.

Nghệ thuật “Tranh trên đồng lúa” ở Nhật

.

Chiến binh Benkei
Vào tháng này là mùa tốt nhất để thấy hết vẻ đẹp mênh mang trên những bức tranh đồ sộ bằng cây lúa sống trên các thửa ruộng qua nhiều vùng quê ở Nhật. “Nghệ thuật của những cánh đồng lúa” là tên gọi một bộ môn nghệ thuật mà tác phẩm được hình thành bằng vật liệu từ thiên nhiên, đặc biệt là từ cây lúa và chỉ trang trí trên những cánh đồng. Đây là một loại hình nghệ thuật truyền thống thực hiện bằng kỹ thuật độc đáo được gìn giữ, lưu truyền trong kho tàng văn hóa phong phú của nước Nhật.

Hầu hết những tác phẩm này được mô phỏng hay tái tạo những hình ảnh, giai thoại của những vị anh tài ngày xưa trong truyền thuyết lịch sử của nước Nhật như Benkei, một chiến binh dũng cảm, phục vụ đắc lực dưới sự chỉ huy của vị tướng lừng danh Minamoto Yoshitsune. Theo truyền thuyết, để được vị tướng Minamoto Yoshitsune chiêu mộ, chiến binh Benkei phải tự mình rong ruổi trên dặm đường trong một thời gian dài để thu thập đủ 1.000 thanh kiếm dâng lên vật lễ ra mắt. Nên hình ảnh của Benkei được lưu truyền trong sách sử và được xây dựng bằng tác phẩm của nghệ thuật đồng lúa và trưng bày nơi công cộng.

Ngoài những chân dung, giai thoại từ truyền thuyết về các vị anh hùng thời chiến sử, các nhà chuyên môn của loại hình nghệ thuật này còn chọn những tác phẩm nghệ thuật hội họa nổi tiếng để “phóng lớn” trên đồng ruộng. Trong số đó có bức tranh khắc gỗ “Sóng thần” từ giữa thế kỷ 18 của Hokusai.

“Sóng thần” của Hokusai.
Họa sĩ Hokusai được thế giới biết đến qua tranh vẽ thể loại khắc gỗ, màu nước, ấn bản đồng và lụa. Bức “Sóng thần” tạo được bản sắc nghệ thuật nước Nhật nhưng giới phê bình nghệ thuật trên thế giới vẫn cho rằng phong cách hội họa của Hokusai chịu ảnh hưởng châu Âu, dù người châu Âu đặt chân đến nước Nhật rất lâu sau đó. Nhất là, tranh lại vẽ một ngư dân vào thời kỳ phong kiến của nước Nhật. Ngư dân hay nông dân thuộc đẳng cấp thấp hèn không ai vẽ trên tranh và cũng hiếm khi người ta vẽ về biển hay sóng. Họ chứng minh Hokusai đã học cách vẽ biển và sóng cùng các hoạt động ở thôn quê qua nghệ thuật hội họa các nước châu Âu, nhất là Hà Lan. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu thì cho rằng bức tranh đó vẫn mang tư tưởng phương Đông. Người ta phân tích thuyết Âm Dương của tư tưởng phương Đông qua sức vỗ hung hãn của con sóng thần tương phản sự đơn độc vượt thoát con sóng dữ của người ngư phủ trên chiếc thuyền nan nhỏ bé…

Dầu gì, hiện nay, giới nghệ thuật trên thế giới hay tại bản xứ đều khâm phục và thừa nhận giá trị vô hạn với các tác phẩm về biển và sóng của Hokusai. Và bức tranh “Sóng thần” đã được phóng lớn một cách hoành tráng, lộng lẫy bằng chính thân cây lúa trên cánh đồng mênh mông mang theo lòng tự hào của người Nhật.

HOÀNG ĐẶNG

;
.
.
.
.
.