết và không bị pha loãng bởi nước từ các cửa sông gần đó đổ vào. Sau 5 năm theo nghề khai thác nước biển, ông Hiền đã có hơn 50 khách hàng, là các nhà hàng, quán nhậu hải sản lớn nhỏ và các cơ sở kinh doanh cá cảnh biển. Nhiều nhà hàng dù cách xa chỗ cung cấp hai chục cây số vẫn a lô yêu cầu mang nước biển tới.
Tiếc một li, đi một mớ
Nước biển sau khi qua hệ thống lọc trở nên trong sạch, đủ tiêu chuẩn để nuôi cá và hải sản tươi sống. |
Ngoài chỗ ông Hiền, nhiều bác xe ôm, những người dân chài ở vùng biển Sơn Trà cũng là một lực lượng hùng hậu cung cấp nước biển cho các quán nhậu hải sản đang mọc lên ngày càng nhiều trong thành phố. “Đồ nghề” của họ là những chiếc can loại trung, có thể chứa được 10-20 lít nước. Vì nước biển của đội ngũ này khá “nguyên chất”, nghĩa là được lấy ở mực nước bất kỳ và không qua một ống lọc nào, nên giá thường chỉ bằng 2/3 so với chỗ ông Hiền. Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Hữu Tài, một dân chài ở phường Thọ Quang, Sơn Trà, thời điểm lấy nước “đẹp” nhất là lúc sáng sớm, khi biển khá êm và các hoạt động của con người chưa kịp làm xáo trộn nhịp thở của biển. “Khi đó nước trong nhất, ít cát và rác nhất”, anh Tài nói.
Cả Đà Nẵng hiện nay có trên dưới 20 người làm nghề bán nước biển. Nghề lúc đầu tưởng làm chơi, nhưng sau “ăn thật” do nhu cầu của các nhà hàng, quán nhậu hải sản ngày càng tăng, theo cấp số quán ăn mở ra ngày càng nhiều. Nhu cầu dùng nước biển vào ngày nắng cũng tăng hơn so với mùa mưa, ông Hiền bán mỗi ngày trên dưới cả nghìn lít nước biển; với những người không chuyên như anh Tài, hằng ngày cũng bỏ mối 100-200 lít nước.
Đà Nẵng được thiên nhiên ban tặng cho một vùng biển lý tưởng với hàng chục kilômét bãi cát dài, nước trong xanh. Vào mùa nắng, mỗi ngày có hàng nghìn người đến tắm, tận hưởng hương vị mát lành của biển. Và ngoài sản lượng cá, tôm dồi dào, nguồn nước biển còn giúp con người tìm được nguồn sống.
TRIÊU NHAN